Châu Âu du ký<br>Kỳ 3: Tống Giang ở Praha

Tống Giang có một chiếc xe đẩy bốn bánh được anh đẩy đi khắp khu chợ Sapa ở Praha để bán đồ uống. Giang nói, cuộc đời anh lăn lộn đã nhiều, anh biết cái giá của cuộc đời, anh chấp nhận làm công việc anh đang làm, anh nghĩ làm gì thì làm, mà có thể ngẩng cao đầu, đêm có thể ngủ ngon giấc, là được rồi…

>> Kỳ 1: Gặp Linda Lê tại Paris

>> Kỳ 2: Milan Kundera - ra đi và trở về

“Đuối lý” ở cầu Tình

Tống Giang ở Praha tuổi ngoài 50, da trắng, mắt xếch, tóc muối tiêu, người rắn rỏi, cao khoảng mét bảy. Tống Giang ở Praha còn có một cái tên khác, dĩ nhiên (tên trong giấy khai sinh là Nguyễn Văn hay Trần Văn gì đấy), có một vợ và ba con đang ở quê nhà (một thành phố nhỏ hay vùng quê nào đó thuộc đồng bằng Bắc Bộ). Một mình anh sống ở Praha, trọ cùng ba người nữa trong một căn hộ cách nơi làm việc chừng bảy phút đi xe đạp. Mỗi năm Tống Giang về thăm quê một lần vào dịp Tết, vé máy bay thường được đặt trước từ ba đến sáu tháng, qua một hãng bán vé máy bay do người Việt làm chủ. Lần nào cũng vậy, trước khi về quê, anh thường ghé qua quảng trường Con Gà ở trung tâm Praha chơi. Anh khuyên chúng tôi, những người mới đến Praha lần đầu, là cần phải đi quảng trường để xem con gà bằng vàng, đúng mười hai giờ trưa trên mặt đồng hồ thiên văn con gà sẽ nhảy ra, đó là một cảnh hết sức thú vị, nhiều lần anh đã đến đó từ sớm để đợi xem.

Quảng trường Con Gà, quảng trường Thành Cổ với nhà thờ thánh Vitus, cầu Charles (mà người Việt mình thường hay gọi là cầu Tình), quảng trường Con Ngựa… là những địa danh phải đến đối với khách du lịch Praha. Đứng từ trên cao nhìn xuống Praha có thể thấy những nóc nhà màu xanh khá đặc trưng mà bạn có thể bắt gặp trong bất cứ postcard hay một bộ phim Hollywood nổi tiếng nào đó có những pha đuổi bắt gay cấn, một hai cô gái Slavơ tóc vàng thanh thoát, đầu tiên có thể rất tội nghiệp nhưng đến cuối phim thì lại hóa ra là một nhân vật phản diện.


Một cậu đạo diễn trẻ xem nhiều phim hơn cả số tháng tuổi đời của cậu nói với tôi rằng, dân làm phim không còn coi Praha là điểm lựa chọn cho bối cảnh các bộ phim nữa, vì Praha đẹp, hấp dẫn, nhưng các phối cảnh không còn gì mới mẻ để khám phá. Có nghĩa là đứng ở bất cứ góc nào nhìn Praha bạn cũng vẫn thấy đẹp một cách quen thuộc, như trong phim, như trong postcard. Một nhà văn nữ người Pháp gốc Việt thì khi nghe nhắc đến Praha đã thốt lên: Ở Praha, Kafka cũng giống như Starbucks, giống như Mac Donald, khách du lịch mặc áo phông in dòng chữ “I love Kafka” đi đầy đường (điều này hết sức chính xác, ta sẽ thấy ngay khi ghé thăm “Nhà Kafka” ở Ngõ Vàng).

Một cảm giác tương tự cũng xảy ra với tôi, khi đứng trên đồi cao của quảng trường Thành Cổ lộng gió nhìn xuống thành phố, ngay dưới chân bức tượng Tổng thống Marasyk - một nhân vật rất có công lao với lịch sử Tiệp Khắc, thấy một nghệ sĩ đường phố chơi cello một bản nhạc của Jean Sibelius, tôi đã suýt khóc. Hiếm khi nào cùng một lúc cảnh vật, gió, không khí, âm thanh và chuyển động của con người lại kết hợp với nhau hợp lý đến mức gây xúc cảm mạnh đến vậy. Nhưng ngay lập tức sau khi bản nhạc kết thúc, tôi chợt nhận ra, khoảnh khắc tôi cứ nghĩ là quý giá đó cũng không khác gì một đoạn trong một bộ phim bom tấn được cắt sửa chỉn chu, thật cẩn thận kỹ càng và cũng thật chóng qua…

Một ngày của Tống Giang

Từ trung tâm của Praha, tính từ cột cây số 0 nằm cách “con gà” mà anh Tống Giang nhắc đến khoảng vài chục mét, đi xe khoảng 30 phút (trong trường hợp không gặp tắc đường) lên đồi xuống đồi và chui qua các đường hầm xuyên trong lòng đồi là tới khu chợ người Việt có cái tên khá đặc biệt: “Trung tâm thương mại Sapa”. Chợ Sapa (theo cách gọi của người Việt ở đây) là một khu đất có diện tích khoảng 35.000 mét vuông, có ba lối ra vào, mở cửa từ 8 giờ sáng đến 8 giờ tối tất cả các ngày trong tuần (kể cả lễ tết, chỉ đóng cửa duy nhất buổi sáng mồng một Tết âm lịch), được tạo nên từ các khu nhà tiền chế, các container xếp hàng ngang dọc và các dãy ki ốt ngoài trời, các vỏ xe cũ biến thành các cửa hàng nhỏ, được sắp xếp có tổ chức và đúng thứ bậc. Một ngày có khoảng 3.500 người làm việc trong khu chợ Sapa (chưa kể khách đến giao dịch). Tống Giang có một chiếc xe đẩy bốn bánh được anh đẩy đi khắp khu chợ Sapa để bán đồ uống. Cả chợ Sapa có sáu người đẩy xe nước như anh, họ có thể chọn một chỗ cố định để bán hoặc đẩy đi khắp chợ.

Một ngày làm việc của Tống Giang bắt đầu từ 7 giờ sáng. Khi đoàn làm phim chúng tôi ngỏ ý nhờ anh giới thiệu về chợ Sapa, anh vui vẻ vừa khuấy cà phê vừa nói: Chợ Sapa này nhiều phong cảnh đẹp lắm, anh làm ở đây lâu năm rồi, không có chỗ nào là không biết. Anh bảo anh có nhiều khách quen, mỗi đối tượng khách có đặc thù và thói quen riêng. Đầu giờ sáng, những khách hàng đầu tiên bao giờ cũng là nhóm lái xe tải đường dài và công nhân bốc dỡ hàng, nhóm này thường là người Tiệp và sinh hoạt ăn ở ngay trong các dãy container xếp cạnh bãi xe. Tống Giang đẩy xe sát vào giữa các khối container và xe tải, len lỏi giữa những bóng dáng cao to đồ sộ, hai tay hai ly cà phê nóng bốc khói chuyền cho đám lái xe và công nhân.

Ảnh: Lê Kim Hưng
Ảnh: Lê Kim Hưng

Sáng sớm tinh sương, thế giới chợ Sapa thuộc về những người lái xe và bốc vác. Trên con đường dẫn vào chợ còn chưa tan sương mù, từng đoàn từng đoàn xe tải lầm lũi bò trên con đường vào chợ, tản về các dãy nhà kho. Những cái bóng thoăn thoắt vác đồ trên vai nhanh chóng dỡ hàng. Quy luật của chợ là đầu tuần sẽ có khách người Việt Nam lên lấy hàng rồi chở về các địa điểm gần biên giới, rồi chợ vắng dần để lại đông lên vào hai ngày cuối tuần. Vào thời điểm hiện nay, chợ Sapa không còn tấp nập như vài năm trước đây. Tuy nhiên, cũng vào lúc này, người Việt Nam đã gần như chiếm lĩnh toàn bộ hệ thống bán hàng nhỏ lẻ, đặc biệt là thực phẩm, xuất hiện ở mọi góc phố Praha. 

