Tại Hội thảo, đại diện các cơ quan, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin... cơ bản đánh giá cao dự thảo Đề cương Đề án Quốc hội điện tử giai đoạn 2023-2026, tầm nhìn tới năm 2030 do Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo chuẩn bị; nêu rõ dự thảo Đề cương đã được chuẩn bị công phu với hơn 100 trang tài liệu, trong đó bước đầu xây dựng kết cấu Đề án gồm 9 phần khá đầy đủ, bao quát những vấn đề về sự cần thiết, tầm quan trọng, cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn cũng như quan điểm, mục tiêu của việc xây dựng Đề án Quốc hội điện tử.
Các đại biểu đưa ra nhiều ý kiến đóng góp cụ thể với các phần của Đề án, đề xuất bổ sung một số thông tin để hoàn thiện Đề án, trong đó chú trọng đến tăng cường khả năng kết nối, chia sẻ dữ liệu, dùng chung các tài nguyên công nghệ thông tin tại mỗi cơ quan; tiết kiệm chi phí, thời gian; đồng thời có sự kết nối liên thông, tích hợp, chia sẻ thông tin, cơ sở hạ tầng thông tin, dữ liệu giữa các cơ quan cũng như với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia.
Nhiều ý kiến đặc biệt lưu ý đến các giải pháp bảo mật, an toàn, an ninh thông tin trong mọi thành phần của kiến trúc Đề án Quốc hội điện tử; đề xuất các giải pháp liên quan đến công nghệ, kỹ thuật, tài chính, nhân lực... để vận hành Quốc hội điện tử. Một số ý kiến đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo Đề án cần tập trung đánh giá rõ thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và các cơ quan của UBTVQH; rà soát hệ thống lưu trữ thông tin liên quan đến các hoạt động của Quốc hội tại các kỳ họp Quốc hội, các phiên họp của UBTVQH cũng như các sự kiện có liên quan khác; lộ trình và bước đi cụ thể khi chuyển từ mô hình "Quốc hội truyền thống" sang "Quốc hội điện tử", "Quốc hội số"; sự tương tác với cử tri...
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải lưu ý, cần đặt việc xây dựng Đề án Quốc hội điện tử trong tổng thể Chương trình, kế hoạch chuyển đổi quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được phê duyệt, từ đó làm rõ các nội hàm cũng như tên gọi của Đề án. Theo đó, trước hết Đề cương Đề án Quốc hội điện tử cần bảo đảm phù hợp với định hướng, mục tiêu tổng thể của Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về hoạt động của Quốc hội không đơn thuần là tài sản của Quốc hội mà đây chính là tài nguyên của quốc gia, vì thế cần đặc biệt chú trọng trong quá trình thiết kế, bảo đảm quản lý, khai thác các nguồn lực, dữ liệu này một cách an toàn, linh hoạt, ổn định và hiệu quả.
Thay mặt Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Đề án Quốc hội điện tử phát biểu kết thúc Hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy ghi nhận, tiếp thu các ý kiến, kiến nghị và đề xuất của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, đại diện các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin đóng góp xây dựng, hoàn thiện Đề cương Đề án Quốc hội điện tử. Trong đó, nhiều ý kiến nhấn mạnh đến vấn đề triết lý, phương pháp luận, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn của việc xây dựng Đề án; đồng thời cần có sự bổ sung, cập nhật những xu hướng mới nhất của công cuộc chuyển đổi số trên thế giới hiện nay cũng như Chương trình chuyển đổi số quốc gia của Việt Nam.
Chủ nhiệm Ủy ban Lê Quang Huy mong muốn tiếp tục nhận được các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các cơ quan, đơn vị có liên quan trong quá trình xây dựng, hoàn thiện và triển khai thực hiện Đề cương Đề án Quốc hội điện tử, bảo đảm đúng tiến độ, kế hoạch đã đề ra.