Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng nhấn mạnh tỉnh Khánh Hòa có cảng nước sâu, có vị trí địa lý thuận lợi trong phát triển kinh tế biển, nằm trên tuyến hàng hải quan trọng của thế giới, do đó, cần khai thác và thu hút đầu tư ở lĩnh vực kinh tế biển, cụ thể, cần phát triển dịch vụ nghề cá, dịch vụ hàng hải, cảng biển, logistic, đóng tàu, sữa chữa tàu biển, cung cấp các nhu yếu phẩm cho các đội tàu, để có chiến lược nhất quán phát triển kinh tế biển, tận dụng lợi thế vốn có của địa phương.
Liên quan đến cơ chế, chính sách về chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sản xuất, ĐBQH Lê Minh Nam (Hậu Giang) lưu ý, trong quá trình tổ chức thực hiện cần kiểm soát thật chặt chẽ. Mặt khác, đối với một số chính sách mới về thu hồi đất, đại biểu đề nghị, cần quan tâm đến lợi ích của người dân trong quá trình triển khai chuẩn bị dự án, không làm tăng chi phí giải phóng mặt bằng; đồng thời, tránh làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người dân.
ĐBQH Phạm Thúy Chinh (Hà Giang) tán thành với quy định mới về thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển nghề cá Khánh Hòa và cho rằng, quy định này phù hợp với Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế biển đã được Đảng và Nhà nước đề ra, nhằm hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển; góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Mặc dù việc thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển nghề cá Khánh Hòa sẽ đặt ra nhiều vấn đề trong quản lý, sử dụng Quỹ song đại biểu cho rằng việc bổ sung nguồn lực sẽ phần giúp Khánh Hoà phát triển nghề cá, trong bối cảnh đây là ngư trường truyền thống rộng lớn, đa dạng về nguồn lợi thủy sản, có vị trí chiến lược về quốc phòng nhưng xa đất liền, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trên biển.