9 giờ sáng, mặt trời bắt đầu lên, sương tan dần, các chủ hàng mới bắt đầu xuất hiện. Nhiều người trước khi tới quầy hàng của mình còn ghé qua nhà trẻ nằm ngay trong khuôn viên chợ Sapa, tại tòa nhà mang tên “Dân trí” để gửi con. Nhà trẻ ở đây nhận trông trẻ con đủ tuổi. Chúng tôi gặp một ông bố chở con mình đi vài chục cây số đến đây, anh cho biết anh muốn con mình nói được tiếng Việt nên sẵn sàng bỏ hàng tiếng đồng hồ mỗi ngày cho việc đưa đón con đi học.

Lúc này, Tống Giang đã bắt đầu vượt qua những giờ phút nhộn nhịp nhiều khi nháo nhào của đầu ngày. Có thời gian rảnh tay hơn, anh dừng chiếc xe đẩy của mình trước một cửa hàng của người quen, gần cổng có barie, anh xắm nắm giúp người quen của mình sắp xếp hàng hóa lên quầy. Đây cũng là một “cơ sở” của anh, nơi anh có thể đun nước nóng để bổ sung cho các thứ nước uống trên chiếc xe của mình.

Tống Giang kể, thời điểm này thì còn chưa gay go lắm, nhưng chừng nào tuyết rơi thì sẽ rất khổ, vừa lạnh vừa bẩn. Anh cũng thường về Việt Nam vào thời điểm ấy. Khi chúng tôi hỏi trời tuyết mà vẫn đẩy xe đi bán à, anh trả lời là vẫn đẩy thôi. Mãi mấy hôm sau, khi đã sắp rời khu chợ Sapa, chúng tôi mới hiểu ra lý do sâu xa khiến Tống Giang cứ đẩy xe suốt ngày mà không đứng cố định ở một nơi cho nhàn hạ: nếu ở cố định một nơi, anh rất có khả năng vướng vào một số tệ nạn ở nơi đây.

Chúng tôi theo anh đi về nhà, một căn hộ nhỏ xíu trên tầng cao một khu nhà khá tươm tất. Lần lượt từng người bạn của anh cũng về, đầy đủ bốn người vào lúc 8 giờ tối, trong đó có người lái xe chở hàng, có người cũng đẩy xe đi bán như Tống Giang (nhưng có ô tô để đi chứ không đi xe đạp như Tống Giang), có người phục vụ bàn ở quán ăn. Các anh nhất định bắt chúng tôi ăn cơm cùng, nằng nặc đòi chúng tôi tìm cho một bài hát rất đình đám hiện nay ở Việt Nam, do bài hát ấy nói về quê hương của một trong các anh. Căn hộ có mùi thơm nồng ấm đặc biệt của cà phê mà một người pha sẵn ở nhà để chuẩn bị cho buổi bán hàng hôm sau, nhưng khi nghe chúng tôi nói vậy, anh tỏ ra rất ngạc nhiên vì anh không còn ngửi thấy mùi ấy nữa, bởi đã quá quen.

  “Mọi người nói đùa về Tống Giang, về nhân vật đặc biệt của Thủy hử ấy, gọi “anh Tống Giang” là “Sơn Đông Cập Thời Vũ”. Tống Giang chỉ cười. Mãi đến khi mọi người đã ngừng nói, anh mới bảo, trong Thủy hử, anh đặc biệt thích Tống Giang, vì nhân vật ấy rất thương mẹ...”

Mọi người nói đùa về Tống Giang, về nhân vật đặc biệt của Thủy hử ấy, gọi “anh Tống Giang” là “Sơn Đông Cập Thời Vũ”. Tống Giang chỉ cười. Mãi đến khi mọi người đã ngừng nói, anh mới bảo, trong Thủy hử, anh đặc biệt thích Tống Giang, vì nhân vật ấy rất thương mẹ.

