Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, vấn đề công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân nói chung là quan điểm xuyên suốt, nhất quát của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Hiến pháp Việt Nam quy định các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật (Khoản 1, Điều 14). Việt Nam cũng đã phê chuẩn một số hiệp định quốc tế cơ bản về quyền con người bao gồm cả những hiệp định về quyền dân sự và chính trị (ICCPR), kinh tế, văn hóa và xã hội (ICESCR), phân biệt chủng tộc (CERD), bình đẳng giới (CEDAW) và công ước quốc tế về quyền trẻ em (CRC). Đối với quyền của người đồng tính, song tính, chuyển giới, những năm vừa qua, Việt Nam đã có một số bước tiến trong việc bảo đảm các quyền này, như bỏ quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính (và không thừa nhận hôn nhân cùng giới), bỏ quy định cấm phẫu thuật chuyển đổi giới tính với những người đã hoàn thiện về mặt giới tính, cấm phân biệt đối xử với người xác định lại giới tính.
Hiện nay, Bộ Y tế đang xây dựng dự thảo hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Chuyển đổi giới tính nhằm bảo đảm cho người có nhận diện khác giới tính hiện được sống đúng với giới tính mà họ mong muốn. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam cũng xây dựng dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) và bổ sung nhiều nội dung quan trọng liên quan đến phòng, chống bạo lực gia đình với người đồng tính, song tính, chuyển giới. Dự thảo Luật được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến trong Kỳ họp thứ Ba đang diễn ra.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cũng nêu rõ, tại Việt Nam, vấn đề người đồng tính, song tính, chuyển giới (LGBT) đang ngày càng cởi mở và đa dạng hơn cả về nội dung và hình thức. Chủ đề về LGBT được đề cập trong nhiều hội thảo, triển lãm tranh/ảnh, mạng xã hội, điện ảnh, truyền hình. Qua đó, từng bước thay đổi nhận thức của người dân về vấn đề LGBT. Cộng đồng người LGBT ở Việt Nam hiện nay khá cởi mở, công khai khi nói về giới tính của mình mà không sợ bị phân biệt đối xử, định kiến xã hội.
Đặc phái viên của Hoa Kỳ Jessica Stern đánh giá cao cách tiếp cận của Việt Nam, trong đó có việc Bộ Y tế đề xuất xây dựng dự án Luật về chuyển giới nhằm bảo đảm cho người có nhận diện giới khác giới tính hiện có được sống đúng với mong muốn; thực hiện và bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp cho người chuyển đổi giới tính; chống phân biệt đối xử giới tính.