Tọa đàm tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến nhằm chia sẻ thông tin về các nguồn tài liệu lưu trữ; kinh nghiệm công bố phát huy giá trị tài liệu; đề xuất những giải pháp, hình thức mới trong hoạt động công bố, đặc biệt là xu hướng tiếp cận đối với công chúng trẻ.
Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Đặng Thanh Tùng cho biết, chương trình “Công bố tài liệu lưu trữ quốc gia phục vụ xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền đất nước” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2194/QĐ-TTg ngày 24.12.2021. Mục tiêu của Chương trình là xác định các nội dung tài liệu đưa ra công bố; biên dịch, xử lý tài liệu tư liệu để phục vụ công bố; nâng cao nguồn nhân lực, đầu tư cơ sở vật chất nhằm phục vụ nhu cầu sử dụng của xã hội, phục vụ các cơ quan, tổ chức và công chúng.
“Việc công bố tài liệu lưu trữ cũng là một trong những mục tiêu nhằm phát huy giá trị tài liệu, ở thời điểm này nó không chỉ hợp với lòng dân, với tình cảm của toàn xã hội mà của cả những người làm lưu trữ. Hiện nay, việc đưa thông tin, giá trị tài liệu ra ngoài xã hội không chỉ đơn thuần là nhiệm vụ của những người làm lưu trữ mà là đòi hỏi của công luận, đòi hỏi của các phương tiện truyền thông. Nhận thức được đầy đủ các nhu cầu, yêu cầu đó, chúng tôi rất vui, tự hào và quyết tâm đưa tài liệu lưu trữ ra phục vụ công chúng”, ông Đặng Thanh Tùng nhấn mạnh.
Tại tọa đàm, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm công bố, phát huy giá trị tài liệu lưu trữ quốc gia trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, sự bùng nổ, phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, xu thế mở rộng dân chủ xã hội.
Đại diện đến từ các địa phương đã cùng nhau trao đổi kinh nghiệm phát huy giá trị tài liệu, như với Hà Tĩnh là kinh nghiệm công bố tài liệu lưu trữ phục vụ nghiên cứu lịch sử địa phương. Bình Định nêu thực tế khó khăn và sự cần thiết hợp tác công bố, phát huy giá trị tài liệu. Còn Đà Nẵng, Nam Định là cách tiếp cận mới trong phối hợp các hoạt động văn hóa - xã hội, giúp cho việc công bố tài liệu thuận lợi hơn, nhằm góp phần phục vụ công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội địa phương, bảo vệ chủ quyền đất nước.