Theo đó, cuối tháng 4, khoa Cấp cứu tiếp nhận 2 trường hợp là P.T.Y.N và P.T.T là 2 chị em ruột, thường trú huyện Nghi Lộc. Trẻ bị tai nạn do điều khiển xe đạp điện va chạm với xe máy đi cùng chiều, được người nhà đưa nhập khoa cấp cứu với nhiều vết thương xây xát vùng mặt, chân, tay.
Sau khi nhập viện, trẻ được xử trí cấp cứu ban đầu, băng cầm máu vết thương và được chuyển khoa chấn thương tiếp tục điều trị. Rất may, vụ tai nạn không gây nên thương tích gì quá nghiêm trọng. Sau 10 ngày điều trị, tình trạng bệnh của trẻ tiến triển tốt, 2 chị em được ra viện.
Tương tự, một trường hợp nặng nề hơn nữa là bệnh nhi V.M.Đ., 12 tuổi, thường trú tại huyện Quỳ Hợp. Trẻ bị tai nạn do điều khiển xe đạp điện va chạm với ô tô đi ngược chiều, được đưa nhập khoa Cấp cứu trong tình trạng li bì, khó thở, nôn nhiều, tay phải tê bì, giảm vận động và vết thương vùng cổ chảy máu nhiều.
Kết quả chụp cắt lớp vi tính cho thấy có hình ảnh tụ khí nội sọ vùng quanh cầu não, tổn thương đốt sống cổ C2-C6, tràn khí phần mềm trước cột sống.
Nhận thấy tình trạng chấn thương nặng nề của trẻ, đội ngũ y bác sĩ và nhân viên trong khoa đã nhanh chóng xử trí cấp cứu; đồng thời, mời hội chẩn ý kiến của nhiều chuyên khoa: Hồi sức, ngoại khoa, răng hàm mặt. Trẻ tiếp tục được cố định cột sống cổ, thở oxy hỗ trợ, băng vết thương cầm máu, điều trị ổn định huyết động. Sau quá trình cấp cứu ổn định, trẻ được chuyển về khoa Hồi sức ngoại tiếp tục điều trị.
TS. Trần Văn Cương – Trưởng khoa Cấp cứu, Phó Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết, đây chỉ là 2 trong số rất nhiều trường hợp tai nạn giao thông có liên quan đến xe đạp, máy điện mà khoa Cấp cứu đã từng tiếp nhận, đặc biệt là đối với trẻ em ở lứa tuổi học đường.
Xe đạp, máy điện là phương tiện được nhiều gia đình mua cho con em mình để tiện đi học do loại phương tiện này không cần bằng lái xe, trẻ em học cấp 3 đi được. Không phủ nhận lợi ích về kinh tế, môi trường, sự tiện lợi khi sử dụng xe đạp, máy điện. Tuy nhiên do thiếu ý thức, thiếu hiểu biết của một bộ phận học sinh, khi tham gia giao thông bằng phương tiện này đang gây ra tình trạng mất an toàn cho bản thân và cộng đồng.
TS. Cương cảnh báo, việc cho con em mình sử dụng xe đạp, máy điện quá sớm khi chưa đủ tuổi, cũng như việc sử dụng xe có tốc độ tối đa quá cao tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ khi tham gia giao thông đường bộ. Cha mẹ, nhà trường cần sát sao hơn nữa trong việc kiểm soát con em mình khi tham gia giao thông, nhằm phòng ngừa cũng như giảm thiểu tối đa các trường hợp tai nạn đáng tiếc, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng.