![]() Một số bản dịch Nhật ký trong tù tiếng Anh |
“Ngâm thơ ta vốn không ham”, đó là câu đầu bài Khai quyển của tập Nhật ký trong tù gồm hơn 100 bài thơ Bác viết trong thời gian 14 tháng bị giam cầm trong nhà lao của Tưởng Giới Thạch. Từ ý thơ này Bác nhằm giải thích chuyện Bác làm thơ chỉ là sự ngẫu nhiên hoặc bất đắc dĩ. Vốn rất coi trọng công việc sáng tác văn chương, nhưng chưa bao giờ Bác chú tâm với điều kiện hoạt động thực sự của một người làm văn nghệ chuyên nghiệp. Mặc dù vậy, theo sự ghi nhận và đánh giá khách quan của các nhà chuyên môn, những bậc thầy văn hóa, văn nghệ trong nước và trên thế giới, Hồ Chí Minh chính là một nhà văn, nhà thơ lớn của dân tộc Việt Nam trong tiến trình văn học hiện đại.
Thơ Hồ Chí Minh là một hiện tượng vô cùng phong phú và sinh động. Lớp lớp các thế hệ công chúng Việt Nam đã tìm thấy trong đó những bài học lớn về tư tưởng, về lẽ sống, lẽ làm người. Đọc thơ Bác chúng ta có dịp nhận rõ và lưu lại hình ảnh Người trong phong độ nhà cách mạng và nhà thơ, trong sự kết hợp giữa cốt cách cổ điển và những sáng tạo hiện đại, trong các giá trị nhân văn và hiện thực lớn, trong sự khẳng định một nhân cách cao cả. Có thể cảm nhận rõ trong thơ Hồ Chí Minh - từ những bài thơ đầu tiên cho đến các bài thơ làm vào những năm cuối đời - cảm hứng nhân văn cao cả và những bài học lớn.
Đi vào thế giới của thơ Bác là đi vào một thế giới tinh thần kỳ diệu. Thơ Hồ Chí Minh trực tiếp biểu hiện một tâm hồn lớn, một nhân cách lớn, đòi hỏi người đọc phải nâng mình lên trước tầm cao rộng đó. Cảm hứng nhân văn, nhân đạo biểu hiện khá tập trung qua Nhật ký trong tù. Tình cảm nhân ái lớn lao của Bác bộc lộ sâu sắc trong hoàn cảnh tù đày cực khổ, thiếu thốn trăm bề, bản thân chịu đựng “nghìn vạn điều cay đắng”, vậy mà Bác vẫn dành cho những người tù cùng cảnh ngộ sự thông cảm và nỗi thương xót tận đáy lòng. Nghe tiếng sáo của người bạn tù thổi khúc nhớ quê hương, Bác như nghe thấy trong đó bao nỗi niềm của người tù xa xứ, nghe thấy cả nỗi lòng mong ngóng, trông đợi của thiếu phụ xa chồng:
Bỗng nghe trong ngục sáo vi vu
Khúc nhạc tình quê chuyển điệu sầu
Muôn dặm quan hà, khôn xiết nỗi
Lên lầu ai đó ngóng trông nhau.
Chủ nghĩa nhân văn trong Nhật ký trong tù còn được thể hiện qua những cảm nghĩ nhân ái của Bác đối với những cảnh ngộ trong tù. Người đau xót trước cái chết thảm thương của người tù xấu số. Và không chỉ thương xót những người bạn tù, Bác còn giúp đỡ họ bằng những việc làm cụ thể, nhằm chia sẻ phần nào nỗi đau khổ, oan ức mà họ phải gánh chịu (Viết hộ báo cáo cho các bạn trong tù). Lòng Người mở rộng, bao dung đến mọi số phận cùng cực nhất. Chủ nghĩa nhân đạo trong thơ Bác mang sâu sắc tinh thần vị tha vì nhân dân, vì quần chúng lao khổ. Suốt đời mình Bác đã hy sinh mọi hạnh phúc cá nhân để mang lại hạnh phúc chung cho nhân dân, cho dân tộc.
Nhật ký trong tù đã được dịch và giới thiệu khá rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới. Bạn bè khắp năm châu bốn biển lại có thêm điều kiện để hiểu rõ hơn giá trị tinh thần cao đẹp của Hồ Chí Minh - vị anh hùng dân tộc và danh nhân văn hóa lớn của thế giới.
Thơ Hồ Chí Minh nói chung và Nhật ký trong tù nói riêng đã đem lại những bài học lớn, sâu sắc về tư tưởng, về đấu tranh chính trị, về đạo lý làm người cho hôm nay và mai sau. Hành trình gian khổ suốt 14 tháng trời trên phần đất Quảng Tây (Trung Quốc) là hoàn cảnh ra đời của Nhật ký trong tù với trên 100 bài thơ chữ Hán. Chính trong hoàn cảnh đó, chính vào lúc cực khổ nhất về vật chất, căng thẳng nhất về tinh thần, phẩm chất và nội lực của một nhà thơ đã bộc lộ nơi nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc, người mà tâm trí luôn hướng về vận mệnh dân tộc và đất nước, luôn trăn trở băn khoăn về vấn đề sinh tử nhất là giành lại cho nhân dân quyền làm người, quyền được hưởng độc lập, tự do. Nhật ký trong tù là sự kết hợp hài hòa giữa sự chân thực của cảm xúc, độ sâu tình cảm của nhà thơ với nhãn quan sắc bén của một nhà chính trị. Tác phẩm ra đời vừa đáp ứng nhu cầu thể hiện chân thực những trạng huống mới của cảm xúc, thỏa mãn nhu cầu đối thoại với chính mình, lại vừa đưa ra những bài học lớn lao.
