Nhiệm vụ chiến lược, lâu dài, cấp bách
Với 62 đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn, trong đó 35 đại biểu đã tham gia chất vấn, gồm 28 đại biểu nêu câu hỏi và 7 đại biểu tham gia tranh luận, cho thấy công tác dân tộc và chính sách dân tộc rất được quan tâm. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh khẳng định: “Công tác dân tộc là một nhiệm vụ chiến lược, lâu dài, cấp bách của Đảng và Nhà nước ta, được thực hiện thông qua các chủ trương của Đảng, các quy định pháp luật và hệ thống chính sách liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, góp phần quan trọng trong thực hiện chiến lược đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam”.

Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và người dân tộc thiểu số. Hệ thống chính sách dân tộc được đánh giá khá đầy đủ, toàn diện và bao quát hầu hết lĩnh vực đời sống chính trị, kinh tế - xã hội của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Cơ chế, chính sách từng bước thay đổi cách thức tiếp cận theo hướng phát huy nội lực của đối tượng thụ hưởng.
Đáng chú ý, ngày 18.11.2019, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 88/2019/QH14, phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 và Nghị quyết số 120/2020/QH14, ngày 19.6.2020, phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Đây là lần đầu tiên chúng ta có chương trình mục tiêu quốc gia riêng đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi bao trùm tất cả các lĩnh vực với 10 dự án và 14 tiểu dự án thành phần…
Cùng với sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương và sự nỗ lực, cố gắng vươn lên của đồng bào các dân tộc, theo ĐBQH Nguyễn Tạo (Lâm Đồng), chính việc quan tâm xây dựng và thực thi chính sách dân tộc đã góp phần thu hẹp dần khoảng cách phát triển trong cộng đồng dân tộc ở nước ta, thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước. Kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có bước phát triển rõ rệt. Cơ cấu kinh tế chuyển biến tích cực, sinh kế của người dân ngày càng đa dạng, phong phú, thu nhập được cải thiện, an ninh trật tự được giữ vững. Khối đại đoàn kết các dân tộc được củng cố và tăng cường…
Hệ thống chính sách tản mát
Tuy nhiên, việc thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc và đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số, vùng dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập. Trong đó, ĐBQH Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) chỉ ra rằng, hiện nay chủ trương, đường lối của Đảng về công tác dân tộc được thể chế trong nhiều văn bản khác nhau. Theo Báo cáo số 205 của Chính phủ về tình hình thực hiện chính sách dân tộc giai đoạn 2021 - 2022, có tới 99 bộ luật và luật với gần 300 điều khoản quy định liên quan đến chính sách dân tộc.
ĐBQH Châu Quỳnh Dao (Kiên Giang) lại nêu thực tế, năm 2019, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 65 tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24 về công tác dân tộc trong tình hình mới. Tuy nhiên, đến nay một số chính sách quan trọng chưa ban hành như chính sách phát hiện quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao người dân tộc thiểu số, chính sách đặc thù trong tuyển dụng công chức, viên chức đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn…
Do chính sách tản mát ở nhiều văn bản, chồng chéo, nhiều tầng nấc, nguồn lực bị phân tán dẫn đến chưa phát huy hiệu quả và thiếu tính bền vững, “như dầu đổ vào đèn cháy, hết thì lại đổ dầu cho đèn khỏi tắt”, ĐBQH Hoàng Thị Thanh Thúy (Tây Ninh) ví von.
Theo ĐBQH Nguyễn Tạo, cử tri cho rằng cần có những định hướng, hoàn thiện về cơ chế, chính sách dân tộc trong thời gian tới. Đó là sớm nghiên cứu, ban hành luật hỗ trợ phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Đồng bộ và tập trung hơn
Trước băn khoăn của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, công tác dân tộc nằm ở rất nhiều lĩnh vực, nhiều ngành khác nhau cho nên vẫn cần thiết có hệ thống văn bản pháp luật chuyên ngành ở từng lĩnh vực chứ không thể có một văn bản chung cho công tác dân tộc và chính sách dân tộc.
Hơn thế, trong các chính sách, có chính sách cho ngắn hạn, có chính sách cho dài hạn và có chính sách quy định theo pháp luật chuyên ngành. Chính vì vậy, việc tích hợp, triển khai đồng bộ, lồng ghép các chính sách với nhau là một vấn đề khó. “Trong quá trình thực hiện, những quy định nào phù hợp thì có thể tích hợp, có quy định pháp luật riêng thì phải thực hiện theo quy định pháp luật riêng, nhưng mục tiêu cuối cùng vẫn là để hướng đến giải quyết những vấn đề khó khăn, cấp bách ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số… Thời gian tới, qua quá trình rà soát để đưa vào các Chương trình mục tiêu quốc gia, Ủy ban Dân tộc cùng các bộ, ngành cố gắng tích hợp theo đúng tinh thần chỉ đạo của Quốc hội để hệ thống chính sách đồng bộ, thống nhất và tập trung hơn”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh nói.
Đối với việc xây dựng luật hỗ trợ phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh, từ năm 2017 Ủy ban Dân tộc đã trình Thủ tướng Chính phủ cho đề nghị xây dựng luật này, cũng đã nghiên cứu và tổ chức rất nhiều hội thảo. Song như đã nói, công tác dân tộc và chính sách dân tộc liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau cho nên để xây dựng luật phù hợp và bảo đảm thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật Việt Nam, không chồng chéo với pháp luật chuyên ngành liên quan thì phải tiếp tục nghiên cứu.
“Nếu có được luật này thì sẽ rất tốt, là cơ sở pháp lý quan trọng để xây dựng các chính sách dân tộc nhưng chúng ta cần phải nghiên cứu một cách căn cơ và đầy đủ” - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh nhấn mạnh, đồng thời cho biết thêm: thực hiện Kết luận 65 của Bộ Chính trị, Đảng đoàn Quốc hội đã giao Hội đồng Dân tộc chủ trì để nghiên cứu xây dựng luật hỗ trợ phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong nhiệm kỳ khóa này. “Ủy ban Dân tộc với trách nhiệm của mình, chúng tôi sẽ chuyển toàn bộ hồ sơ nghiên cứu trước đây để phối hợp với Hội đồng Dân tộc trong quá trình nghiên cứu pháp luật theo chỉ đạo và giao nhiệm vụ của Hội đồng Dân tộc”.
Nghị định 05 của Chính phủ về công tác dân tộc ban hành đã 12 năm (từ 2011), theo ĐBQH Ma Thị Thúy (Tuyên Quang), hiện nay có nhiều bất cập. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cũng thừa nhận điều này, giải trình thêm: sau Hiến pháp năm 2013, tiếp đó là Kết luận 65 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 88, Nghị quyết 120 của Quốc hội, nhiều chủ trương, chính sách liên quan đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cần được cập nhật, điều chỉnh và bổ sung. “Ủy ban Dân tộc đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Thủ tướng đã giao chính thức cho Ủy ban Dân tộc chủ trì, cùng các bộ, ngành tổng kết việc thực hiện Nghị định 05 và đề xuất điều chỉnh, sửa đổi một số nội dung trên tinh thần cập nhật, bổ sung các nội dung có liên quan đến chính sách dân tộc trong các văn bản nêu trên”.