Hiện nay, các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã và đang có những cách làm hay, hiệu quả trong hỗ trợ, tạo sinh kế cho người dân vươn lên thoát nghèo bền vững. Đặc biệt, đã có chuyển biến về nhận thức và hành động của một bộ phận người nghèo; một số hộ điển hình làm đơn tự nguyện xin thoát nghèo…
Phát huy tinh thần tự lực vươn lên
So với các hộ dân khác ở bản Kè, xã Lâm Hóa (huyện Tuyên Hóa), căn nhà truyền thống của anh Hồ Phình được chỉnh trang ngăn nắp, ngoài vườn cây cối xanh tươi, trong chuồng có nhiều gà, vịt, lợn, bò… Trước đây gia đình anh Phình từng thuộc diện hộ nghèo, thường xuyên thiếu ăn. Song, nhờ được hỗ trợ 2 con bò sinh sản và vay 50 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách để chăn nuôi nên kinh tế gia đình ngày càng được cải thiện. Năm 2022, anh đã viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo để nhường nguồn hỗ trợ cho người khác.
Hay như câu chuyện xin ra khỏi hộ nghèo của bà Trần Thị Nghị ở xã Ngư Thủy (huyện Lệ Thủy). Trước đây, gia đình bà thuộc diện hộ nghèo, do sức khỏe yếu nên không thể vươn khơi bám biển. Nhờ mạnh dạn vay vốn để mở ngành nghề dịch vụ làm hương và chổi đót nên gia đình bà Nghị có thu nhập ổn định và hiện đã thoát nghèo. Bà Nghị chia sẻ: tôi mạnh dạn xin ra khỏi hộ nghèo để dành nguồn hỗ trợ cho hộ nghèo khác.
Cách nhà bà Nghị không xa là hộ anh Trần Đức Lè; cũng do sức khỏe yếu nên anh Lè không thể thường xuyên đi biển, cuộc sống không ổn định. Năm 2021, gia đình anh được hỗ trợ gà giống để phát triển chăn nuôi. Từ tiền lãi chăn nuôi gà, gia đình nuôi thêm lợn, từ đó cuộc sống được cải thiện… “Dù còn nhiều khó khăn nhưng vợ chồng tôi vẫn cố gắng để thoát nghèo, con cái được học hành đến nơi đến chốn", anh Lè cho biết.
Còn với gia đình anh Nguyễn Văn Luận - một trong những hộ nghèo vượt khó, phát triển kinh tế bền vững của xã Tân Ninh (huyện Quảng Ninh), năm 2019, anh Luận thuê đất của xã để đầu tư nuôi trồng thủy sản, nhưng do mưa lũ nên toàn bộ trang trại bị cuốn trôi. Không nản chí, gia đình anh lại quyết tâm đầu tư xây dựng lại trang trại với diện tích khoảng 2ha trồng cây ăn quả, trồng gần 1ha cây rừng và trồng rau, chăn nuôi gia súc, gia cầm… “Đến nay, gia đình đã trả hết các khoản vay, kinh tế ổn định với thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm và tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động, 10 lao động theo thời vụ”, anh Luận phấn khởi cho biết.
Thực tế, để giảm nghèo và nâng cao chất lượng đời sống cho người dân, mỗi địa phương ở Quảng Bình đều có những cách làm khác nhau để phù hợp với thực tiễn. Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Quảng Ninh Nguyễn Công Triều cho biết: ngoài thiết lập xây dựng các dự án, mô hình hỗ trợ sinh kế, huyện đã trích ngân sách để phát triển giáo dục nghề nghiệp ở các vùng khó khăn, đào tạo nghề cho người lao động; đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn trang bị kiến thức trồng trọt, chăn nuôi cho người nghèo, cận nghèo...
Hay như với Tuyên Hóa, bên cạnh triển khai nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ, huyện đã tích cực tuyên truyền, vận động để người dân phát huy tinh thần tự lực vươn lên… Theo Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Lương Công Đức, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm từ 31,77% đầu năm 2016 xuống còn 6,72% vào cuối năm 2020 (bình quân giảm 5,01%/năm trong 5 năm) và còn 6,87% năm 2022 (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2022 - 2025); thu nhập bình quân tăng từ 23,78 triệu đồng/người năm 2015 lên 38 triệu đồng/người năm 2020.
Tiếp cận tốt hơn các chính sách, nguồn lực
Với mục tiêu thu hẹp khoảng cách chênh lệch trong phát triển giữa các vùng, miền, đặc biệt ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh Quảng Bình đã triển khai hiệu quả nhiều chính sách đầu tư lớn của Đảng và Nhà nước như: Quyết định số 1722/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020; Chương trình 135 về hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn, Nghị quyết 30a giảm nghèo nhanh, bền vững…
Cùng với đó, công tác xã hội hóa nguồn lực ngày càng được quan tâm, ý thức, trách nhiệm của người dân về giảm nghèo từng bước được nâng cao. Theo đó, nhiều mô hình kinh tế hiệu quả cao được các hộ mạnh dạn đầu tư và đem lại thu nhập ổn định, như: nuôi ong (huyện Minh Hóa); trồng keo (huyện Tuyên Hóa); trang trại chăn nuôi lợn, gà, vịt (huyện Bố Trạch); mô hình lúa - cá, trồng mướp đắng, bí đỏ (huyện Lệ Thủy)… Tỉnh Quảng Bình cũng chú trọng các giải pháp về cho vay vốn tạo việc làm cho người nghèo; tập trung huy động lồng ghép các nguồn lực, trong đó nguồn vốn tín dụng ưu đãi do Ngân hàng chính sách xã hội quản lý, hỗ trợ đắc lực công tác giảm nghèo bền vững…
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, năm 2022, tỷ lệ nghèo đa chiều toàn tỉnh có 25.105 hộ (chiếm 9,76%), trong đó có 12.855 hộ nghèo (chiếm 5%); 12.250 hộ cận nghèo (chiếm 4,76%)… Điểm nhấn nổi bật nhất trong công tác giảm nghèo ở Quảng Bình thời gian qua là các hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận tốt hơn các chính sách, nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng; mức sống dân cư được cải thiện góp phần củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước. Đặc biệt, đã có sự chuyển biến về nhận thức và hành động của một bộ phận người nghèo; xuất hiện một số điển hình làm đơn tự nguyện xin thoát nghèo…
“Có được kết quả này nhờ thay đổi tư duy về giảm nghèo, chuẩn nghèo ở các cấp, ngành và mỗi địa phương, từ cán bộ cơ sở đến người dân. Cùng với đó, phương thức hỗ trợ chuyển từ cho không sang trợ giúp một phần, có đối ứng. Các địa phương cũng từng bước xây dựng nhiều mô hình liên kết sản xuất nhằm tạo điều kiện cho người nghèo sử dụng hiệu quả chiếc “cần câu”, giảm nghèo bền vững”, đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh chia sẻ.