Cảnh báo nguy hiểm của bệnh uốn ván: Chớ nên chủ quan khi giẫm phải đinh gỉ

Uốn ván là một bệnh nhiễm khuẩn nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong cao nếu không được chữa trị kịp thời.

Khoa Hồi sức tích cực- Chống độc, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ thông tin: bệnh nhân L.M.T (sinh năm 1965) ở huyện Thanh Thủy, nhập viện trong tình trạng khó thở, cứng hàm, suy hô hấp, viêm phổi, được chẩn đoán mắc uốn ván giai đoạn toàn phát mức độ nặng.

Theo chia sẻ của người nhà, khoảng 2 tuần trước khi vào viện, người bệnh giẫm phải đinh gỉ nhưng chủ quan nghĩ vết thương nhỏ không đáng kể nên đã không đến cơ sở y tế kiểm tra và cũng không tiêm huyết thanh phòng uốn ván.

Các bác sĩ phải áp dụng các biện pháp hồi sức tích cực như kiểm soát hô hấp nhân tạo (mở khí quản thở máy), dùng huyết thanh kháng độc liều cao, kiểm soát các triệu chứng và biến chứng, dùng kháng sinh dự phòng chống bội nhiễm, đồng thời chăm sóc và can thiệp dinh dưỡng cho người bệnh.

Cảnh báo nguy hiểm của bệnh uốn ván: Chớ nên chủ quan khi giẫm phải đinh gỉ -0
Bệnh uốn ván do vi khuẩn Clostridium tetani gây ra (Ảnh: Internet)

Nguyên nhân bệnh uốn ván

TS. BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu- Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. HCM cho biết, bệnh uốn ván (còn gọi là phong đòn gánh) là một bệnh nhiễm trùng cấp tính do vi khuẩn uốn ván, có tên khoa học là Clostridium tetani gây ra. Thông thường nha bào uốn ván ngoài môi trường xâm nhập vào cơ thể qua các vết thương sâu bị nhiễm bẩn, qua các vết rách, vết bỏng, vết thương dập nát, vết thương nhẹ, có một số trường hợp do tiêm chích không an toàn.

Đôi khi có trường hợp uốn ván sau phẫu thuật trong những điều kiện không vệ sinh (đặc biệt là nạo thai lậu). Trẻ sơ sinh có thể bị uốn ván sơ sinh do nha bào uốn ván xâm nhập qua dây rốn trong khi sinh đẻ vì cắt rốn bằng dụng cụ bẩn hoặc không được chăm sóc rốn đúng cách.

Sau khi nha bào vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể – thường là qua các vết thương, vi khuẩn sẽ phóng thích ra các độc tố uốn ván, các độc tố này xâm nhập vào các sợi trục thần kinh rồi  di  chuyển  ngược  dòng từ hệ  thần  kinh  ngoại vi vào đến trung ương, gây tình trạng tăng trương lực cơ hay co cứng cơ gây đau, thường khởi đầu với cứng cơ nhai, sau đó cứng cơ cổ, lưng, bụng và toàn thân. Bệnh có thể diễn tiến nặng gây co giật toàn thân, nuốt sặc và khó thở.

Bệnh nguy hiểm như thế nào?

Theo TS. BS Châu chia sẻ, bệnh có thể khởi phát bằng triệu chứng cứng hàm (không há miệng to được). Sau đó tình trạng co cứng các cơ tăng dần, thường là cơ gáy, cơ lưng, cơ bụng, đôi khi co cứng ở vùng bị thương. Tùy theo nhóm cơ co cứng chiếm ưu thế mà bệnh nhân có một trong những tư thế đặc biệt như sau: Cong ưỡn người ra sau, thẳng cứng cả người như tấm ván, cong người sang một bên, gập người ra phía trước. Trong giai đoạn toàn phát, bệnh nhân xuất hiện các cơn co giật toàn thân khi bị kích thích bởi va chạm, ánh sáng chói, tiếng ồn…

Bệnh nhân không thể tự ăn uống được do thực quản bị co thắt gây khó nuốt, nuốt nghẹn và nuốt sặc nên cần phải đặt ống thông dạ dày nuôi ăn, nhiều trường hợp cần phải nuôi ăn bằng thuốc truyền tĩnh mạch. Bệnh nhân cũng bị co thắt vùng khí quản gây khó thở, cần phải mở khí quản.

