Chốn sơn khê (Phần 1)<br><i>Truyện ngắn của Đoàn Lê</i>

05-chon-son-3010-300.jpg

Lỗi tại mụ ta nhiễu sự. Ai khiến mụ đến đây? Cái xóm nhỏ gồm vài chục nóc nhà, như lũ rệp nép mình bên dãy núi lùn tè, lấy đâu ra làn khói lam chiều, tiếng mõ trâu hòa tiếng sáo diều vi vu của lũ trẻ mục đồng... như các cố thi nhân đã viết. Nhưng mụ quyết gọi một cách văn vẻ đây là chốn sơn khê cho thỏa sự hào hứng của mụ.
- Mình tìm được một nơi đích thị là chốn sơn khê bấy lâu ao ước, không nghi ngờ gì nữa!

Giời ạ, nghe sốt ruột! Đây chỉ cách bãi biển du lịch vài trăm mét, lớn bé già trẻ xóm núi kéo nhau ra phục dịch ngoài đó tất, tựa lũ ruồi bâu vào miếng thịt trâu ôi. Họ vẫn nghèo kiết xác, nhưng đã dùng bếp dầu, bếp than tổ ong để cướp thời gian, hỏi bói đâu ra làn khói thơ mộng bảng lảng vương vít trên mái rạ? Và lũ trẻ chăn trâu chọi ở đây nghịch hơn lũ giặc, oánh nhau thành thần, dẫu cho ăn kẹo cũng đố thổi được sáo. Đòi khê với chả cháy cơ!

- Mình cương quyết sống hết quãng đời còn lại ở nơi êm ả này thôi.

Ấy là khi mụ nghe tiếng chim bìm bịp kêu da diết ngay sau ngôi nhà mới mua, gần tảng đá to bằng chiếc giường đôi, án ngữ con đường lên núi (mụ đâu biết vợ chồng bìm bịp này là cặp uyên ương duy nhất sống sót sau mấy lần thoát bẫy vào hũ rượu ngâm thuốc của dân xóm núi). Tức thì chốn phồn hoa thủ đô bị tiếng chim bìm bịp đánh gục. Mụ quên phứt cái thế giới náo nhiệt ngay khi chân ướt chân ráo về đây.

Thật tội nghiệp cho những ảo tưởng.

Do tại mụ có tính hãi người, hay mụ đa sự? Cứ làm như mình là một cô tiểu thư khuê các, rèm che trướng rủ, hồi còn mồ ma tiểu thuyết thứ bảy, giờ không thể dung hòa với cuộc sống hiện đại đang trở nên hỗn tạp... Chả thế ái nương chưa kịp sửa sang đã dọn thốc về căn nhà nhỏ xíu trong cái xóm núi ẩm ương, khỉ ho cò gáy, để tự nhủ được đi ở ẩn tại chốn sơn khê rồi.

Mà ẩn ai, trốn ai? Ai nhớ thương tìm kiếm phải ẩn? Xét theo mặt bưu điện, vài ba năm nay tịnh không một mống tri âm nào trao đổi thư từ với mụ. Xét theo mặt nhân sự, mụ sống dai hơn những anh bạn già ngày xưa từng tơ tưởng chuyện gắn bó. Điểm mặt khắc biết, họ đã rủ nhau đi tiệt. Kẻ bị con cái quắp sang tận chốn trời Tây, kẻ chống gậy không ra thoát khỏi cũi giường, người xấu số hơn còn bị mời xuống cõi âm thành lập các thứ hội. Con cháu mụ mỗi đứa mỗi việc, chúng chúi mũi vào mê hồn trận của hàng trăm điều lo toan mưu sinh. Vậy dù mụ ở ngay trung tâm thành phố cũng khác gì ốc đảo giữa hoang mạc?

Ai cũng đến tuổi bị quên lãng khi vòng quay cuộc chơi đẩy bắn ra lề đời. Quy luật không từ ai. Mụ chấp nhận. Lại phải mừng mụ không có lũ đàn em giương mắt nhái coi mình bằng cái rác. Đúng quá. Và phàm đã bị quên, có ở giữa chợ cũng cô đơn chẳng kém xó núi, việc gì mụ phải cầu kỳ cái sự ở ẩn đến thế?

Vâng, còn có một điều bí mật mụ không bao giờ nói ra, chỉ mình mụ biết. Mụ giấu kỹ lắm. Thì thôi, mụ cứ việc giữ kín những nguyên cớ riêng tư cho mình, miễn sao thấy được toại nguyện.

Nhưng nếu mụ chịu ở ẩn như người ta tưởng, nó đi một nhẽ. Đằng này chưa kịp ấm chỗ, mụ bỗng táy máy bày ra những trò vè vớ vẩn khiến dân xóm núi phát hoảng. Người ta kháo rằng mụ viết chuyện xóm núi vừa in trên báo đấy bà con ơi!

Quái lạ, xóm núi heo hút có gì đáng đưa lên báo kể lể? Ông trưởng thôn bí mật lên tận thị xã truy tìm tờ báo. Hóa ra mụ viết về cái thời tám hoánh, khi dân xóm núi còn ra biển thả lưới kiếm ăn, thời cánh đàn ông trần như nhộng, nồng nỗng vác cà khoeo nghênh ngang đi đánh te, coi thiên hạ bằng củ khoai; chuyện lão ngư dân Phó Văn Cụm từng bắt phi công Mỹ rơi ngoài biển, nhưng bị gán cho tư tưởng đòi công cá nhân, đến nỗi hắn cáu tiết nổi điên rồi chết...

Khi túm được tờ báo, dân xóm núi tá hỏa chuyền tay nhau bàn tán um lên. A, khéo sẽ tới lúc mụ này bới móc chuyện nhà ông, chuyện nhà tôi chứ chẳng chơi. Cần phải đề phòng mụ mới được. Kẻ có tật giật mình đánh thót, người không tật cũng giật mình theo như bị lây dịch.

Rõ khổ, đã nói chỉ do tính táy máy của mụ thôi. Rỗi việc, lại sẵn có tí chút chữ nghĩa, mụ lôi ra xài. Rồi gửi báo cho vui. Khi chị Miện, người quét dọn sân vườn thuê rỉ rả đến tai, mụ liền ngớ ra:

- Cháu kể cho bà nghe biết thôi nhé. Đúng bà viết báo, viết đài không? Thì bà cứ viết cái gì hay ho, đừng động chạm đến ai cả, để tránh tiếng xì xào này nọ. Mấy hôm nay cháu ra sức thanh minh với mọi người rằng bà rất hiền lành, chẳng có lòng hại ai. Nhưng họ không tin. Hiền lành mà lôi chuyện lão Cụm ra kể?

Mụ sợ toát mồ hôi. Rút kinh nghiệm, từ nay viết chuyện gì tránh địa danh xóm núi, kẻo có ngày phải cắp bị gậy cuốn xéo.

Chậc, mà sao phải viết? Tốt nhất cất béng cây bút vào ngăn kéo cho khuất mắt đi. Nó cứ nằm trên mặt bàn mời mọc có thánh nhịn được. Xong rồi! Hãy nằm yên đấy. Lũ mọt ngăn bàn quản lý mày!

Xóm núi im ắng một dạo. Thấy mụ ngày ngày tản bộ ra tận bãi biển, người ta hài lòng. Tốt thôi, đi bộ là hình thức thể dục nhẹ nhàng hợp với tuổi mụ. Viết lách thêm mệt vào thân. Có thể biển sẽ khiến mụ xì hơi, xoa dịu những ham muốn, những kích động còn tồn dư trong người đàn bà này. Hãy nhìn mặt biển mênh mông để thấy cái hữu hạn nhỏ nhoi của thân phận con người, để nhận ra cái vô nghĩa phù phiếm trong mỗi mơ ước.

Bờ biển phía bên kia đường giờ thuộc thế giới các hàng quán, sang trọng lẫn tầm tầm. Các em gái từ mọi ngả đổ về kiếm sống, chân dài có, chân ngắn ngủn cũng có, miễn sao em nào cũng sẵn số vốn trời cho giống nhau. Lẫn sau màu sơn đỏ móng chân, dễ thường còn ánh lên màu vàng ruộm của bùn đất. Họ cười ngây thơ, dặt dẹo trên những đôi giày cao gót, diễu dọc bờ biển từng đàn. Tha hồ ngắm, tha hồ chọn, các thượng đế ơi!

