Góp phần khắc phục khó khăn, vướng mắc
Đa số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đều thống nhất với tính cấp thiết của việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ và thực hiện quy trình thông qua tại một kỳ họp bởi dự thảo Luật đã được chuẩn bị khá kỹ lưỡng; hồ sơ bảo đảm đầy đủ theo quy định.
Các ĐBQH Lê Nhật Thành (Hà Nội), Nguyễn Tâm Hùng (Bà Rịa - Vũng Tàu)... cho rằng, việc xây dựng và ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cảnh vệ là rất cần thiết nhằm thể chế hóa các chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng; tiếp tục cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền công dân; khắc phục những bất cập, hạn chế, khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn công tác cảnh vệ thời gian qua, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác cảnh vệ trong tình hình mới.
Tại dự thảo luật đã tách Điều 11 và Điều 12 của luật hiện hành thành các điều luật cụ thể để tách riêng chế độ cảnh vệ và biện pháp cảnh vệ đối với người giữ chức danh, chức vụ cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, khách quốc tế đến thăm, làm việc tại Việt Nam để bảo đảm rõ ràng.
Đồng thời, quy định nguyên tắc áp dụng biện pháp, chế độ cảnh vệ đối với trường hợp một người vừa giữ chức danh lãnh đạo chủ chốt, lãnh đạo cấp cao của Đảng vừa giữ chức danh lãnh đạo chủ chốt, lãnh đạo cấp cao của Nhà nước; bổ sung quy định cơ sở để áp dụng chế độ, biện pháp cảnh vệ đối với người đứng đầu Nhà nước, cơ quan lập pháp, Chính phủ các nước khi đến thăm, làm việc tại Việt Nam trên “nguyên tắc có đi có lại hoặc đối đẳng, yêu cầu đối ngoại”.
Với đặc điểm, tính chất của công tác cảnh vệ, Luật Cảnh vệ năm 2017 và dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ có nhiều điều khoản liên quan đến việc hạn chế quyền con người, quyền công dân được Hiến pháp năm 2013 quy định, nhất là các quy định về biện pháp cảnh vệ, quyền hạn của lực lượng cảnh vệ. Theo ĐBQH Trần Văn Tuấn (Bắc Giang), các quy định này tại dự thảo luật là phù hợp vì tại Khoản 2, Điều 14 Hiến pháp năm 2013 quy định “quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng”.
Song, đại biểu Trần Văn Tuấn nhấn mạnh, trong bất kỳ tình huống, hoàn cảnh nào, việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân cũng phải được đề cao, tránh sự tùy tiện lạm dụng việc thực thi các biện pháp liên quan dẫn đến việc hạn chế quyền con người, quyền công dân nếu không thực sự cần thiết, như tùy tiện lạm dụng kiểm tra, kiểm soát người, đồ vật và phương tiện việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ nổ súng, huy động phương tiện…
Do vậy, đại biểu đề nghị cần bổ sung Khoản 6 vào Điều 5 quy định nguyên tắc không tùy tiện lạm dụng thực thi các biện pháp cảnh vệ có thể dẫn đến việc hạn chế quyền con người, quyền công dân. Đây cũng là nguyên tắc đề nghị Chính phủ và Bộ Công an tiếp tục quán triệt và cụ thể hóa trong các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật, nhất là trong với những trường hợp cấp thiết mà có thể áp dụng một số biện pháp cảnh vệ không được quy định trong Luật Cảnh vệ, để bảo đảm thực hiện trong thực tế.
Bổ sung một số nhiệm vụ của lực lượng cảnh vệ Quân đội nhân dân
Một số ý kiến cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu bổ sung một số nhiệm vụ của lực lượng cảnh vệ Quân đội nhân dân tương ứng với việc bổ sung nhiệm vụ của lực lượng cảnh vệ Công an nhân dân.
Theo đó, lực lượng cảnh vệ Quân đội nhân dân có nhiệm vụ huấn luyện, bồi dưỡng điều lệnh quân sự, võ thuật, kỹ thuật, chiến thuật đối với cán bộ, chiến sĩ lực lượng Quân đội nhân dân và lực lượng khác tham gia phối hợp thực hiện công tác cảnh vệ. Thực hiện huấn luyện, nâng cao huấn luyện đặc thù, diễn tập phương án tác chiến thực hiện nhiệm vụ cảnh vệ. Thực hiện quản lý, huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ thực hiện nhiệm vụ cảnh vệ.
Đồng thời, bổ sung quy định, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định về chế độ huấn luyện, nâng cao huấn luyện đặc thù, diễn tập phương án tác chiến, ra quân thực hiện nhiệm vụ của lực lượng cảnh vệ quân đội.
Tại dự thảo luật đã bổ sung Điều 20a quy định cụ thể việc sử dụng Giấy Bảo vệ đặc biệt của sĩ quan cảnh vệ. Các đại biểu cơ bản tán thành với quy định này tại dự thảo luật. Theo ĐBQH Hoàng Hữu Chiến (An Giang), Giấy Bảo vệ đặc biệt đã được quy định tại Luật Cảnh vệ và giao Bộ Công an quy định về mẫu, quản lý, sử dụng Giấy Bảo vệ đặc biệt cho lực lượng cảnh vệ thuộc Bộ Công an và lực lượng cảnh vệ thuộc Bộ Quốc phòng (điểm b, khoản 3, Điều 20 và khoản 4 Điều 25).
Do vậy, việc dự thảo luật bổ sung một điều quy định về nội dung này trên cơ sở đã được thực hiện ổn định trong thời gian qua là cần thiết nhằm bảo đảm quyền con người, quyền công dân, bảo đảm tính minh bạch, khả thi của quy định.
Cho rằng bổ sung quy định về việc sử dụng Giấy Bảo vệ đặc biệt của sĩ quan cảnh vệ là phù hợp với tình hình thực tiễn, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho lực lượng cảnh vệ hoàn thành nhiệm vụ, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị, Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định thời hạn của Giấy Bảo vệ đặc biệt là 5 năm, kể từ ngày ký. Bởi thời hạn của Giấy Bảo vệ đặc biệt đã được quy định và thực hiện ổn định theo quy định tại Thông tư số 14/2018/TT-BCA quy định về mẫu, quản lý và sử dụng Giấy Bảo vệ đặc biệt của lực lượng cảnh vệ.
Khoản 10, điều 1 của dự thảo luật đã sửa đổi, bổ sung quy định khoản 1, Điều 16 của Luật Cảnh vệ hiện hành theo hướng lực lượng cảnh vệ được tổ chức ở Bộ Công an và Bộ Quốc phòng. Theo đó, có Bộ Tư lệnh Cảnh vệ trực thuộc Bộ Công an và Cục Bảo vệ an ninh Quân đội trực thuộc Bộ Quốc phòng.
“Quy định cụ thể như vậy là bảo đảm chặt chẽ, không làm phát sinh tổ chức bộ máy. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển có thể do yêu cầu của công tác cảnh vệ, xây dựng lực lượng cảnh vệ chính quy, tinh nhuệ và hiện đại, hoặc do yêu cầu hội nhập quốc tế đặt ra yêu cầu nâng cấp lực lượng này, hoặc thay đổi tên gọi để phù hợp”.
Do vậy, ĐBQH Tô Văn Tám (Kon Tum) lưu ý, nếu quy định như dự thảo luật hiện nay thì khi thực hiện nảy sinh đòi hỏi mới sẽ phải sửa đổi quy định liên quan tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ. Đồng thời, để bảo đảm linh hoạt với thay đổi của thực tế, Cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu quy định tổ chức lực lượng Cảnh vệ tại Bộ Công an và Bộ Quốc phòng. Tổ chức này có tên gọi là gì, cơ cấu tổ chức ra sao sẽ giao Bộ trưởng Bộ Công an và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định sau khi có sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền.
Tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ đã giải trình, làm rõ các nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm.
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của Cơ quan chủ trì soạn thảo trong việc chuẩn bị hồ sơ dự án luật, kịp thời có các báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ. Đồng thời, đánh giá cao Ủy ban Quốc phòng và An ninh cũng có báo cáo thẩm tra đề cập 14 nội dung cụ thể của dự án luật, kịp thời xây dựng báo cáo tổng hợp ý kiến của đại biểu Quốc hội để phục vụ cho thảo luận.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo và Cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp nghiên cứu để làm rõ các nội dung gồm: phạm vi sửa đổi của dự thảo luật; đối tượng cảnh vệ; quy định việc áp dụng các biện pháp cảnh vệ chặt chẽ, không để bị lạm dụng khi áp dụng biện pháp cảnh vệ đối với trường hợp không thuộc quy định của Luật Cảnh vệ; bảo đảm tính thống nhất với các luật liên quan…