Ngoài ra, bệnh uốn ván có thể có biến chứng “rối loạn thần kinh thực vật” biểu hiện bởi hiện tượng rối loạn nghiêm trọng về nhịp tim (lúc rất nhanh, lúc lại rất chậm), huyết áp (lúc tăng cao, lúc hạ thấp), và nhiệt độ cơ thể (có thể tăng cao liên tục 40 – 410C), dẫn đến tử vong.

Người bệnh có thể gặp các biến chứng khác như nhiễm trùng cơ hội, viêm phổi do thở máy (nhiễm các tác nhân đa kháng kháng sinh), teo cơ – cứng khớp…. Nếu người bệnh có các bệnh lý nền tiềm ẩn như bệnh tim mạch, gan thận, đái tháo đường… sẽ có nguy cơ làm nặng nề thêm tình trạng bệnh lý.

Cách phòng ngừa bệnh

Bệnh uốn ván rất nguy hiểm và gây thách thức trong điều trị nhưng có thể phòng ngừa được bằng việc tiêm ngừa vắcxin đầy đủ, trong đó quan trọng nhất là tiêm ngừa chủ động, trước khi bị vết thương.

Việc tiêm ngừa vắc-xin bắt buộc phải đầy đủ, theo đúng lịch hẹn (tối thiểu 3 mũi, mũi 2 cách mũi 1 tối thiểu 1 tháng, mũi 3 cách mũi 2 tối thiểu 6 tháng) và nhắc lại mỗi 5 – 10 năm sau đó sẽ giúp tạo đủ kháng thể bảo vệ khỏi bệnh uốn ván. Phụ nữ có thai cần được tiêm phòng uốn ván chủ động vì miễn dịch của người mẹ do vắcxin có giá trị phòng được uốn ván sơ sinh cho con.

Trước đó, Bác sĩ BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM cũng đã khuyến cáo: Đối với trường hợp không được tiêm ngừa vắc-xin đầy đủ như đã nêu, khi có vết thương cần đến các cơ sở y tế gần nhất để được xử trí vết thương đúng cách, đồng thời được tiêm huyết thanh giải độc tố uốn ván để phòng bệnh.

Tránh tuyệt đối tình trạng tự xử lý vết thương tại nhà như thoa đắp các loại lá cây, cỏ không đảm bảo vệ sinh và đây có thể là một trong các nguyên nhân tạo điều kiện xâm nhập của các vi trùng uốn ván.

Sức khỏe

Thực hiện thành công ca phẫu thuật tái tạo lồng ngực bằng Titan ứng dụng công nghệ in 3D đầu tiên ở Đông Nam Á
Sức khỏe

Thực hiện thành công ca phẫu thuật tái tạo lồng ngực bằng Titan ứng dụng công nghệ in 3D đầu tiên ở Đông Nam Á

Các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City và các kỹ sư từ Trung tâm công nghệ 3D trong y học, Đại học VinUni đã thực hiện thành công ca phẫu thuật triệt căn khối u trung thất với kích thước 11,5 cm và tái tạo lồng ngực cho bệnh nhân bằng vật liệu Titan.

VNVC chủ lực tiêm nhiều vắc xin sởi nhất trong ngày đầu tham gia chiến dịch của TP. Hồ Chí Minh
Sức khỏe

VNVC chủ lực tiêm nhiều vắc xin sởi nhất trong ngày đầu tham gia chiến dịch của TP. Hồ Chí Minh

Với lợi thế dây chuyền khám và tiêm hiện đại, chuyên nghiệp, đồng bộ trên cả nước và tại 39 trung tâm tại TP. Hồ Chí Minh, cùng gần 2.000 bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế, hệ thống tiêm chủng VNVC đã triển tiêm hơn 1.200 mũi vắc xin các loại trong ngày đầu chiến dịch tăng cường, trong đó có gần 200 mũi vắc xin sởi miễn phí.

FPT Long Châu “thần tốc” điều động 10 tấn thuốc, phối hợp các đơn vị hỗ trợ người dân vùng bão lũ
Sức khỏe

FPT Long Châu “thần tốc” điều động 10 tấn thuốc, phối hợp các đơn vị hỗ trợ người dân vùng bão lũ

Ngay sau cơn bão số 3 - Yagi vừa qua, FPT Long Châu đã nhanh chóng phối hợp với Bộ Y tế, Công đoàn Y tế Việt Nam, các cơ quan quản lý y tế địa phương và các cơ quan báo chí để thực hiện hỗ trợ ứng cứu sản phẩm chăm sóc sức khỏe thiết yếu cho người dân vùng lũ.