Gần 12.500 văn bản điện tử được giao dịch qua hệ thống
Tại phiên họp đầu tiên của Ban chỉ đạo Cải cách hành chính và Chuyển đổi số TP. Hà Nội năm 2023 sau khi sát nhập, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Đình Cảnh cho biết, thành phố đã triển khai và đưa vào vận hành các hệ thống thông tin quan trọng, cốt lõi nhằm cung cấp số liệu, thông tin phục vụ đắc lực cho công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo thành phố đến 3 cấp.
Trong đó, hệ thống quản lý văn bản và điều hành thành phố đã triển khai tới 633 cơ quan, đơn vị; cấp trên 31.300 tài khoản cho các cán bộ, công chức, viên chức, người lao đông phục vụ nhu cầu khai thác sử dụng và xử lý công việc; trên 96.200 văn bản đã được cập nhật và gần 12.500 văn bản điện tử được giao dịch qua hệ thống.
Giám đốc Sở Nội vụ cũng cho biết, kết quả trên đã bảo đảm chỉ tiêu 100% văn bản trao đổi giữa các cơ quan hành chính nhà nước sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ được thực hiện hoàn toàn trên môi trường mạng.
Đối với thi tuyển chức danh lãnh đạo, có 65/67 chức danh thi tuyển có người trúng tuyển, đạt tỷ lệ 97%. Trên cơ sở kết quả thi tuyển, thành phố đã tổ chức sơ kết thí điểm 1 năm thực hiện Đề án thí điểm, đã báo cáo Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy tiếp tục thí điểm phạm vi rộng hơn đến hết năm 2024.
Tuy nhiên, Giám đốc Sở Nội vụ nhận định, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại như: Cổng dịch vụ công thành phố và Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính đang trong giai đoạn thử nghiệm và hoàn thiện, chưa vận hành chính thức cũng gây khó khăn cho các đơn vị trong việc thực hiện tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính theo quy định.
Việc thực hiện số hóa tại "bộ phận một cửa" các sở, ngành và "bộ phận một cửa" của UBND cấp huyện đang bị chậm so với lộ trình đề ra do thiếu hướng dẫn chi tiết về quy định đối với lưu trữ hồ sơ điện tử của Bộ Nội vụ và các đơn vị liên quan. Việc ban hành hướng dẫn và thống nhất danh mục mã số hồ sơ, thành phần hồ sơ số hóa chưa được các Bộ chủ quản hướng dẫn và chỉ đạo thực hiện.
Chuyển đổi số cần chọn những việc trọng tâm, trọng điểm
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đề nghị cần phân công phân nhiệm rõ ràng và có tiến độ thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp khắc phục kết quả các chỉ số về cải cách hành chính. Bên cạnh đó, Văn phòng UBND cần đánh giá lại việc phân cấp ủy quyền vừa qua để từ đó sớm đưa ra các giải pháp tháo gỡ các vướng mắc, tiếp tục đưa ra các quy trình xử lý công việc tốt hơn, tránh những lực cản trong cải cách hành chính, "làm sao để công tác cải cách hành chính của thành phố mang lại lợi ích có thật cho người dân và doanh nghiệp".
Chủ tịch TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đánh giá công tác phối hợp giữa các đơn vị sở ngành, địa phương còn chưa chặt chẽ, nhất là công tác trao đổi thông tin giữa các cá nhân, đơn vị. Vì vậy, các đơn vị phải nghiên cứu lập lại quy chế làm việc, công tác phối hợp giữa các sở ngành, quận huyện, để ngày một nâng cao hiệu lực, hiệu quả, chất lượng phục vụ của các cơ quan, đơn vị. Chủ tịch TP. Hà Nội yêu cầu chọn những việc trọng tâm, trọng điểm, tạo hiệu quả cao, tránh làm theo hình thức "ào ào" gây lãng phí nguồn lực.
Chủ tịch UBND thành phố cũng thống nhất với đề xuất bổ sung chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã vào Ban Chỉ đạo thành phố, “bởi chuyển đổi số có thành công hay không có vai trò quan trọng của người đứng đầu”.
Về nhiệm vụ trọng tâm quý II.2023, Ban Chỉ đạo thành phố sẽ tập trung thực hiện 3 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, tăng cường kiểm tra việc thực hiện CCHC, kiểm tra công vụ, chú trọng kiểm tra việc thực hiện và công khai hằng tháng kết quả nhiệm vụ của Trung ương, thành phố giao.