Quy định rõ loại nào cấm, loại nào được phép sử dụng
Để làm rõ khái niệm về vũ khí thô sơ, khoản 4, Điều 3 của dự thảo Luật về giải thích từ ngữ của dự thảo quy định: “Vũ khí thô sơ là vũ khí có cấu tạo, nguyên lý hoạt động đơn giản, bao gồm: Kiếm, giáo, mác, thương, lưỡi lê, đao, mã tấu, côn, quả đấm, quả chùy, cung, nỏ, phi tiêu thuộc danh mục do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành. Dao có tính sát thương cao là dao sắc, dao nhọn và dao sắc nhọn, có chiều dài lưỡi dao từ 20cm trở lên hoặc có chiều dài lưỡi dao dưới 20cm nhưng được hoán cải, lắp ráp để có công năng, tác dụng tương tự dao có tính sát thương cao thuộc danh mục vũ khí thô sơ do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành”.
Đại biểu Chá A Của (Sơn La) cho rằng, giải thích từ ngữ về “vũ khí thô sơ” như dự thảo Luật, cơ quan soạn thảo cần “nghiên cứu thêm”. Điểm b, khoản 4, Điều 3 dự thảo Luật quy định: “Dao có tính sát thương cao là dao sắc, dao nhọn và dao sắc nhọn, có chiều dài lưỡi dao từ 20cm trở lên hoặc có chiều dài lưỡi dao dưới 20cm nhưng được hoán cải, lắp ráp để có công năng, tác dụng tương tự dao có tính sát thương cao thuộc danh mục vũ khí thô sơ do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành”, điều này có nghĩa là những công cụ này có thể bị cấm. Tuy nhiên, cũng chính điểm này của dự thảo Luật lại quy định, “trường hợp sử dụng dao có tính sát thương cao vào mục đích lao động, sản xuất, sinh hoạt thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này”. Theo đại biểu, việc cấm hay không cấm đối với việc sử dụng công cụ này cần phải được quy định cho cụ thể, rõ ràng.
Đi sâu phân tích về đặc điểm sản xuất lao động của đồng bào dân tộc, đại biểu Chá A Của cho rằng, đồng bào thường dùng dao dài trên 20 cm. Nhưng trong dự thảo Luật quy định là vũ khí thô sơ là “dao sắc nhọn, có chiều dài lưỡi dao từ 20cm trở lên” sẽ bị cấm sử dụng, vậy, đồng bào sẽ sử dụng công cụ bằng cách nào? Do đó, nên giao cho Chính phủ và các bộ, ngành nghiên cứu, hướng dẫn cụ thể có quy định chuẩn, chi tiết để rõ loại nào cấm, loại nào được phép sử dụng, và ở “mức chấp nhận được”, tránh ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, sinh hoạt của người dân.
Ở một góc nhìn khác, đại biểu Quàng Văn Hương (Sơn La) nhấn mạnh đến vấn đề tín ngưỡng của đồng bào dân tộc. Đại biểu cho rằng, dao cúng để sử dụng rất sắc, nhọn và dài. Trong khi dự thảo Luật mới chỉ quy định sử dụng công cụ trong sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt. Vậy, đối với tín ngưỡng, thì quy định này sẽ như thế nào, đại biểu đặt vấn đề.
Tránh ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân
Cùng chung băn khoăn với đại biểu Chá A Của (Sơn La) về khái niệm “vũ khí thô sơ” của dự thảo Luật, đại biểu Trần Chí Cường (Đà Nẵng) cho rằng, công cụ, dụng cụ phục vụ cho mục đích sản xuất, sinh hoạt hàng ngày của người dân có thể có nguy cơ gây sát thương. Người sử dụng có thể sử dụng công cụ đó cho sản xuất, nhưng cũng có thể công cụ đó sẽ trở thành vũ khí ngay khi đối tượng phạm tội sử dụng. Tuy nhiên, hành động sử dụng công cụ đó gây sát thương cho người khác có thể là bộc phát chứ không phải có mục đích từ trước. Do đó, không nên căn cứ vào mục đích sử dụng để xác định công cụ hỗ trợ, dụng cụ đó là vũ khí hay là phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt. Nếu không quy định chặt chẽ, cụ thể có thể thể dẫn đến tùy nghi trong công tác quản lý và sử dụng, gây khó khăn và có thể ảnh hưởng đến hoạt động sinh hoạt của người dân.
Ngoài ra, đại biểu Trần Chí Cường cũng đặt vấn đề, trong hoạt động bình thường, ở các khu chợ những người bán thịt vận chuyển dao trên đường thì có phải là vận chuyển vũ khí không? Do đó, cơ quan soạn thảo cần rà soát, cân nhắc và tính toán kỹ về việc áp dụng, đưa khái niệm và những quy định về những vật mang tính chất công cụ, dụng cụ của người dân sinh hoạt, sản xuất hàng ngày vào trong quy định loại hình vũ khí cần phải quản lý, để tránh nguy cơ vi phạm vào các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ và công cụ hỗ trợ trong điều 5 của dự thảo Luật, đại biểu Trần Chí Cường đề nghị.
Cùng quan tâm đến khái niệm “vũ khí thô sơ” trong dự thảo Luật, đại biểu Quàng Văn Hương (Sơn La) cho rằng, cần có quy định cụ thể bởi “khi bình thường, dao có thể là công cụ lao động, vật dụng sinh hoạt, nhưng khi sử dụng vào mục đích phạm tội thì đó là vũ khí”. Phải làm rõ hai vấn đề này, nếu không làm rõ thì chúng ta phải quản lý kể cả khi công cụ được sử dụng trong dân dụng, điều này sẽ gây khó cho người dân, đại biểu Quàng Văn Hương nhấn mạnh.