Sự lựa chọn ngôn ngữ Hán Việt cùng thể thơ cổ của Nhật ký trong tù là điều khá đặc biệt trong đời viết của Người. Với hình thức thể loại thơ - nhật ký, Bác đã ghi lại một cách chân thực và sinh động tất cả những cảnh huống mà mình đã trải qua: sự đày ải, tâm trạng bực bội, bất lực, buồn thương, xót xa, cay cực và cả những lúc bi thảm nữa, vậy mà giữa những tiếng nói tưởng chừng như rất riêng tư đó, người đọc lại tìm thấy ở đấy biết bao bài học quý giá, vừa cao cả, vừa gần gũi, vừa sâu sắc, vừa giản dị. Cũng chính vì thế mà thơ Bác có ý nghĩa giáo dục và tính chất giáo huấn trong thơ Bác không xa xôi, cao đạo mà gần gũi, thấm thía, như một kinh nghiệm từng trải, một cái đích vươn tới của con người. Trong lời tựa bản dịch Nhật ký trong tù tiếng Tây Ban Nha, nhà thơ Cuba Phêlích Pita Rôđrighết đã viết: “Đi vào Nhật ký trong tù, cái tòa nhà bằng ngôn ngữ vững chắc và đẹp, người ta có cảm giác như mỗi bước đi đều chạm vào gốc rễ sâu xa của một trong những con người kỳ diệu ít có, những con người như những tảng đá lớn làm nền cho nhân loại, những con người qua cuộc đời mình đã dạy cho mọi người hiểu rằng: đối với con người, không có đỉnh cao nào là không đạt tới”.
Thơ của Người luôn luôn là bài học thiết thực góp phần rèn luyện ý chí, bồi đắp bản lĩnh của mỗi người nhằm vượt qua những khó khăn, trở ngại trên mỗi bước đường đời. Cảnh tù đày không làm Bác “nao núng tinh thần”, không thể làm giảm lòng tin của Người với tương lai, không hề hạn chế tình cảm yêu thương của người chiến sỹ cách mạng với mọi người, mà lại càng rèn luyện thử thách thêm ý chí và nghị lực của Người. Trong bài thơ Tự khuyên mình, Bác đã lấy sự thay đổi của quy luật thiên nhiên để so sánh với cảnh ngộ của riêng mình và xác định rõ hoàn cảnh khó khăn là môi trường rèn luyện con người:
Ví không có cảnh đông tàn
Thì đâu có cảnh huy hoàng ngày xuân
Nghĩ mình trong bước gian truân
Tai ương rèn luyện tinh thần thêm hăng.
Quá trình rèn luyện cũng là quá trình đấu tranh gian khổ. Lời thơ giản dị như một cách tự nhắc nhủ, động viên:
Gạo đem vào giã, bao đau đớn
Gạo giã xong rồi trắng tựa bông
Sống ở trên đời, người cũng vậy
Gian nan rèn luyện mới thành công.
Sự đúc rút kinh nghiệm trong thơ Bác không chỉ nằm ở những vấn đề của đời sống mà nó còn đem lại những nhận thức có tầm chiến lược, chiến thuật:
Phải nhìn cho rộng suy cho kỹ
Kiên quyết không ngừng thế tiến công.
Bác đề cao sự rèn luyện, tu dưỡng như một phẩm chất quan trọng trong nhân cách của con người. Với cái nhìn biện chứng, Người đã chỉ ra rằng không có những phẩm chất tự nhiên mà có hoặc đã có rồi thì cứ nguyên vẹn mãi. Bản tính của con người phụ thuộc vào sự rèn luyện và giáo dục:
Hiền, dữ phải đâu là tính sẵn
Phần nhiều do giáo dục mà nên.
Tâm hồn của Bác luôn có một niềm lạc quan nên dễ tìm thấy niềm vui từ ngoại cảnh. Sự vận động trong thiên nhiên vừa thể hiện quy luật phát triển khách quan của tạo vật, lại vừa thể hiện sự vận động của xã hội và tâm lý con người. Tinh thần lạc quan và niềm vui trong thơ Bác được tạo nên từ thế giới quan cách mạng của người chiến sỹ cộng sản, từ tâm hồn cao đẹp và thanh khiết, từ sự nắm vững quy luật vận động của lịch sử. Bài Trời hửng ở vào cuối tập thơ Nhật ký trong tù tiêu biểu cho khía cạnh lãng mạn và tinh thần lạc quan cách mạng của Hồ Chủ tịch.
Bài học trong thơ Bác là những lời tâm huyết, mang tầm cao về tư tưởng, chiều sâu về cảm xúc, chứa đựng nhiều kinh nghiệm thực tiễn của đời sống. Nhiều câu thơ, nhiều bài thơ của Bác đã hiển nhiên trở thành cẩm nang cho sự tu dưỡng, phấn đấu của mỗi người, đã thành nguồn sức mạnh cho cả một nền thơ chiến đấu, một nền thơ cách mạng Việt Nam. Cuộc đời và thơ văn của Hồ Chí Minh là một nguồn sáng có khả năng đem lại cho mỗi người biết bao bài học lớn, bồi đắp thêm nghị lực và lòng tin, chỉ ra phương hướng cho mọi người như một cuốn sách chỉ đường tin cậy.