Ngay từ những ngày đầu xây dựng nền quân chủ độc lập, các triều đại phong kiến Việt Nam đã chú trọng tới việc tuyển chọn và trọng dụng nhân tài. Kể từ khoa thi năm 1442, các nhà khoa bảng đỗ đại khoa được khắc ghi trên bia Đề danh Tiến sĩ đặt tại Văn Miếu ở kinh đô để lưu truyền danh thơm đến muôn đời sau.
Những giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật của 82 bia Tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám không chỉ được thể hiện đơn thuần qua những hàng chữ Nho hay hoa văn trang trí trên mặt bia. Ẩn sau lớp mặt đá khô cứng và câm lặng đó là hàng nghìn câu chuyện thú vị về cuộc đời và sự nghiệp của hơn 1.300 vị tiến sĩ đang chờ đợi các thế hệ sau khám phá.
Dịp này, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám thực hiện trưng bày chuyên đề “Bia đá kể chuyện” với chủ đề “Hiền tài là nguyên khí Quốc gia” được thể hiện qua các nội dung: chiêu mộ hiền tài, giới thiệu một số nét chính về khoa cử của nước ta giai đoạn 1442 - 1529; con đường khoa cử, giới thiệu thông tin về thi cử và chế độ đãi ngộ dành cho những người đỗ đạt; gương sáng tiền nhân, giới thiệu một số danh nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp cho giáo dục nước nhà và một số lĩnh vực khác; và lưu danh muôn thuở, giới thiệu một những câu trích dẫn nổi tiếng về giá trị của đào tạo và sử dụng nhân tài.
Triển lãm diễn ra tại Tiền đường Nhà Thái học, Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Theo Ban tổ chức, “Hiền tài là nguyên khí Quốc gia” là chương đầu tiên trong câu chuyện dài mà 82 bia Tiến sĩ Văn Miếu Thăng Long sẽ mang đến cho khách tham quan. Trưng bày lựa chọn giới thiệu 14 bia Tiến sĩ đầu tiên có liên quan đến các khoa thi trong giai đoạn 1442 - 1529, tương ứng với những khoa thi được tổ chức dưới triều Lê sơ và kết thúc bằng khoa thi đầu tiên của nhà Mạc. Những bia Tiến sĩ còn lại sẽ tiếp tục được giới thiệu đến khách tham quan trong những cuộc trưng bày sau này. Đó sẽ là những chương tiếp theo của câu chuyện thú vị về 82 bia Tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.