Không rõ vì lý do gì mụ làm quen với một cô gái vừa được đưa từ Hòa Bình xuống. Mụ lại lân la làm quen cả bà chủ cô ta, qua một người xóm núi rửa bát thuê cho quán. Mụ ngã giá với bà chủ: cô gái sẽ theo người rửa bát tới nhà mụ vào buổi sáng thứ hai, thứ ba đầu tuần, khi quán vắng khách. Mụ sẽ trả tiền cho chủ quán, tính y như những lượt đi khách ra ngoài của cô bé.

Nể lắm bà chủ mới đồng ý. Thôi thì các sáng đầu tuần khách cũ đã về hết, khách mới còn bận giao ban, chủ trì các cuộc họp, cho hàng đi kiếm thêm càng may...

Nhưng để làm gì đây? Bà chủ tra hỏi cặn kẽ lúc cô gái ở nhà mụ về. Thưa mẹ, con chẳng phải làm gì cả, chỉ cởi quần áo rồi đứng trên tảng đá ngoài vườn cho bà ấy vẽ thôi ạ.

Dân xóm núi thắc mắc bằng mấy bà chủ nhà hàng. Con ruồi bay vào xóm này còn bị nhận diện huống hồ một cô gái mắt xanh mỏ đỏ, ngồn ngộn sức sống, áo quần khêu gợi thế kia. Cô ta đi đâu? Ai trong xóm núi liên quan tới cô gái nhà hàng này nhỉ?

Không lâu sau người ta biết hết. Biết rồi xì xào như ve mùa hè. Chết chửa, có đời thuở nhà ai lột quần áo con người ta ra vẽ không? Giả dụ mụ là đàn ông, nó hư đốn một nhẽ. Đằng này... không giải thích nổi. Đích thị mụ có vấn đề, vấn đề nghiêm trọng chứ chẳng chơi!

Chị Miện được người ta bắt mối dò xét mọi hành tung của mụ. Vẽ làm gì? Bán cho ai? Hay vẽ xong bán vé cho người xem lấy tiền như đám chiếu phim khiêu dâm? Làm cách nào chụp lấy những bức tranh khả ố đó để báo cáo chính quyền, công an bây giờ?

Báo cáo đến ngọn nguồn, người xóm núi ớ ra khi biết mụ đang chuẩn bị tham gia một cuộc triển lãm tranh đàng hoàng cơ đấy. Cô gái được vẽ vào bức tranh Hoa bèo, đứng lõa thể trước sóng biển, mây gió vần vũ chung quanh, tay cầm bông hoa bèo tím, dưới chân cô vẫn vương những cụm bèo xanh trôi giạt từ cửa sông nào ra đây. Hẳn ý mụ thương cảm với thân phận bao thiếu nữ bèo bọt đã bị hoàn cảnh xô đẩy tới bờ biển.

Đành rằng cái thiện chí rất rõ, nhưng thiếu gì cách nói? Ai lại triển lãm cả những loại tranh không mặc quần áo, trông gay cấn thế kia ư? Loạn to mất rồi!

Bằng vào những chuyện to nhỏ chân thành của chị Miện, mụ chợt hiểu chốn sơn khê của mụ đâu phải nơi ở ẩn ngon lành. Tức thì mụ cất cọ vẽ, cất luôn mấy bức toan còn trắng tinh và viết thư có tính di chúc cho hai con gái. Các con cố giữ lấy những bức tranh mẹ vẽ, dù xấu dù đẹp (cũng không có nhiều đâu), để lại làm kỷ niệm. Không phải vì sau khi mẹ chết, những bức tranh này được giá cao hơn, mà mãi mãi không còn có người nào vẽ như mẹ vẽ. Chúng quý ở chỗ là sản phẩm của sự sáng tạo duy nhất, của một người duy nhất. Hãy nhớ lấy.
Mụ dặn cho đỡ tiếc. Chứ sau khi mụ hai tay buông xuôi, chúng mang che cửa sổ bếp cũng đành thôi.

Không còn việc gì làm, mụ quyết định dành thời gian đi quanh xóm thăm thú mọi nhà làm thân. Đến đâu người ta lập tức bỏ mọi công việc đón tiếp.

- Quý hóa quá, hôm nay rồng đến nhà tôm, bà sang chơi hay có việc gì cần chúng em đấy ạ?

