Ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam vẫn đối mặt nhiều khó khăn
TS Trần Thị Mai Thành – Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định, công nghiệp hỗ trợ đóng một vai trò quan trọng trong tăng cường sự liên kết trong chuỗi cung ứng của các ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế Việt Nam như: Dệt may, da giày, điện tử, nông nghiệp, thủy sản...
Lấy ví dụ điển hình cho sự gia tăng về số lượng các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam cung ứng linh, phụ kiện cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, bà Trần Thị Mai Thành cho rằng: Năm 2014, Việt Nam chỉ có 4 công ty Việt Nam là nhà cung cấp linh, phụ kiện cho Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc), nhưng đến năm 2022 con số này đã lên tới 257 nhà cung cấp.
"Đây là kết quả của sự nỗ lực rất lớn của Tập đoàn Samsung và Bộ Công Thương Việt Nam trong hợp tác nâng cao năng lực cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam" - bà Trần Thị Mai Thành khẳng định.
Tuy nhiên, trong lĩnh vực công nghệ, công nghiệp hỗ trợ Việt Nam vẫn đang đối mặt với một số tồn tại và hạn chế. Các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước cung cấp cho đối tác nước ngoài vẫn chỉ dừng lại ở mức độ đơn giản, có hàm lượng công nghệ trung bình và thấp.
Cụ thể, nhà cung ứng Việt Nam chủ yếu cung cấp cho Tập đoàn nước ngoài về dịch vụ an ninh, suất ăn công nghiệp, nguyên vật liệu đơn giản như bao bì sản phẩm… nếu so với những doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ thuộc hệ sinh thái mà các tập đoàn đầu tư nước ngoài đưa về Việt Nam thì các sản phẩm này có hàm lượng rất thấp. Qua đó cho thấy, năng lực của doanh nghiệp công nghiệp nội địa vẫn còn nhiều hạn chế.
Đặc biệt, theo bà Trần Thị Mai Thành, tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam trong các ngành công nghiệp còn thấp, ví dụ như: Ngành điện tử tỷ lệ nội địa hóa chỉ chiếm chỉ từ 5-10%, ngành ôtô từ chiếm 7-10%, ngành dệt may, da giày từ 45-50%..
Nâng cao vai trò cầu nối của nhà nước trong liên kết các doanh nghiệp CNHT
Theo TS. Nguyễn Tú Anh - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Ban Kinh tế Trung ương, nguyên nhân khiến ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam chưa phát triển là bởi đây là một lĩnh vực đầu tư cần nguồn vốn lớn, nhưng lại vô cùng rui ro, trong khi đó quy mô thị trường với các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước vẫn còn khá nhỏ.
Cụ thể hơn, ông Nguyễn Tú Anh cho rằng, nếu một doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phát triển sản phẩm và chỉ bán cho một đối tác, trong khi đối tác của họ lại có thể đặt hàng ở bất cứ một dự án nào khác thì doanh nghiệp không thể chấp nhận rủi ro đó để đầu tư.
Theo đó, công ngành công nghiệp hỗ trợ chỉ phát triển nếu như nhà sản xuất tại Việt Nam có quy mô rất lớn và sẵn sàng tìm kiếm các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của doanh nghiệp Việt Nam để phục vụ nhu cầu sản xuất của họ.
Đó cũng là lý do, Nghị quyết 50 –NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 đã đưa ra định hướng thu hút vốn đầu tư nước ngoài, “trong đó tập trung vào các dự án quy mô lớn, có nhu cầu nội địa hóa nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước phát triển” – ông Nguyễn Tú Anh khẳng định.
Để thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước phát triển, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần tăng cường kết nối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và khu vực doanh nghiệp trong nước. Bởi thực tế hiện nay, các doanh nghiệp trong nước còn khá dè dặt trong việc tiếp cận với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, một số doanh nghiệp chỉ coi các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài như đối tác cạnh tranh chứ chưa chủ động tìm kiếm các cơ hội liên kết từ các doanh nghiệp nước ngoài.
Bởi vậy, để thúc đẩy liên kết hai khu vực doanh nghiệp này, cần phải nâng cao vai trò cầu nối của nhà nước trong việc xây dựng những mô hình liên kết phù hợp, thúc đẩy nâng cao vai trò trách nhiệm của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong việc hỗ trợ, kết nối với doanh nghiệp trong nước. Cùng với đó, bản thân các doanh nghiệp trong nước phải có những đột phá về công nghệ nguồn, công nghệ cao cũng như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, từ đó có đủ lực liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp nước ngoài, đồng thời trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu.