![]() Bắt rắn phải đào tận hang sâu |
Rồi con người phát hiện ra thịt rắn còn là nguồn thức ăn bổ dưỡng, khoái khẩu. Hơn nữa, thịt và nọc độc rắn còn là nguồn dược phẩm quý chữa được nhiều bệnh hiểm nghèo. Vậy là rắn trở thành đối tượng săn bắt có chủ đích của những người có nghề.
Vùng nam sông Đuống hiện nay có một số làng nổi tiếng về nghề bắt rắn như Ngâm Điền, Yên Ngô, Ngọc Khám… Theo bước chân thợ bắt rắn. thấy rắn chẳng có gì đáng sợ, và nếu cuộc mưu sinh mà không gặp rắn thì… đói to.
Gia đình “thợ rắn”
Làng Ngâm Điền, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, có gia đình họ Bùi gồm hai anh em ruột Bùi Văn Vi và Bùi Văn Triều là cao thủ bậc thầy hiện vẫn hành nghề bắt rắn. Đây là gia đình có nghề bắt rắn gia truyền. Ông Triều cho biết, cụ nội là Bùi Văn Kim từng truyền nghề cho các cụ Tổng Bá (ở Mão Điền), Nguyễn Văn Bốn (ở An Bình), mấy cụ ở Ngọc Khám... Đến ông Triều lại có lớp học trò mới ở Yên Ngô gần chục người: Phạm Hồng Bích, Nguyễn Hữu Sao, Nguyễn Hữu Ba, Nguyễn Xuân Toán, Nguyễn Xuân Toản, Nguyễn Văn Lộng… Đồ nghề thợ bắt rắn rất đơn giản, chỉ cần một cái thuổng tốt để đào hang, một cái ngoèm sắt để lôi rắn, ếch trong hang ra và cái giỏ tre chắc chắn để đựng rắn bắt được. Ngoài rắn làm thực phẩm thì thợ bắt rắn chú ý bắt các loại rắn ngâm thuốc thành bộ có sẵn ở đồng bằng. Bộ tam xà gồm cạp nong, cạp nia và rắn ráo. Bộ ngũ xà gồm hai hổ mang, cạp nong, sọc dưa và rắn ráo (hoặc cạp nia thay một hổ mang). Hổ mang có các loại bạch xà, mai gầm và hổ mang thường. Bạch xà cực độc, cực hiếm, nay có thể đã tuyệt chủng. Mai gầm (hổ chúa) độ độc kém hơn thì khá sẵn. Hổ mang thường có nhiều, nhưng thời kỳ các địa phương dùng thuốc chuột đen chết ba đời để đánh chuột thì rắn hổ mang cũng bị chết theo, nay khá hiếm. Riêng cạp nong không hiểu sao hiện nay cực hiếm, trong khi thức ăn chính của nó là các loại rắn khác vẫn rất sẵn. Muốn bắt cạp nong phải viễn du lên vùng đồi núi mới được. Ông Triều từng đi lên tận Yên Tử, Bắc Kạn nhiều ngày để hành nghề. Có khách đặt hàng, thợ bắt rắn phải mang rắn còn sống đến tận nhà cho khách xem rồi làm thịt tại chỗ cho tới lúc người mua đổ rượu vào bình mới xong vụ mua bán. Nếu là rắn độc ngâm rượu, quý nhất là quả tim có bầu nọc bao bên ngoài. Làm mất bộ phận này thì bình rượu rắn giảm tác dụng rất nhiều.
Hiện nay có các đại lý thu mua rắn nên việc bán hàng dễ dàng hơn. Giá cao thấp tùy từng loại rắn và tùy trọng lượng. Thời điểm hiện tại, rắn cạp nong (đen vàng) có giá khoảng 1 triệu đồng/kg, rắn cạp nia (đen trắng) khoảng 300 - 400.000 đồng/kg, rắn hổ mang nặng từ 1kg trở lên có giá từ 800 - 850.000 đồng/kg. Khoảng năm năm trước, có ngày ông Triều bắt được 7 - 8 kg rắn. Nhóm ông Nguyễn Xuân Toản ở Yên Ngô (Thuận Thành) từng bắt được con rắn hổ mang nặng 2,9kg ở nông trường Toàn Thắng, bán được 8 triệu đồng. Thế nhưng, nhiều khi đi cả ngày vẫn về tay không. Vậy nên, không một thợ rắn nào làm giàu được bằng nghề. Ngay cả gia đình ông Triều mấy đời liên tiếp theo giữ nghề song cũng chỉ xem đó như một nghề phụ, giúp mưu sinh, có thêm thu nhập mà thôi.
Làm nghề bắt rắn khá mạo hiểm nên thường tự biết cách chữa nọc độc nếu không may bị cắn. Gia đình ông Triều có mấy bài thuốc từ cây lá tự nhiên được trồng quanh nhà. Nhưng nọc rắn cạp nia, cạp nong cũng chỉ đủ khả năng khống chế tạm thời, còn vẫn phải đi viện nhờ tây y điều trị mới tiệt hẳn nọc. Trường hợp ông Vi bị rắn cắn thành tật ở tay là do chủ quan không chữa chạy ngay mà còn làm thịt rắn cho khách, xong chủ khách lại bày rượu ra uống nên thời gian quá lâu, thuốc của nhà kém tác dụng.
Lang thang hành nghề
Theo chân những người thợ rắn, chúng tôi được trực tiếp hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm phát hiện dấu vết. Muốn tìm trúng hang rắn phải dựa vào tập tính sinh hoạt, hướng đi, hướng tìm thức ăn của chúng. Khi tiết trời rét đậm nhất thì đó là mùa hành nghề bắt rắn. Lúc này, rắn ở hẳn trong hang trú đông. Hang kín đáo, chắc chắn, sạch sẽ và là nơi ở truyền đời của rắn nên thợ gọi là “hang cố thủ”. Hang sâu cả chục mét, nhiều tầng nhiều lớp. Một hang có thể có vài con, thậm chí vài chục con. Nếu không bị phát hiện hoặc bị phá thì hang cố thủ sẽ là nơi rắn sinh sản năm này qua năm khác. Điển hình như trường hợp hang rắn ở khu mả Tây (Khắc Niệm) có mấy thế hệ rắn hổ mang, rắn cụ to vài cân, thợ bắt rắn không phá nổi hang vì đá nhiều, tảng to.
Phát hiện được hang rồi nhưng muốn xác định trong hang có rắn hay không thì dùng thuổng xắn đất cửa hang đưa ra ánh nắng nhìn, nếu thấy ánh lấp lánh do vết rắn đi lại là biết. Hoặc khi đào, xem phân rắn cũng biết có loại rắn gì và rắn có ở hang hay không. Thông thường phải vài người mới đủ sức đào vì hang rắn ở rất kiên cố, còn nếu không thì hun khói dụ rắn ra ngoài để bắt. Anh Nguyễn Hữu Ba ở An Bình kể: một lần đào hang rắn trong làng, phải lần theo vết rắn bò từ bờ ao luồn vào dưới nền lát gạch sâu cỡ mười mét, đào suốt gần một ngày mới trúng hang và bắt được rắn hổ mang. Còn anh Phạm Hồng Bích từng đào hang rắn hổ mang dài mười mét ở Ba Đường, từ miệng cống mương dẫn nước luồn vào sát móng nhà trang trại mới bắt được.
Rắn ở rất sạch sẽ. Ngày đông chuyển nồm là rắn ra khỏi hang đi tắm, phơi nắng. Việc “lạy ông tôi ở bụi này” của rắn thường bị thợ tận dụng kiếm khá.
Một tập tính của rắn là hàng tháng đều phải lột xác làm lộ “thân phận”. Đến kỳ, rắn ngâm mình dưới nước rồi vào hang tạm nhịn ăn vài ngày sau đó bò ra lột xác, rồi vào hang tạm nằm im chờ khỏe mạnh mới đi kiếm mồi. Từ vị trí xác rắn bỏ lại và ngược theo vết rắn bò sẽ tìm được hang rắn.
Mùa xuân đến, rắn thường cặp thành đôi ra ngoài, ở liền mấy tháng ngoài đồng trong các hang tạm để kiếm ăn, vỗ béo nên rất hay bị bắt gặp. Rắn cạp nia có nhiều ở vùng đồng bằng, không ở hang mà ở tạm khe kẽ, đống gạch vỡ, di chuyển theo chân tường kiếm ăn nên thường vào nhà gây nguy hiểm cho người. Còn rắn cạp nong hiện hiếm do môi trường không thuận lợi như trước, phải lên vùng trung du, vùng núi mới bắt được.
Giải mã những đồn đại về rắn
Trong văn hóa dân gian Việt Nam, rắn là một hình tượng tương đối phổ biến và có sức ám ảnh. Có thể nhận thấy tục thờ rắn ở các đền dọc theo sông Hồng, sông Cầu, sông Đuống và qua một số di tích, lễ hội… Cũng bởi vậy nên trong dân gian lưu truyền nhiều đồn đại về rắn rồi phủ lên lớp màu huyền bí, mang đến cảm giác rờn rợn. Hay chuyện rắn xuất hiện trong các đình, đền, chùa, miếu với nhiều hình dạng khác nhau: hổ chúa, bạch xà, thanh xà hay là rắn có mào… Rồi chuyện rắn thần, rắn báo oán, rắn chuyển nhà…
Tuy nhiên, những người hành nghề bắt rắn độc, dựa trên sự hiểu biết cặn kẽ tập tính của từng loài rắn đã giải mã những quan niệm, đồn đại huyền bí một cách đơn giản và thuyết phục. Các loài rắn độc thường xuất hiện trong đình, đền, chùa, miếu, bởi đó là nơi yên tĩnh, hoang vắng, có hang hốc để ở, có thức ăn là chuột, ít người qua lại nên độ an toàn cao. Rắn độc lại làm tăng thêm tính linh thiêng của đền miếu. Theo ông Triều thì gia đình ông bốn đời làm nghề từng bắt được rắn hổ chúa, và bạch xà (hổ mang trắng) chứ chưa bao giờ nhìn thấy rắn có mào. Vậy nên rắn có mào có thể chỉ là chuyện đồn thổi.
Cũng không có chuyện rắn báo oán. Chẳng qua, là vào mùa động dục, rắn cái tiết ra mùi đặc biệt dụ rắn đực đến. Người đánh được rắn cái mang về thịt nên rắn đực đến theo mùi đó, người nhìn thấy tưởng là rắn báo thù.
Còn chuyện rắn chuyển nhà không phải do động đất hay báo hiệu điềm gở mà do hang cố thủ bị phá hoặc rắn đã bị người đánh hụt. Khi đó, gia đình rắn, con nhỏ ngậm đuôi con lớn chuyển đi chỗ khác, có thể xa hơn cả chục cây số.
Chuyện rắn “theo đóm ăn tàn” là do trước đây chưa có đèn điện đèn pin, người đi đường ban đêm thường cầm đuốc, rắn cạp nia bị ánh sáng kích thích bò theo.
Chuyện ăn mít tối thường bị rắn theo mùi vào tận giường cắn được thợ rắn giải thích, phế loại của mít ngọt, thơm có nhiều ruồi bọ, dụ cóc đến bắt mồi. Cóc lại là mồi của rắn hổ mang. Vậy ở những nơi bỏ phế loại của mít, người ta hay gặp rắn hổ mang, bèn cảnh giác chuyện ăn mít ban tối. Việc rửa tay khó sạch hết mùi, kinh nghiệm dân gian là dùng gạo chà tay, chà mép để bụi gạo phủ sẽ hết mùi, không sợ rắn hổ mang tìm đến.
Những người ngủ đất bị chết vì “rắn giun” là do nền nhà thấp, ở gần bờ bụi, vô tình rắn cạp nia đi kiếm ăn cắn phải. Thực ra, mỗi loài rắn có cách tự vệ riêng và nó đặc biệt dữ tợn hơn khi đói. Có loài rắn gặp người, để phòng vệ đã dựng thẳng đứng, chỉ có chỏm đuôi tiếp xúc với mặt đất, hàm bạnh ra, nọc thè lè, ánh mắt tập trung có khả năng thôi miên khiến cho người nhìn thấy hoảng sợ, thần hồn nát thần tính mà thêu dệt nên những đồn đại kinh sợ về rắn.