Tham gia Phiên họp có: Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình – Phó Trưởng ban Chỉ đạo Đề án; Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Lâm Văn Đoan, các thành viên Ban Chỉ đạo.
Phát biểu mở đầu Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương ghi nhận sự chủ động, tích cực của Ban Dân nguyện và cơ quan Thường trực trong việc phối hợp, chủ trì Đề án. Tại Phiên họp thứ hai, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các đại biểu cho ý kiến trực tiếp vào dự thảo Đề án, Tờ trình, trong đó, góp ý rõ về bố cục, nội dung, nhất là cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn của Đề án; cho ý kiến về việc hoàn thiện thể chế công tác dân nguyện của Quốc hội; việc tổ chức cơ quan dân nguyện của Quốc hội.
Theo Báo cáo tình hình triển khai xây dựng Đề án “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân nguyện của Quốc hội” và một số nội dung trọng tâm của dự thảo Đề án do Phó Trưởng ban Dân nguyện Hoàng Anh Công trình bày, dự thảo Đề án đã bám sát đề cương được Ban Chỉ đạo thông qua, gồm 4 phần: sự cần thiết, cơ sở xây dựng Đề án, mục đích yêu cầu, nhiệm vụ, phạm vi và những nội dung nghiên cứu của Đề án; thực trạng công tác dân nguyện của Quốc hội; giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân nguyện của Quốc hội; kiến nghị, đề xuất và tổ chức thực hiện.
Phó Trưởng ban Dân nguyện nêu rõ, từ các nghiên cứu, đánh giá thực trạng công tác dân nguyện và các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nguyên tắc đổi mới, dự thảo Đề án đã đưa ra 4 nhóm giải pháp lớn.
Thứ nhất, giải pháp đổi mới về nhận thức, giải pháp này yêu cầu đổi mới nhận thức trong tổ chức và hoạt động về công tác dân nguyện của Quốc hội; xác định rõ chủ thể thực hiện công tác dân nguyện của Quốc hội và mối quan hệ giữa các chủ thể.
Thứ hai, giải pháp đổi mới thể chế, trong đó có nêu lên cần thiết phải đổi mới, hoàn thiện các quy định pháp luật về thực hiện công tác dân nguyện.
Thứ ba, giải pháp đổi mới cơ cấu, tổ chức bộ máy thực hiện công tác dân nguyện. Giải pháp này có đặt ra yêu cầu về đổi mới cơ cấu đại biểu Quốc hội để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu trong công tác này; đồng thời cũng tập trung làm rõ yêu cầu cần có cơ quan chuyên trách của Quốc hội để thực hiện công tác này, vừa bảo đảm tính chuyên môn ngày càng cao như Nghị quyết của Đảng đã xác định, vừa thể hiện rõ tính chất đại diện của Quốc hội, là cơ quan chuyên trách và là đầu mối thực hiện công tác dân nguyện của Quốc hội.
Thứ tư, giải pháp đổi mới phương thức hoạt động công tác dân nguyện, bao gồm đổi mới về phương thức hoạt động của các chủ thể thực hiện công tác dân nguyện; đồng thời, xác định những nội dung đổi mới các hoạt động cụ thể để nâng cao chất lượng, hiệu quả, như về công tác tiếp công dân, tiếp xúc cử tri, hoạt động giám sát trong lĩnh vực công tác dân nguyện, đổi mới trong công tác tham mưu, phục vụ,…
Phó Trưởng ban Dân nguyện nhấn mạnh dự thảo Đề án đã đưa ra kiến nghị, đề xuất về việc nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy định pháp luật về công tác dân nguyện; đề xuất xem xét chủ trương về thành lập cơ quan chuyên trách thực hiện công tác dân nguyện của Quốc hội; đồng thờidự thảo Đề án đề xuất giao trách nhiệm cho các cơ quan cụ thể trong việc triển khai, tổ chức thực hiện các nội dung, giải pháp của Đề án.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị, dự thảo Đề án cần tiếp tục đánh giá, tổng kết, nghiên cứu lý luận và thực tiễn về công tác dân nguyện, coi đây là công tác trọng tâm trong thời gian tới; nghiên cứu lý luận, thực tiễn để xây dựng và ban hành luật về dân nguyện.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, cần nghiên cứu xây dựng Đề án thành lập cơ quan chuyên trách của Quốc hội về công tác dân nguyện, trong đó làm rõ địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan này.