Ăn “canh” vì thiếu gạo
Vì trời mưa nên lúc chúng tôi vừa tới trạm kiểm lâm xã Chi Khê cũng là lúc các anh kiểm lâm đang chuẩn bị bữa ăn trưa. Nghe anh trưởng trạm kể mới biết các anh ở đây đều là người Kinh lên đây công tác. Các anh còn giới thiệu về những món lạ của người dân nơi đây như thịt gà rừng, cơm lam hay món nộm hoa chuối rừng… Bữa trưa hôm đó chúng tôi được thết đãi canh “bon”.
Theo như các già bản kể lại, canh “bon” có xuất xứ từ những năm dân bản còn chưa trồng được nhiều cây lúa củ khoai. Thức ăn chính của họ khi giáp hạt còn là củ mài đào được trên rừng. Củ mài đào mãi rồi cũng hết, bữa đói bữa no, cho nên họ tìm cây môn (trong tiếng Thái là “co bon”) và từ đây có thêm một món ăn chống đói. Dần dà, khi cuộc sống đã đủ đầy hơn, dân bản không còn thiếu gạo ăn nữa nhưng món canh “bon” không những không bị lãng quên mà còn được coi là món ăn dùng trong các dịp đặc biệt khi có đông người. Như vậy nó còn là món ăn mang tính cộng đồng.
Chế biến và thưởng thức
Cách chế biến món này cũng rất đơn giản, nguyên liệu chính gồm có thân cây môn, da trâu hay da bò để trên gác bếp, gạo tấm và một nguyên liệu không thể thiếu là lá đắng. Cây môn được chọn thường mọc ở đầu nguồn con suối, thân và lá không bị sâu bệnh, như vậy môn mới ngọt và không bị ngứa. Đây cũng là nguyên liệu không thể thiếu. Tiếp theo là da trâu, da bò phải để một thời gian trên gác bếp để có được mùi vị đặc biệt và độ dai. Nếu không tìm được hai thứ này có thể thay bằng đuôi trâu hay cẳng chân chó, cần phải nướng qua trên bếp than, rồi cho vào ngâm với nước ấm, sau đó ninh nhừ cùng tấm gạo. Tiếp nữa là rau đắng (bà con ở đây gọi là “cha lăng”), nếu không kiếm được rau đắng thì món canh “bon” coi như mất ngon. Rau đắng giúp món ăn có vị ngon đặc trưng, hơn nữa lá đắng còn giúp phòng và chữa một số bệnh tiêu chảy. Còn một thứ gia vị nữa cũng không kém phần quan trọng, đó là “mạc khẹn” hay dân bản còn gọi là hạt cay tiêu rừng có mùi thơm rất đặc biệt.
Khi đã có đầy đủ các nguyên liệu thì chỉ việc nấu. Đầu tiên là ninh nhừ da trâu và tấm, khi hai thứ này tương đối mềm, ta bắt đầu cho thân và lá môn vào ninh cho nhuyễn cùng. Khi nào tất cả đã nhuyễn mới cho rau đắng và nêm gia vị. Múc một chén canh môn, rắc chút cay tiêu rừng vào là không thể cưỡng lại cái dạ dày háu đói. Nếu bạn không tin, có thể một lần về với xứ Nghệ để thưởng thức vì khó mà tìm được món này ở một nơi nào khác.
Canh “bon” thường được dân bản nấu khi nhàn rỗi, đãi khách hoặc trong những ngày mưa không thể lên nương. Vào ngày mưa mà cùng gia đình, bè bạn ăn canh “bon” trong một không gian ấm cúng thì không gì bằng.