Quy định cụ thể mặt hàng bình ổn giá
Theo báo cáo một số vấn đề lớn về dự án Luật Giá (sửa đổi) của Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách, sau khi tiếp thu, chỉnh lý, Cơ quan thẩm tra và Cơ quan soạn thảo đã thống nhất bỏ 3 Điều; bổ sung 5 Điều; bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung 4 nội dung của các Luật có liên quan; bổ sung thêm Phụ lục số 1 quy định Danh mục các hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá và hoàn chỉnh các điều khoản về kỹ thuật lập pháp.
Về bình ổn giá, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, giá là vấn đề ảnh hưởng, tác động trực tiếp đến từng người dân, doanh nghiệp, liên quan đến ổn định thị trường. Do đó, cần quy định cụ thể mặt hàng bình ổn giá trong Luật nhằm tạo sự công khai, minh bạch, đặc biệt tránh việc lạm dụng để mở rộng phạm vi các mặt hàng thuộc diện bình ổn giá, hạn chế sự can thiệp từ cơ quan quản lý nhà nước đến quy luật cung cầu; bảo đảm tính pháp lý chắc chắn, ổn định, giúp doanh nghiệp, người dân đang kinh doanh những mặt hàng thuộc diện bình ổn giá có chiến lược kinh doanh phù hợp. Việc quy định rõ danh mục các mặt hàng bình ổn giá trong Luật cũng khắc phục tình trạng “luật khung, luật ống”.
Mặt khác, việc thực hiện quy định hiện hành không phát sinh vướng mắc trong tổ chức thực hiện. Trong khi đó, Tờ trình cũng chưa làm rõ cơ sở thực tiễn mang tính thuyết phục để phải sửa đổi, vì vậy chưa đủ căn cứ để sửa đổi.
Để bảo đảm tính linh hoạt, kịp thời, Luật Giá hiện hành cũng đã quy định trường hợp cần điều chỉnh danh mục các mặt hàng bình ổn giá, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định. Vì vậy, để đúng với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan dân cử, bảo đảm công khai, minh bạch về chính sách và vẫn đáp ứng tính linh hoạt, kịp thời, phù hợp thực tiễn, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị giữ như quy định của Luật hiện hành.
Bảo đảm các quy trình hình thành, vận hành và quản lý yếu tố về giá
Góp ý vào dự thảo Luật, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, khái niệm giá là khái niệm trung tâm và là xuất phát điểm của luật này. Tuy nhiên, định nghĩa giá thị trường trong dự thảo Luật chưa phù hợp với nguyên tắc hình thành giá thị trường. Theo đại biểu, quy định trong dự thảo Luật chưa phản ánh tính thị trường và đề nghị, cần định nghĩa lại về giá và sửa lại khái niệm cơ sở hình thành giá. Đại biểu nhấn mạnh, giá là vấn đề rất phức tạp và hình thành trên quan hệ cung - cầu. Nên sửa đổi lại trên tinh thần “giá thị trường là giá cả hàng hóa, dịch vụ được hình thành trên cơ sở quan hệ cung cầu phù hợp với chất lượng, giá trị sử dụng hàng hóa và khả năng chi trả của người mua”.
Góp ý về các hành vi bị cấm trong dự thảo Luật Giá (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Tô Ái Vang (Sóc Trăng) trích dẫn quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 7 dự thảo Luật, trong đó quy định nghiêm cấm hành vi lợi dụng thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, thảm họa, dịch bệnh để tăng giá bán hàng hóa và dịch vụ bất hợp lý, không phù hợp với biến động của yếu tố hình thành giá so với trước khi điều chỉnh giá. Theo đại biểu, quy định như vậy chưa rõ thế nào là dịch vụ bất hợp lý, thế nào là không phù hợp và đề nghị thay thế cụm từ “bất hợp lý”, “không phù hợp” thành “giá biến động bất thường” để bảo đảm tương thích với Điều 14 dự thảo Luật về giải thích từ ngữ.
Tại khoản 5, Điều 9 dự thảo Luật về nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ quy định: công khai thông tin về giá hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật và tại khoản 3, Điều 12 dự thảo Luật về quản lý nhà nước về giá quy định: tổng hợp, phân tích, dự báo thị trường xây dựng, vận hành cơ sở dữ liệu về giá. Góp ý về nội dung này, đại biểu Tô Ái Vang kiến nghị bổ sung, thay thế nội dung tại khoản 5, Điều 9 dự thảo Luật theo hướng: tham gia xây dựng, kết nối, chia sẻ thông tin hoặc cơ sở dữ liệu về giá; bổ sung cụm từ “và quản trị” vào khoản 3, Điều 12, đồng thời bổ sung một điểm của khoản 3 theo hướng: trên cơ sở đó kịp thời xây dựng các kịch bản điều hành giá chủ động, linh hoạt đối với các mặt hàng do Nhà nước quản lý.
Bên cạnh đó, một số đại biểu cho rằng, các quy định trong dự thảo Luật khá chi tiết nhưng vẫn chưa bảo đảm hài hoà giữa yếu tố quản lý nhà nước và yếu tố thị trường. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lâm Thành (Thái Nguyên) nhận thấy, các quy định của dự thảo Luật hiện thiên về quản lý hành chính nhiều hơn và chưa phù hợp với nền kinh tế thị trường.
Theo đại biểu Nguyễn Lâm Thành, dự thảo Luật chỉ nên đưa ra các quy định nhằm bảo đảm các quy trình hình thành, vận hành và quản lý yếu tố về giá. Cần quy định vấn đề quản lý Nhà nước liên quan đến các vật tư hàng hoá, thiết bị mà Nhà nước phải kiểm soát, bình ổn. Mặt khác, phải tạo ra hành lang pháp lý để các tổ chức, đơn vị hoạt động liên quan đến giá thực hiện được trong nền kinh tế thị trường. Cùng với đó, cần có những quy định nhằm xử lý các tranh chấp liên quan đến giá.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải lưu ý, cần nghiên cứu thêm về giá dịch vụ trong lĩnh vực chuyển giao trí tuệ, giá trị thực, giá trị thương hiệu, giá dịch vụ hàng không, về vấn đề giá trần, giá tối thiểu và đặc biệt lưu ý về giá dịch vụ y tế. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, sau khi tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, cơ quan chủ trì thẩm tra gửi văn bản xin ý kiến Chính phủ về dự án Luật, trong đó nêu rõ các nội dung lớn còn có ý kiến khác nhau; dự kiến phương án tiếp thu, giải trình. Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ quan tâm cho ý kiến để thể hiện rõ quan điểm, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo ý kiến để trình Quốc hội thảo luận, xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ Năm, bảo đảm chất lượng, đúng thời gian quy định.