Ngồi ở mép tấm đệm dùng để ngủ đêm đêm, Tống Giang kể chuyện, ánh mắt ngó lên trần nhà chứ không nhìn vào ống kính camera. Anh nói, cuộc đời anh lăn lộn đã nhiều, anh biết cái giá của cuộc đời, anh chấp nhận làm công việc anh đang làm, không một chút oán thán, anh nghĩ làm gì thì làm, mà có thể ngẩng cao đầu, đêm có thể ngủ ngon giấc, là được rồi. Anh cũng rất muốn các con anh nhìn thấy anh trong bộ phim, để chúng thực sự hiểu công việc của anh, công việc mà anh không hề mảy may thấy xấu hổ.

Hôm sau, chúng tôi đang phỏng vấn một nhân vật khác, cũng trong khuôn viên chợ Sapa, thì Tống Giang đột nhiên xuất hiện, trên chiếc xe đạp cà tàng. Anh dúi cho chúng tôi một túi nho, bảo chúng tôi ăn cho đỡ khát nước trong lúc làm việc, nho này rất ngon nên anh chọn cho chúng tôi.

Tống Giang có thể bỏ cả tiếng đồng hồ hết đi xe bus lại chuyển sang tàu điện ngầm để lên trung tâm Praha. Tất nhiên anh thích đến quảng trường Con Gà. Cũng có lần, anh bỏ toàn bộ thu nhập hai tháng để đi du lịch đảo Mallorca bên Tây Ban Nha. Anh đi theo tour, chỉ một mình chứ không rủ bạn, anh nói anh rất thích biển nên đã đến đó. Ở Mallorca, Tống Giang nói, đồ hải sản đặc biệt ngon.

Văn hóa

Để lá cờ Tổ quốc không ngừng bay ở vĩ tuyến 17
Văn hóa

Để cờ Tổ quốc tung bay ở vĩ tuyến 17

Trong những năm tháng khốc liệt của chiến tranh chống Mỹ, hình ảnh lá cờ Tổ quốc ở vĩ tuyến 17 là niềm tin, hy vọng của Nhân dân về một ngày đất nước thống nhất. Và để bảo vệ lá cờ không ngừng bay giữa mưa bom, bão đạn, nhiều chiến sĩ đã cống hiến thanh xuân của mình.

50 năm văn học, nghệ thuật đồng hành với đất nước
Văn hóa - Thể thao

50 năm văn học, nghệ thuật đồng hành với đất nước

Có lẽ trong mọi điều sâu thẳm và bền bỉ nhất mà một quốc gia có thể gìn giữ suốt hành trình phát triển là văn học, nghệ thuật. Nhìn lại 50 năm đất nước thống nhất, văn học nghệ thuật đã không chỉ song hành, mà còn là lực đẩy tinh thần đặc biệt, nâng bước dân tộc qua những năm tháng đầy biến động.

Kết nối ký ức hào hùng
Văn hóa - Thể thao

Kết nối ký ức hào hùng

Nửa thế kỷ sau ngày đất nước thống nhất, những thước phim truyện khắc họa cuộc kháng chiến cứu nước của quân và dân ta vẫn vẹn nguyên giá trị lịch sử và nghệ thuật, là di sản tinh thần vô giá của dân tộc. Làm tốt công tác bảo tồn, khơi dậy sức sống mạnh mẽ cho di sản này sẽ góp phần lan tỏa những câu chuyện hào hùng đến các thế hệ sau.

Nhà hát Tuổi trẻ hợp tác quốc tế phát triển nhạc kịch
Văn hóa

Nhà hát Tuổi trẻ hợp tác quốc tế phát triển nhạc kịch

Mới đây, tại Nhà hát Nghệ thuật thành phố Guri - Hàn Quốc đã diễn ra buổi diễn đọc kịch bản vở nhạc kịch "Giấc mơ của em" (My dream), kết quả giai đoạn đầu tiên của dự án hợp tác nghệ thuật giữa Nhà hát Tuổi trẻ và Nhà hát Sangsangmaru kéo dài trong hai năm 2025 - 2026.