Tại cuộc tiếp, Trưởng Đại diện UN Women tại Việt Nam Caroline Nyamayemombe bày tỏ mối quan tâm sâu sắc đối với người dân Việt Nam đang phải đối mặt với những tác động nghiêm trọng của bão Yagi; tin tưởng người dân Việt Nam sẽ vượt qua mọi khó khăn, cuộc sống của người dân và những vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai sẽ sớm ổn định, trở lại bình thường.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trân trọng cảm ơn sự sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ hỗ trợ trong việc khắc phục hậu quả bão Yagi từ các tổ chức quốc tế nói chung cũng như UN Women nói riêng.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội đánh giá cao hỗ trợ của UN Women dành cho Việt Nam trong lĩnh vực thúc đẩy bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ, góp phần để Việt Nam thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, thời gian tới, trong lĩnh vực bình đẳng giới, Ủy ban Xã hội sẽ tiếp tục thẩm tra việc lồng ghép giới trong các dự án Luật trình Quốc hội, hằng năm thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới; phối hợp với Nhóm nữ ĐBQH Việt Nam và các cơ quan thực hiện các hoạt động nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ. Năm 2026 là năm diễn ra bầu cử Quốc hội Khóa XVI, Ủy ban Xã hội sẽ phối hợp với Nhóm nữ ĐBQH và các cơ quan liên quan để tổ chức các buổi tập huấn nâng cao năng lực cho các nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân...
Sau 15 năm ban hành, Luật Bình đẳng giới đã đi vào cuộc sống, nhận thức và thực hành về bình đẳng giới của nhân dân được nâng cao. Việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng và thực hiện văn bản quy phạm pháp luật, chính sách, chương trình, kế hoạch, đề án... đã được các cấp, ngành quan tâm. Kết quả triển khai công tác bình đẳng giới trong 8 lĩnh vực quy định tại Luật Bình đẳng giới đã có những tiến bộ đáng ghi nhận, góp phần rút ngắn khoảng cách giới, nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội, tạo điều kiện để phụ nữ và nam giới tham gia và thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống chính trị - kinh tế - xã hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cũng nêu rõ, tỷ lệ nữ ĐBQH của Việt Nam hiện là 30,6%. Đến nay, Việt Nam có 13/22 bộ, cơ quan ngang bộ có lãnh đạo chủ chốt là nữ đạt 59%; có 4/30 nữ Bộ trưởng và tương đương, đạt 13,3% và 14/108 nữ Thủ trưởng và tương đương, đạt 13%. So với nam giới, các nữ đại biểu Quốc hội không chỉ quan tâm hơn đến vấn đề bình đẳng giới mà còn các vấn đề xã hội, giáo dục và môi trường, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của những người yếu thế, dễ bị tổn thương như trẻ em, phụ nữ, người khuyết tật, người cao tuổi, người nghèo, người dân tộc thiểu số.
Cùng với đó, khoảng cách giới trong các cấp bậc học hầu như không còn, trình độ học vấn của nữ giới ngày càng cao, phụ nữ tham gia giảng dạy nhiều hơn nam giới (cấp đại học, gần ½ là giảng viên nữ; cấp phổ thông, giảng viên nữ chiếm 2/3). Đội ngũ nữ trí thức Việt Nam có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng và ngày càng khẳng định được vị thế, vai trò trong phát triển khoa học công nghệ.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội nhấn mạnh, Ủy ban Xã hội luôn coi trọng và ưu tiên các vấn đề bình đẳng giới trong hoạt động của mình, luôn nỗ lực hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, giám sát việc thực thi pháp luật và nâng cao nhận thức cộng đồng về bình đẳng giới, góp phần để Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.
Khẳng định UN Women và Việt Nam có quan hệ hợp tác lâu dài, ổn định, Trưởng Đại diện UN Women tại Việt Nam Caroline Nyamayemombe nhấn mạnh, các nội dung Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh chia sẻ cũng là một trong những vấn đề UN Women quan tâm ưu tiên. Trưởng Đại diện UN Women đề nghị hai bên tăng cường trao đổi thông tin, hợp tác chặt chẽ, tích cực, hiệu quả trong các vấn đề cùng quan tâm để chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau và cùng nhau thúc đẩy bình đẳng giới trên toàn cầu.