Gần 23,3 nghìn lượt hộ được vay vốn
Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng cho hay, kết thúc giai đoạn 2012 - 2016, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách vùng Tây Nam Bộ đạt 27.838 tỷ đồng, với trên 2.062 nghìn người nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ, tăng 10.918 tỷ đồng (+64,5%) so với cuối năm 2011, tốc độ tăng trưởng tín dụng bình quân giai đoạn 2012 - 2016 của toàn khu vực là 10,5%, cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân chung toàn quốc 1,8%.
Chất lượng tín dụng trong vùng được cải thiện. Đến hết năm 2016, tổng nợ quá hạn của các tỉnh trong khu vực là 224,5 tỷ đồng, chiếm 0,81% tổng dư nợ, giảm hơn 410 tỷ đồng (giảm 3,3%) so với thời điểm xây dựng Đề án, tất cả 13/13 tỉnh, thành phố trong vùng đều giảm nợ quá hạn. Công tác thu hồi nợ đến hạn, nợ quá hạn để tạo lập nguồn vốn cho vay quay vòng được chú trọng thực hiện. Giai đoạn 2012 - 2016 doanh số cho vay đạt 33.393 tỷ đồng; doanh số thu nợ đạt 22.225 tỷ đồng (bằng 66,5% doanh số cho vay, tăng 17,5% so với giai đoạn trước khi thực hiện Đề án). Đến thời điểm hiện tại, cũng là năm tổng kết giai đoạn 2 (2021 - 2023) thực hiện công tác củng cố nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng tại 5 tỉnh, thành phố trong khu vực bao gồm: Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang, Cà Mau, An Giang, chất lượng tín dụng đã có thêm một bước nhảy vọt.
Nguồn vốn chính sách đã giúp cho gần 23,3 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn; hỗ trợ, tạo việc làm cho 13.358 lao động, 216 lượt lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp hơn 2.010 học sinh, sinh viên (HSSV) có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; giải ngân cho 42 hộ gia đình vay vốn mua máy vi tính, thiết bị học tập; xây dựng 76 nghìn công trình nước sạch, công trình vệ sinh; 166 căn nhà ở xã hội cho các đối tượng theo Nghị định số 100; hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề và phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị cho 80 khách hàng là hộ DTTS vay vốn theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ.
Đáng chú ý, tỷ lệ thu lãi trong 5 tháng đầu năm 2023 của các chương trình cho vay giải ngân từ khi thực hiện phương án, đề án đạt tỷ lệ cao như An Giang 107,69%; Kiên Giang 101,91%; Cà Mau 100,51%; Bạc Liêu đạt 99,58%; Sóc Trăng 99,35%.
Bức tranh tín dụng sáng dần
Đề án củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách tại khu vực Tây Nam Bộ đã thực sự thổi luồng gió mới cho toàn vùng Tây Nam Bộ. Đề án đã làm chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động của cấp ủy, chính quyền và từng người dân. Đặc biệt, cùng với triển khai Đề án, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Cũng từ đây, hoạt động tín dụng chính sách đã thực sự trở thành công cụ hữu hiệu trong xóa đói giảm nghèo của cấp ủy, chính quyền các địa phương trong vùng. Minh chứng rõ nét nhất cho sự thay đổi này chính là sự tăng trưởng vượt bậc của nguồn vốn ủy thác.
Tính riêng 5 tháng đầu năm 2023, nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương ở 5 tỉnh đạt trên 1.211 tỷ đồng, tăng hơn 146 tỷ đồng so với 31.12.2022. Trong đó, Kiên Giang tăng 51,4 tỷ đồng, Bạc Liêu tăng 37,2 tỷ đồng, Cà Mau tăng 26,1 tỷ đồng, An Giang tăng 18,6 tỷ đồng, Sóc Trăng tăng 12,9 tỷ đồng.
Tại Sóc Trăng, nguồn vốn tín dụng chính sách năm 2022 được giao có mức tăng trưởng 541 tỷ đồng (tăng 13,6%) so với cuối năm 2021. Từ nguồn vốn tăng trưởng trong năm đã góp phần tăng tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đến nay đạt 4.447 tỷ đồng (tăng 468 tỷ đồng so với đầu năm 2022), với hơn 152.000 khách hàng còn dư nợ; dư nợ bình quân 1 hộ là 29 triệu đồng, tăng 2,6 triệu đồng so với cùng kỳ. Nguồn vốn tín dụng chính sách tăng trưởng trong năm đã kịp thời hỗ trợ vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho 43.840 lượt hộ; giúp 18.500 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo phát triển kinh tế gia đình.
Nguồn vốn tín dụng ưu đãi được thực hiện kịp thời đã đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân. Nhờ đó, đến cuối năm 2022, toàn tỉnh chỉ còn 15.139 hộ nghèo, tỷ lệ 4,54%; hộ cận nghèo là 26.242 hộ, tỷ lệ 7,87%. Song song với đó, các hội, đoàn thể nhận ủy thác cấp tỉnh đã thực hiện tốt vai trò chỉ đạo hội, đoàn thể nhận ủy thác cấp huyện, xã phối hợp với NHCSXH và các cơ quan có liên quan lập hồ sơ đề nghị xử lý nợ bị rủi ro cho khách hàng vay vốn do nguyên nhân khách quan.
Tại tỉnh Bạc Liêu, nếu như năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của tỉnh địa phương ở mức cao nhất trong toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long: 18,6% (hộ nghèo) và hơn 11,3% (hộ cận nghèo), thì đến hết năm 2022, Bạc Liêu đã có 41.050 hộ dân đã được thoát nghèo. Trong hơn 20 năm qua, từ 4 chương trình ban đầu với dư nợ gần 133 tỷ đồng, đến nay, trên địa bàn tỉnh đang thực hiện 17 chương trình tín dụng chính sách, tổng dư nợ đạt hơn 2.548 tỷ đồng, tăng hơn 19 lần so với thời điểm mới thành lập, với 90.888 hộ còn dư nợ. Đặc biệt, đến nay tỷ lệ nợ quá hạn của Bạc Liêu chỉ ở mức dưới 1% tổng dư nợ; tỷ lệ thu lãi đạt 98,5% trở lên.
“Kết quả này có sự đóng góp lớn của Đề án củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo giảm nghèo tỉnh Bạc Liêu Phạm Thanh Duy khẳng định.