Tại cuộc báo cáo Chính phủ về vấn đề học phí và sách giáo khoa năm 2023-2024 chiều 10.5, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Kim Sơn cho biết, hiện đã có 37/63 tỉnh, thành phố (trong đó có Hà Nội, TP Hồ Chí Minh) đã chọn xong sách giáo khoa lớp 4, 8, 11. Còn 26 địa phương đang đợi thẩm định giá từ Bộ Tài chính để quyết định lựa chọn.
Liên quan đến giá sách giáo khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Đinh Thị Nương cho biết, Bộ Tài chính cơ bản đã rà soát xong giá sách giáo khoa lớp 4, 8, 11 và đang yêu cầu Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam rà soát lại các chi phí và kê khai lại.
Từ nay đến ngày 15.5, Bộ Tài chính sẽ rà soát xong giá của tất cả sách giáo khoa để có cơ sở cho các địa phương triển khai thực hiện. Bộ Tài chính đề nghị các nhà xuất bản công bố đầu sách để địa phương thống kê, lựa chọn và các đơn vị in chủ động đáp ứng số lượng.
Đối với công tác chuẩn bị thẩm định, biên soạn sách giáo khoa lớp 5, 9 và 12, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các nhà xuất bản, tổ chức, cá nhân tiếp tục chú trọng, nâng cao chất lượng biên soạn nội dung sách giáo khoa các lớp cuối cấp.
Ngày 7.4, Bộ GD-ĐT tổ chức họp với đại diện các tổ chức biên soạn sách giáo khoa, tổng chủ biên, chủ biên biên soạn bản mẫu sách giáo khoa lớp 5, 9 và 12 để triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng bản mẫu sách được biên soạn và đề nghị thẩm định.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cố gắng phê duyệt sách giáo khoa lớp 5, 9, 12 dự kiến vào tháng 12.2023 để làm cơ sở cho các địa phương chọn sách giáo khoa.
Tính đến ngày 30.4, tỉ lệ in sách giáo khoa (của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam) theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho các khối lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10 đạt 81%; lớp 4, 8, 11 đạt 79%.
Với mức giá bình quân là 200.000 đồng/bộ sách, Bộ GD-ĐT đưa ra 3 phương án ngân sách nhà nước hỗ trợ mua sách giáo khoa cho mượn qua thư viện trường học đối với: 70% số học sinh chưa được hưởng chính sách hỗ trợ sách giáo khoa; 50% số học sinh chưa được hưởng chính sách hỗ trợ sách giáo khoa; học sinh có cha mẹ thuộc hộ cận nghèo.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh, sách giáo khoa là vấn đề được các phụ huynh, học sinh, các nhà trường và xã hội hết sức quan tâm và chờ đợi, đặc biệt thời điểm chuẩn bị bước vào năm học mới.
Những năm qua, bên cạnh việc tiếp tục nâng cao chất lượng, phương pháp dạy và học, ngành giáo dục đã dành nhiều công sức để đổi mới chương trình học và sách giáo khoa, bước đầu đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GD-ĐT, Bộ Tài chính thông báo rộng rãi về tiến độ in sách, kết quả rà soát giá sách để 26 địa phương còn lại kịp thời chọn, đăng ký mua sách giáo khoa lớp 4, 8, 11.