
Phân tích, đánh giá kỹ khó khăn, thách thức để có giải pháp tháo gỡ
Đánh giá cao việc Chính phủ trình đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên, ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, bối cảnh, tình hình năm 2025 dự báo sẽ còn tiếp tục tiềm ẩn nhiều diễn biến khó lường, đặc biệt là việc một số nước công bố lộ trình áp thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu lên nước khác, sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ tới kinh tế nước ta.

Cơ bản tán thành với 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu mà Chính phủ nêu ra trong Đề án, ĐBQH Trần Anh Tuấn cũng cho rằng, các mục tiêu tăng trưởng về tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu đều "tham vọng", do vậy, Đề án cần kèm theo những giải pháp khả thi nhằm hỗ trợ việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, mục tiêu của Đề án.
Tờ trình của Chính phủ có nêu 5 thuận lợi, thời cơ, trong đó có 4 thời cơ định lượng được và một thời cơ chưa định lượng được; có 3 khó khăn, thách thức rất khó định lượng là: tình hình thế giới dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; sức ép cạnh tranh ở thị trường xuất khẩu và trong nước; các yếu tố an ninh phi truyền thống, thiên tai, biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên, già hoá dân số… Nêu vấn đề này, ĐBQH Tô Thị Bích Châu cũng lưu ý, mặc dù chúng ta đang nỗ lực tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế nhằm tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội, song "điểm nghẽn" khác là một bộ phận cán bộ không “dám nghĩ”, không “dám làm” gây cản trở quyết tâm thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng kinh tế của nước ta. Do đó, cần đánh giá kỹ khó khăn, thách thức này để có giải pháp tháo gỡ.
Cần giải pháp đột phá đưa “dự án nằm trên giấy” thành hiện thực
Hoan nghênh việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, ĐBQH Nguyễn Thị Lệ nhấn mạnh, thực tiễn triển khai các tuyến đường sắt đô thị tại TP. Hồ Chí Minh thời gian qua cho thấy, chưa có cơ chế đủ mạnh để đẩy mạnh tiến độ khởi công và thực hiện các tuyến đường sắt đô thị ở TP. Hồ Chí Minh; do đó, cần giải pháp đột phá để đưa “dự án nằm trên giấy” thành hiện thực.
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ đề nghị, cần xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể, có cam kết về tiến độ thực hiện rõ ràng từ nay đến năm 2035, nghiên cứu thành lập quỹ phát triển mạng lưới metro của thành phố, với sự tham gia của ngân sách trung ương, địa phương và khu vực tư nhân. Phối hợp với các địa phương lân cận nhằm nghiên cứu đẩy nhanh triển khai các tuyến đường sắt đô thị kết nối liên vùng, tạo nền tảng cho hệ thống giao thông vận tải hiện đại vùng Đông Nam Bộ.

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) phát biểu
Nêu thực tế sau gần 20 năm triển khai, tuyến đường sắt đô thị đầu tiên ở TP. Hồ Chí Minh mới đi vào hoạt động, ĐBQH Tô Thị Bích Châu mong muốn sớm có cơ chế đặc thù nhằm tháo gỡ khó khăn, khắc phục tồn tại trong triển khai hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại TP. Hồ Chí Minh. Đại biểu cũng mong muốn, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ quyết liệt đề xuất những giải pháp đột phá, cơ chế đặc thù nhằm phát triển tuyến vận tải, vận chuyển hàng hoá vùng đồng bằng sông Cửu Long, khu vực miền Trung - Tây Nguyên và các tỉnh duyên miền Trung.
Góp ý về cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, ĐBQH Vũ Hải Quân nhận thấy, dự thảo Nghị quyết bàn nhiều về cơ chế, chính sách đặc thù để đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận; đề nghị dự thảo Nghị quyết cần bổ sung những cơ chế, chính sách đặc thù nhằm bảo đảm đội ngũ kỹ sư tiếp quản vận hành nhà máy sau khi hoàn thành xây dựng nhà máy vào năm 2030.

ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (TP. Hồ Chí Minh) phát biểu
Liên quan đến lựa chọn công nghệ, đại biểu Vũ Hải Quân đề nghị, cần có khảo sát, đánh giá kỹ lưỡng về công nghệ, nghiên cứu tiếp cận công nghệ của những tập đoàn lớn trên thế giới để lựa chọn công nghệ phù hợp.
ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (TP. Hồ Chí Minh) đề nghị cần đánh giá kỹ lưỡng sự cần thiết của các dự án nhằm tránh lãng phí trong đầu tư.