Tăng chuyến bay phục vụ dịp nghỉ lễ 30.4 - 1.5
Theo số liệu báo cáo của các hãng hàng không Việt Nam, trong hai ngày cao điểm 28 và 29.4, tổng số ghế được cung ứng ra thị trường trên chặng bay từ Hà Nội đi các điểm du lịch trọng điểm như Nha Trang, Đà Nẵng, Huế, Đà Lạt, Phú Quốc, Tuy Hòa, Quy Nhơn, Đồng Hới... là trên 41.000 ghế. Đặc biệt, ngày 29.4, tỉ lệ lấp đầy tăng đột biến gồm chặng Hà Nội - Huế đạt 100%; Hà Nội - Tuy Hòa đạt 93%; Hà Nội - Đồng Hới/Quy Nhơn đều đạt trên 96%.
Để đáp ứng nhu cầu của hành khách trong dịp nghỉ lễ, các hãng hàng không cũng liên tục thông báo tiếp tục tăng chuyến. Theo đó, Bamboo Airways dự kiến bổ sung khoảng 110-150 chuyến bay mỗi tuần, tương ứng 22.000-30.000 ghế vào mạng đường bay nội địa với nhiều đường bay sẽ được khai thác với tần suất lên đến 4-5 chuyến/ngày, như giữa Hà Nội/TP Hồ Chí Minh đi đến Phú Quốc, Nha Trang, Quy Nhơn hoặc Vinh, Thanh Hóa, Hải Phòng.
Vietnam Airline Group (gồm Vietnam Airlines, Pacific Airlines và VASCO) cung ứng trong sáu ngày từ 28.4 đến 3.5 gần 500.000 chỗ, tương ứng với xấp xỉ 2.600 chuyến bay nội địa trên các đường bay giữa những điểm du lịch nổi tiếng như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Đà Lạt, Phú Quốc,.. Trong đó, Vietnam Airlines và VASCO cung ứng gần 2.100 chuyến bay với gần 403.000 ghế, còn Pacific Airlines là gần 500 chuyến bay với gần 90.000 ghế. Các hãng hàng không ghi nhận số lượng khách đặt mua vé dịp này đang tăng dần trong những ngày qua.
Về phía Vietjet, ngoài việc mở 5 đường bay mới Vinh/Đà Nẵng/Thanh Hóa/Nha Trang/Đà Lạt tới Phú Quốc, với những đường bay đang được khai thác giữa Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng đi Phú Quốc… thì cũng tăng tần suất chuyến bay để đáp ứng nhu cầu của khách hàng đi lại trong dịp 30.4-1.5 tới.
Bộ GTVT cũng yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo các lực lượng an ninh hàng không, cảng hàng không tăng cường công tác kiểm soát an ninh, an toàn bay; chỉ đạo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam và Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, các hãng hàng không, các công ty cung cấp dịch vụ hàng không và cảng vụ hàng không có kế hoạch tăng cường nhân lực, trang thiết bị, trang thiết bị phục vụ công tác soi chiếu an ninh - an toàn, công tác tác trả hành lý cho hành khách; bố trí, thông tin hướng dẫn đầy đủ tại các sân bay để hành khách biết và lấy hành lý đúng khu vực quy định, tránh ùn tắc và gây bức xúc cho hành khách, đặc biệt chú trong đối với sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài.
Tránh tình trạng mua nhầm... vé giả
Theo Đại diện Cục Hàng không Việt Nam, nắm được nhu cầu du lịch tăng cao của hành khách mà nhiều website, tổ chức, cá nhân tự xưng là đại lý của hãng hàng không đã tung ra thị trường các loại vé máy bay giả mạo. Khách hàng nếu không tìm hiểu kĩ sẽ dễ mua nhầm các loại vé này dẫn đến tình cảnh "tiền mất tật mang". Cơ quan chức năng đã ghi nhận nhiều trường hợp hành khách mua phải vé máy bay giả, đặc biệt trong các đợt cao điểm đi lại như 30.4 -1.5.
Cơ quan chức năng và các hãng hàng không khuyến cáo, hành khách cần đề cao cảnh giác với các chiêu thức lừa đảo mới, tinh vi. Thủ đoạn chung là mạo dạnh đại lý, tạo ra các website, trang mạng xã hội với địa chỉ đường dẫn, thiết kế tương tự kênh của các hãng hoặc đại lý chính thức. Tiếp đó, sẽ quảng cáo các mức giá hấp dẫn so với mặt bằng chung để thu hút khách hàng. Nếu đối tượng liên hệ, các đối tượng sẽ đặt chỗ, gửi khách mã đặt chỗ để làm tin và yêu cầu chuyển tiền. Sau khi nhận được thanh toán, đối tượng không xuất vé và ngắt liên lạc. Mã đặt chỗ do chưa được xuất ra vé máy bay nên sẽ tự hủy sau một thời gian và khách hàng chỉ biết được việc này khi đến sân bay.
Để tránh bị lừa mua vé giả, hành khách cần mua vé trên website, ứng dụng mobile, đại lý, phòng vé chính thức của hãng. Sau khi đã hoàn thành thủ tục mua vé, cần yêu cầu xuất phiếu thu, hóa đơn theo quy định để bảo vệ quyền lợi của mình.