Cần xây dựng lộ trình giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu
Theo ĐBQH Nguyễn Thị Quyên Thanh, BHXH là một trong những trụ cột của an sinh xã hội. Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm, chăm lo cho vấn đề này; các chính sách được triển khai thời gian qua đã phát huy hiệu quả vai trò trong việc đảm bảo an sinh xã hội, giúp người lao động ổn định cuộc sống. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biễn phức tạp, hàng triệu lao động bị mất việc, ngừng việc, chính sách bảo hiểm tự nguyện (BHTN) đã thực sự hỗ trợ cho người lao động, giúp họ có nguồn tài chính vượt qua khó khăn, duy trì cuộc sống, vơi bớt những áp lực về kinh tế trong mùa dịch. Các chính sách không chỉ hướng tới người lao động, mà còn bao phủ nhiều đối tượng yếu thế như người già, trẻ em mồ côi, người khuyết tật.
Bày tỏ thống nhất với báo cáo của Chính phủ tại Kỳ họp liên quan đến nội dung này, đại biểu cũng đề xuất một số nội dung. Trong đó, đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện chính sách BHXH, bảo hiểm thất nghiệp theo hướng mở rộng đối tượng tham gia BHXH, kể cả bắt buộc và tự nguyện, đặc biệt là BHXH tự nguyện; linh hoạt hơn về mức hỗ trợ như quy định mức hỗ trợ tối thiểu để địa phương nào có điều kiện thì có cơ chế hỗ trợ thêm một phần mức đóng BHXH tự nguyện, nhất là người thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo để nhiều người có thể tham gia; hạn chế các trường hợp những người không đủ điều kiện tiếp tục tham gia đã phải dừng đóng và hưởng BHXH một lần. Theo báo cáo BHXH Việt Nam, số lượng người tham gia BHXH tự nguyện còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng. Sau 13 năm triển khai BHXH tự nguyện, đến hết năm 2020, mới có khoảng 1.068 nghìn người tham gia loại hình bảo hiểm này, chiếm 3,7% so với đối tượng thuộc diện tham gia.
Do đó, đại biểu đề nghị, cần sớm sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội. Trong đó, giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp, tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia BHXH thấp nhưng vẫn được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH; tăng mức hỗ trợ từ Nhà nước cho người tham gia BHXH tự nguyện; bổ sung chế độ, chính sách ngắn hạn, linh hoạt (như chế độ ốm đau, thai sản…) nhằm tăng tính hấp dẫn cho chính sách BHXH tự nguyện; nghiên cứu tăng mức hỗ trợ hiện nay cao hơn, hấp dẫn người lao động, người dân tham gia, đẩy nhanh độ bao phủ bảo hiểm xã hội.
Tiếp tục nâng cao chất lượng, dịch vụ
Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh cũng đề nghị nghiên cứu, rà soát, đánh giá, làm rõ nguyên nhân nợ BHXH, xác định được đối tượng cả người sử dụng lao động và người lao động có liên quan, nhất là các nhóm đối tượng có sử dụng ngân sách nhà nước để có đề xuất giải pháp tháo gỡ giúp bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng người lao động. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tăng tính tuân thủ trong tham gia BHXH bắt buộc, yêu cầu doanh nghiệp tham gia BHXH bắt buộc đầy đủ cho người lao động. Cùng với đó, tăng cường chế tài xử lý nghiêm các hành vi trốn đóng, chậm đóng BHXH để khắc phục tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH hiện nay. Nhấn mạnh, tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội khiến số nợ đóng, chậm đóng dự báo có thể tiếp tục gia tăng trong năm 2021 và những năm tiếp theo. Trong đó, nhóm chậm đóng từ 3 năm trở lên đang chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số nợ với số nợ và nợ lãi chậm đóng chiếm gần 60% tổng số nợ BHXH. Đại biểu đề nghị Chính phủ cần có dự báo tình hình, đánh giá tác động ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đến việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ, các chỉ tiêu năm 2021.
Cũng theo đại biểu, để tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ thì các thủ tục như: Đăng ký tham gia và hưởng chế độ BHXH phải đơn giản, thuận tiện, tránh gây phiền hà; trình độ chuyên môn và tính chuyên nghiệp của cán bộ làm công tác BHXH cũng cần quan tâm, bảo đảm. Bên cạnh đó, phải chú trọng nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp về chính sách bảo hiểm, đặc biệt là vai trò của chính sách BHXH trong việc hỗ trợ người lao động. Điều này sẽ củng cố hơn nữa niềm tin của người dân, doanh nghiệp vào mục tiêu an sinh xã hội rất quan trọng của bảo hiểm xã hội. “Trong gần hai năm qua, khi đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến đời sống kinh tế - xã hội của nước ta, nhiều chính sách an sinh xã hội đã ban hành kịp thời. Sự ra đời của Nghị quyết số 42, đến Nghị quyết số 68, và mới đây nhất là Nghị quyết số 116 - những chính sách rất nhân văn - thể hiện sự chăm lo của Đảng, Nhà nước, hỗ trợ người lao động, chung sức chung lòng cùng người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Đến nay, đã có 4,55 triệu người lao động được hỗ trợ từ Quỹ BHTN với tổng số tiền 10.856 tỉ đồng”, ĐBQH Nguyễn Thị Quyên Thanh nhấn mạnh.
Theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho thấy, ngoài 66,5% số người trong độ tuổi lao động chưa tham gia BHXH, còn có 9,2 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu (chiếm 65%) chưa tham gia BHXH hoặc chế độ an sinh khác; cả nước hiện có khoảng 13 triệu người cao tuổi, chiếm 12% dân số, trong đó có 3,1 triệu người cao tuổi hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng. Dự báo đến năm 2035, người cao tuổi chiếm 20% số dân, lúc đó Việt Nam là quốc gia dân số già. Già hóa dân số diễn ra với tốc độ nhanh đang đặt ra những thách thức lớn về sự cần thiết phải thay đổi hệ thống an sinh xã hội, lao động việc làm, vui chơi giải trí,… đặc biệt là hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ở nước ta. Trên cơ sở đó, đại biểu, đề nghị cần nghiên cứu chính sách hỗ trợ cho người cao tuổi theo hướng tích hợp giữa chính sách BHXH với các chính sách xã hội khác đảm bảo mọi người cao tuổi đều có lương hưu với mức hưởng cao hơn mức trợ cấp xã hội hiện nay; xây dựng đề án và lộ trình để thu hút người cao tuổi tham gia BHXH tự nguyện, nâng cao mức hỗ trợ, tập trung hỗ trợ theo nhóm đối tượng. Việc khuyến khích và hỗ trợ người cao tuổi tham gia chính sách BHXH, nhất là BHXH tự nguyện sẽ tạo nền tảng an sinh xã hội lâu dài và bền vững.