- Không, là tôi chỉ sang chơi thăm hai bác, chỗ lân bang láng giềng, hôm nay rỗi rãi... Ấy chết, hai bác cứ vá lưới đi. Trông thấy mọi người có công ăn việc làm, tôi mừng.

- Vâng, vá thuê cho người ta, vá víu suốt ngày... Chúng em có còn đi biển đâu. Giờ vẫn đi biển chắc chết đói. Thuyền phải to, đánh bắt phải ra khơi xa, chứ cá mú ven bờ vắt mũi chưa sạch đã tiệt chủng rồi bà ạ.

(Số sau đăng hết)

Văn nghệ

Tự hào một dải non sông
Văn hóa - Thể thao

Tự hào một dải non sông

Những ấn phẩm ngợi ca vẻ đẹp quê hương đất nước, ngợi ca chủ nghĩa anh hùng cách mạng là điểm nhấn trong loạt ấn phẩm của nhà xuất bản Kim Đồng chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ Tư, 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Tạo không gian mở phát triển văn học
Văn hóa - Thể thao

Tạo không gian mở phát triển văn học

Văn học chưa có khung pháp lý thống nhất và chi tiết để định hướng, cụ thể hóa chính sách cho tác giả, tác phẩm, hoạt động trong lĩnh vực này. Việc xây dựng, ban hành nghị định về khuyến khích phát triển văn học vừa đáp ứng nhu cầu cấp thiết, vừa mang ý nghĩa quan trọng.

"Giai điệu tri ân" – lời cảm ơn sâu sắc Agribank gửi đến khách hàng
Văn nghệ

"Giai điệu tri ân" – lời cảm ơn sâu sắc Agribank gửi đến khách hàng

Tối mai, 12.12, tại Nhà hát Hồ Gươm sẽ diễn ra chương trình nghệ thuật “Giai điệu tri ân” do Agribank tổ chức. Sự kiện là lời cảm ơn sâu sắc từ Agribank gửi đến những khách hàng, đối tác và cộng đồng - những người đã đồng hành, sẻ chia và cùng kiến tạo những giá trị bền vững trong suốt hành trình phát triển.

Hé lộ sân khấu choáng ngợp của siêu nhạc hội 8WONDER Winter trước giờ G
Văn hóa - Thể thao

Hé lộ sân khấu choáng ngợp của siêu nhạc hội 8WONDER Winter trước giờ G

Toàn bộ phần sân khấu “đóng băng” 8WONDER Winter đã hoàn thiện những khâu setup cuối cùng để sẵn sàng chào đón ban nhạc hàng đầu thế giới Imagine Dragons và dàn Vpop Việt đình đám trước hàng chục ngàn khán giả Sài Thành. Ban nhạc hàng đầu thế giới dự kiến sẽ đến TP. Hồ Chí Minh chiều hôm nay để sẵn sàng cho siêu nhạc hội tại đại đô thị Vinhomes Grand Park.

Để điện ảnh Việt cất cánh
Văn hóa - Thể thao

Để điện ảnh Việt cất cánh

Để điện ảnh Việt Nam thực sự cất cánh và hội nhập thế giới, cần có một chiến lược toàn diện và đồng bộ; giải pháp không chỉ giúp nâng cao chất lượng phim mà còn phải thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp này.

Giải pháp cho vấn đề bản quyền âm nhạc
Văn hóa - Thể thao

Giải pháp cho vấn đề bản quyền âm nhạc

Dù đã có cải thiện, nhưng vi phạm bản quyền âm nhạc tại Việt Nam vẫn là vấn đề nan giải. Theo Tổng Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), NSƯT, nhạc sĩ ĐINH TRUNG CẨN, để giải quyết vấn nạn này, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Đưa giá trị của văn hóa lan tỏa đến cộng đồng
Văn nghệ

Đưa giá trị của văn hóa lan tỏa đến cộng đồng

Ngày 3.10, tại không gian nghệ thuật 34 Châu Long, Hà Nội đã diễn ra mạn đàm văn chương có chủ đề về văn hóa, tinh hoa trong văn thơ xưa và nay, với sự tham gia của các văn nghệ sĩ, nhà nghiên cứu phê bình văn học; được chủ trì bởi nhà sưu tập Thúy Anh - người khởi xướng nhiều chuỗi hoạt động văn hóa, nghệ thuật đậm đà tính nhân văn và hướng tới cộng đồng.