Bày tỏ thống nhất với Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội, ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hà đánh giá: Báo cáo dày dặn với 31 trang giải trình và tiếp thu rõ ràng, bài bản, thuyết phục. Đi sâu vào các nội dung cụ thể, đại biểu đồng tình với nội dung tại Khoản 2, Điều 29 quy định giao UBND cấp tỉnh quy định chi tiết tiêu chuẩn và việc xét tặng danh hiệu xã, phường, thị trấn tiêu biểu. Bởi mục tiêu, kết quả phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương là khác nhau nên tiêu chuẩn cần sát với thực tiễn nhằm khích lệ, thúc đấy phong trào thi đua. Quy định như vậy cũng tăng cường phân cấp, phân quyền, tính chịu trách nhiệm của UBND cấp tỉnh. “Tuy nhiên, để tránh việc tiêu chuẩn quy đinh quá khác nhau giữa các tỉnh, thành phố; số lượng tiêu chí chênh lệch lớn trong nghị định hướng dẫn của Chính phủ thì nên có khung tiêu chuẩn, định mức tối thiểu để các địa phương căn cứ, xây dựng tiêu chuẩn của tỉnh mình”, ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hà gợi mở.
Liên quan đến việc hình thức khen thưởng Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang, bà Hà bày tỏ thống nhất cao với phần tiếp thu, chỉnh lý, bổ sung này. Theo lí giải của đại biểu: Bộ chính trị, Ban Bí thư đã có kết luận về nội dung này. Hơn nữa, từ Kỳ họp thứ Hai vừa qua, đa số ĐBQH cũng đã nhấn mạnh sự cần thiết của việc tặng, truy tặng Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang. Đây là việc hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với quy định tặng Huy chương Chiến sỹ vẻ vang cho Lực lượng vũ trang (theo Khoản 1, Điều 57). Đồng thời, cũng là sự tri ân, động viên, khích lệ to lớn, kịp thời đến lực lượng Thanh niên xung phong - những người trực tiếp tham gia chiến đấu hoặc phục vụ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. “Trong số họ còn rất nhiều hoàn cảnh khó khăn; phải chịu ảnh hưởng, di chứng của chiến tranh. Nhiều người đã hi sinh tuổi thanh xuân cho đất nước song có cuộc sống còn vất vả, thiếu thốn cả về vật chất, lẫn tinh thần”, ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hà khẳng định và đề nghị: Bổ sung quy định vào Khoản 2, Điều 96 đối với trường hợp Thanh niên là thương binh nặng, thời gian tham gia lực lượng Thanh niên xung phong dưới 2 năm (do Chính phủ quy định).
Đối với quy định liên quan đến danh hiệu NSND, NSƯT, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà tán thành với phương án bổ sung các đối tượng hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh, kiến trúc, văn học, bổ sung các “soạn giả” trong lĩnh vực sân khấu được xét danh hiệu cao quý này. Việc tiếp thu, bổ sung tại Dự thảo luật lần này đã tránh được sự so bì, bất bình, ảnh hưởng đến tâm tư, tình cảm của giới văn nghệ sỹ; kịp thời động viên, khích lệ lực lượng này sáng tác, sáng tạo, đóng góp cho sự phát triển.
Trong nội dung tham gia ý kiến của mình tại Hội trường, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cũng dành nhiều sự quan tâm đến quy định khen thưởng cho ĐBQH theo nhiệm kỳ. Theo đại biểu quy định như vậy là chưa phù hợp vì: Nguyên tắc của thi đua là tự nguyện, công khai, minh bạch. Tương tự, nguyên tắc của khen thưởng là chính xác, công bằng, kịp thời; thống nhất hình thức khen thưởng với đối tượng, thành tích, công trạng, thành tích đến đâu, khen thưởng đến đó. "Nếu không không đánh giá, công nhận hàng năm thì không thể bảo đảm các nguyên tắc này", bà Hà nhận định.
Vì lẽ đó, đại biểu cho rằng: ĐBQH kiêm nhiệm thì khen thưởng theo nhiệm kỳ đối với thành tích hoạt động tại Quốc hội và khen thưởng từng năm theo thành tích, công trạng ở chức danh công tác chính. Đối với ĐBQH chuyên trách phải xét khen thưởng hàng năm mới bảo đảm theo dõi thành tích liên tục và thống nhất với các đối tượng khác vì đây là công việc chính của họ. “Việc dẫn chứng theo Quy định 89-QĐ/TW của Bộ Chính trị về khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp, quy định việc đánh giá cán bộ lãnh đạo quản lý theo nhiệm kỳ không liên quan đến việc đánh giá thi đua, ghi nhận thành tích để khen thưởng ĐBQH”, bà Hà nhấn mạnh.