Chất lượng nguồn nhân lực quyết định sức cạnh tranh quốc gia
_____________________________________
Mục tiêu của giáo dục - đào tạo là phát triển con người toàn diện, nhưng trong giai đoạn hiện nay phải tập trung phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao. “Chất lượng nguồn nhân lực quyết định sức cạnh tranh quốc gia. Chuẩn bị tốt nguồn nhân lực là "chìa khóa" để chúng ta bước vào kỷ nguyên mới một cách vững chắc” - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục NGUYỄN ĐẮC VINH khẳng định.
“Chìa khóa” để bước vào kỷ nguyên mới vững chắc
- Ưu tiên hàng đầu trong kỷ nguyên mới là thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao. Theo Chủ nhiệm, để đạt được các mục tiêu này, nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao có vai trò như thế nào?
- Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, là quan điểm nhất quán và xuyên suốt thời kỳ Đổi mới do Đảng ta khởi xướng. Từ Đại hội XI trở lại đây, Đảng ta đã xác định phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao là một trong ba đột phá chiến lược để phát triển đất nước. Tại Nghị quyết Đại hội XIII, tư tưởng chỉ đạo này tiếp tục được khẳng định, trong đó “phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao” được xác định “trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng giáo dục và đào tạo”.
Đây là một luận điểm hết sức quan trọng, đánh dấu bước phát triển trong nhận thức của Đảng về vai trò của nhân tố con người trong chiến lược phát triển nhanh và bền vững đất nước. Trong bối cảnh cạnh tranh giữa các quốc gia ngày càng gay gắt, chất lượng nguồn nhân lực sẽ quyết định cơ hội phát triển của mỗi nước. Chúng ta đang chuẩn bị các điều kiện cho giai đoạn phát triển mới, chuẩn bị tốt nguồn nhân lực sẽ là "chìa khóa" để bước vào kỷ nguyên mới một cách vững chắc.
- Như Chủ nhiệm vừa nói, vấn đề nguồn nhân lực tiếp tục được khẳng định trong Nghị quyết Đại hội XIII. Sau hơn nửa nhiệm kỳ triển khai Nghị quyết Đại hội XIII, Chủ nhiệm đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ này như thế nào?
- Có thể khẳng định, những năm qua, giáo dục và đào tạo nước ta đã có bước phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần đào tạo nguồn nhân lực ngày càng chất lượng phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Công tác đào tạo nguồn nhân lực đã có chuyển biến mạnh mẽ cả về chất lượng, hiệu quả và mức độ tiếp cận của người dân. Chất lượng nguồn nhân lực được nâng lên, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bước cải thiện, tăng từ 64,5% năm 2020 lên 68% năm 2023, trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ tăng từ 24,5% năm 2020 lên 27% năm 2023.
Các cơ sở đào tạo ngày càng quan tâm tới khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; hình thành các quỹ hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp; số lượng, chất lượng ý tưởng, dự án khởi nghiệp của sinh viên ngày càng tăng. Thu hút đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, nhân lực kỹ thuật, nhân lực số, nhân lực quản trị công nghệ, nhân lực cho các ngành nghề kỹ năng mới, thế mạnh của Việt Nam. Kỹ năng nghề của người lao động được tăng cường, có thể đảm nhận nhiều vị trí công việc phức tạp mà trước đây phải do chuyên gia nước ngoài thực hiện.
Việc đào tạo nhân lực chất lượng cao, nhất là nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo, chip và chất bán dẫn gắn với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ, đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp…
Đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu thị trường lao động
- Thế nhưng nhiều ý kiến cho rằng, so với yêu cầu, việc phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn còn hạn chế nhất định trong nhận thức và tổ chức thực hiện?
- Thực tế có lẽ đúng như vậy. Đó cũng là một trong những lý do Quốc hội đã lựa chọn chuyên đề giám sát năm 2025 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao” để có đánh giá đầy đủ, khách quan, toàn diện lĩnh vực quan trọng này.
Qua khảo sát, giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục thời gian qua cho thấy thực trạng đào tạo nguồn nhân lực có nhiều vấn đề cần giải quyết. Giáo dục nghề nghiệp quy mô nhỏ, cơ cấu ngành, nghề đào tạo chưa phù hợp; hình thức, phương pháp tổ chức đào tạo chậm đổi mới, chưa đa dạng, linh hoạt để đáp ứng kịp thời nhu cầu của thị trường lao động. Đào tạo chưa gắn kết chặt chẽ với yêu cầu sử dụng lao động; ứng dụng và chuyển giao công nghệ còn yếu, chưa phát huy được hết tiềm năng cũng như chưa đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.
Giáo dục đại học Việt Nam có nguy cơ tụt hậu so với các nước trong khu vực và thế giới. Trình độ quản trị, chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng đào tạo còn hạn chế, mức độ bao phủ thấp và bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục đại học. Tỷ lệ sinh viên/giảng viên và tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ đều rất thấp so với chuẩn mực chung của thế giới. Quy mô đào tạo đại học có xu hướng tăng nhưng cơ cấu ngành nghề đào tạo chưa hợp lý; tỷ lệ sinh viên đại học/vạn dân thấp hơn một số nước có điều kiện tương đồng trong khu vực và trên thế giới…
Thấm nhuần về tư tưởng, thống nhất về hành động
- Toàn cầu hóa, quốc tế hóa diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Công nghệ số, chuyển đổi số dẫn đến thay đổi trên thị trường lao động. Khoa học, công nghệ trở thành nhân tố quyết định năng lực cạnh tranh quốc gia. Bối cảnh này, theo Chủ nhiệm, cần có những giải pháp gì để nguồn nhân lực đem lại sức cạnh tranh quốc gia cho Việt Nam?
- Toàn cầu hóa, quốc tế hóa tạo điều kiện mở rộng giao lưu, hợp tác giữa các nền giáo dục của các quốc gia, góp phần chuẩn hóa nội dung giáo dục tiệm cận với chuẩn mực quốc tế, nhưng cũng đặt ra thách thức về dịch chuyển, cạnh tranh thu hút nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao. Bên cạnh đó, do tác động của công nghệ số, chuyển đổi số, các ngành, nghề mới thay thế các ngành nghề truyền thống, dẫn tới yêu cầu nguồn nhân lực phải liên tục được đào tạo, đào tạo lại để đáp ứng thị trường lao động. Việc ứng dụng chuyển đổi số và những tiến bộ công nghệ dự báo có thể tác động, làm thay đổi phương thức quản lý, đòi hỏi phải đổi mới tư duy, đẩy mạnh cải cách thể chế, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Trong bối cảnh ấy, cần tiếp tục quán triệt sâu sắc hơn nữa trong các cấp ủy đảng, bộ, ngành trung ương và địa phương về quan điểm “giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu” và “đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển bền vững” để thực sự thấm nhuần về tư tưởng, thống nhất về hành động. Ưu tiên tăng đầu tư và sử dụng hiệu quả ngân sách, bảo đảm chi cho giáo dục tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước; đồng thời huy động và phát huy tối đa các nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước cho giáo dục - đào tạo.
Đối với giáo dục đại học, một trong những giải pháp trọng tâm là khắc phục vướng mắc, bất cập trong các quy định về tự chủ đại học, theo hướng đi vào chiều sâu, thực chất, gắn với trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch thông tin. Có chính sách học bổng hợp lý để thu hút sinh viên giỏi vào một số ngành quan trọng, phục vụ phát triển bền vững đất nước như khoa học cơ bản, kỹ thuật, khoa học sức khỏe... Đầu tư, phát triển hệ thống cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu, giảng dạy, nâng cao chất lượng đội ngũ cho một số trường đại học trọng điểm. Có chính sách khuyến khích tạo ra các mô hình giáo dục đại học chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh...
Đối với giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm chất lượng đào tạo nghề, nhất là kỹ năng, kiến thức nền tảng để tham gia thị trường lao động. Đa dạng hóa phương thức đào tạo, phát triển chương trình đào tạo theo hướng mở, linh hoạt, phân bổ hợp lý về cơ cấu ngành, nghề, trình độ, vùng, miền, đáp ứng chuẩn đầu ra tiệm cận với chuẩn khu vực và thế giới. Tăng cường phối hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp, gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng lao động. Đẩy mạnh dự báo nhu cầu về đào tạo nghề nghiệp, ưu tiên ngành, nghề công nghệ mới, công nghệ cao...
Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, giáo dục luôn phải đi trước một bước. Chúng ta đang chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới, chuẩn bị nguồn nhân lực là một nhiệm vụ hết sức quan trọng và cấp bách, mà trách nhiệm đầu tiên thuộc về ngành giáo dục. Phải thực hiện tốt từ bậc mầm non đến sau đại học, cân đối hài hòa giữa giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp. Tạo cơ chế, chính sách để nâng cao chất lượng dịch vụ giáo dục, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, nhu cầu nguồn nhân lực của đất nước.
- Xin trân trọng cảm ơn Chủ nhiệm!