“Viết về công nhân là viết về phận người”
“Tôi không nghĩ văn chương là cuộc chơi, vì đó là lao động khổ hạnh. Để viết được tiểu thuyết không phải chỉ cần vốn sống, mà phải đi nhiều hiểu nhiều mới có thể viết được. Viết về công nhân hay công đoàn thì ta vẫn phải viết về phận người. Người công nhân của hơn 40 năm về trước khác xa so với bây giờ, nhưng nhìn chung họ vẫn là những người làm thật ăn giả, sống chật hẹp, nghèo khổ”.
Đó là chia sẻ của nhà thơ Hoàng Việt Hằng khi nói về Cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, công đoàn do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Báo Lao động phối hợp cùng Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức. Nhờ có cuộc thi này, sau gần 50 năm bà mới cầm bút và viết lại về những người công nhân.
Tiểu thuyết Thời gian trong cõi tạm mang bóng dáng một cuốn tự truyện về thời gian, không gian đã xa của tác giả - người từng là công nhân nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo; Công ty Xây dựng số 1 Hà Nội. Tác phẩm chuyển tải không gian kéo dài từ thời kỳ bao cấp đến giai đoạn hiện tại. Nhân vật chính là Nữ, một công nhân sinh ra và lớn lên ở Hà Nội có đam mê văn chương và viết văn. Xuyên suốt từ đầu đến cuối tiểu thuyết là phận đời những người lao động sống quanh Nữ với đủ các nghề mưu sinh kiếm sống.
“Tôi viết để thế hệ sau thấy rằng có một Hà Nội như thế, một Hà Nội đã từng có những nhà máy, những nơi chốn mưu sinh và những con người nghèo về vật chất, khốn khổ nhưng đầy tình người, ấm áp và chia sẻ”, nhà thơ Hoàng Việt Hằng nói.
Ở tuổi 84, tác giả Đặng Huỳnh Thái vẫn nhớ như ngày hôm qua những ký ức khi ông còn ở Cẩm Phả. Thời tuổi trẻ ấy, kỹ sư vùng mỏ Đặng Huỳnh Thái năng nổ tích lũy cho mình từng vốn sống, từng câu chuyện mắt thấy tai nghe, cóp nhặt từng câu chuyện đau đớn, từng niềm vui ở vùng mỏ. Và tiểu thuyết BểthanĐôngBắc ra đời, như một sự nhìn lại ký ức của 35 năm sống và làm việc ở mảnh đất ấy.
Là tiểu thuyết văn học nhưng tác phẩm BểthanĐôngBắc chứa đựng khối lượng tài liệu lịch sử đồ sộ. Tác phẩm có bối cảnh kéo dài hơn 100 năm, kể từ thập niên 20 của thế kỷ trước, khi vùng than còn nằm dưới ách cai trị của chủ mỏ người Pháp. Bể than vùng Đông Bắc kéo dài hàng trăm cây số, từ Đông Triều đến cù lao Cái Bầu, trải qua những biến động lớn lao của thời cuộc đã chứng kiến số phận của người thợ mỏ trầm mình trong than và máu.
“Viết về vùng mỏ khó lắm, tính ra văn học đến hiện tại mới có vài tiểu thuyết thôi. Nhưng tư liệu về cuộc đời, về số phận công nhân vùng mỏ thì rất nhiều. Tôi viết để chia sẻ những điều đó”, tác giả Đặng Huỳnh Thái chia sẻ.
Đề tài công nhân, công đoàn vẫn có sức hút
Theo nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ, viết về công nhân, công đoàn và người lao động là đề tài rất khó, đòi hỏi sự thâm nhập thực tế, đòi hỏi chất liệu đời sống rất cao của người viết. Các nhà văn phải thâm nhập đời sống công nhân, ăn ngủ, sinh hoạt, lao động cùng họ để sáng tác. Có lẽ vì nhiều cái khó như vậy mà trong suốt thời gian dài đề tài này chưa có những tác phẩm xứng tầm, gây tiếng vang.
Tối nay, 26.11, tại Nhà hát Lớn Hà Nội diễn ra Lễ Tổng kết và Trao giải Cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, công đoàn. Nhiều ý kiến nhận định, đây giống như một dịp để nhìn lại, đánh giá và thúc đẩy sự phát triển của mảng đề tài này.
Cuộc thi được triển khai trong gần hai năm triển khai (23.11.2021 - 31.8.2023), nhận được gần 500 tác phẩm dự thi của gần 300 tác giả là các nhà văn chuyên nghiệp, không chuyên, công nhân, viên chức, học sinh, người cao tuổi và Việt kiều.
Chân dung công nhân, công đoàn thông qua đó hiện hữu một cách sinh động. Đó là những công nhân trên nông trường chè Tây Bắc, những công nhân đang làm việc trong nhà máy, xí nghiệp ở Biên Hòa (Đồng Nai), Bình Dương, là những công nhân đang sống trên những nông trường cao su ở Tây Nguyên, những công nhân vùng mỏ (Quảng Ninh)...
Họ là công nhân ở xưởng dệt, là công nhân may mặc, là công nhân ở các nhà máy trong quá trình chuyển đổi số, là công nhân khai thác than, khoáng sản, là công nhân đóng giày da, công nhân nhà máy lọc dầu, những người trồng thuốc lá trên núi...
Nhà văn Nguyễn Bình Phương, Trưởng ban Giám khảo Hội đồng chung khảo của Cuộc thi nhận định các tác phẩm đều ngồn ngộn hiện thực, miêu tả chân thực, sinh động cuộc sống của công nhân và vai trò của công đoàn ở nhiều ngành nghề, nhiều lĩnh vực, nhiều vùng đất. Đây chính là minh chứng cho thấy sáng tác văn học về đề tài công nhân, công đoàn vẫn có sức hút.
Giá trị của những trang viết về công nhân, công đoàn chính là giúp độc giả không chỉ hiểu hơn về cuộc đời, cuộc sống của người công nhân, sự đồng hành của công đoàn mà còn hòa vào dòng chảy dân tộc trên từng mảnh đất, trên từng phận người. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, văn đàn vẫn cần cú hích để có thể lấp đầy nhiều khoảng trống trong đề tài này. Nói như nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ “Những cuộc thi như lần này chắc chắn sẽ khơi nguồn, là bệ phóng để rồi đây chúng ta sẽ có được những tác phẩm lớn”.