Ao chuôm - Một mảnh hồn làng

Vui nhất là những dịp tát ao vào cuối tháng Chạp để ăn Tết. Khi lệnh cho "hôi cá" được phát ra, cả đám đông từ các bờ ao tràn xuống, tay bắt, tay nơm, tay vợt…, rồi nở nụ cười sảng khoái khi bắt được “chiến quả”...

Ao vừa là yếu tố vật chất trong bố trí làng xóm, vừa là yếu tố mang giá trị kinh tế. Nhà địa lý học người Pháp Pièrre Gourou là người đầu tiên đề cập đến ao làng qua hơn một trang trong cuốn "Người nông dân châu thổ Bắc Kỳ", tập trung nói về nguồn gốc và các công dụng của ao. "Ao chiếm một vị trí quan trọng trong làng”, ông khẳng định. 

Ao có thể được hình thành tự nhiên, sau một trận lũ lụt. Cũng có thể, một đoạn sông chết, biến thành hồ, con người sau đó đã ngăn, lấp thành các khúc nhỏ, tạo ra ao. Ở ngoài đồng, nhất là các làng đồng mùa, ngoài các ao tự nhiên, còn có các ao hình thành do quá trình đào đất làm gạch. Còn theo truyền thuyết ở một vài địa phương, ao làng được tạo ra bởi những dấu chân của người khổng lồ hay vết chân ngựa Thánh Gióng khi đánh giặc ngoại xâm. Tuy nhiên, chiếm số đông trong số các ao trong làng vẫn là do con người tạo ra trong quá trình dựng nhà cửa. Để tránh nước ngập, các gia đình (hay các công trình chung của làng như đình, chùa, đền miếu...) đều phải “vượt đất” (đào đất để đắp nền) cho nền nhà và sân cao hơn hẳn so với vườn, và cả đường làng.  Ở các làng đồng chiêm có cốt đất rất thấp, ngay cả trong khu cư trú, khối lượng đất được vật lên rất lớn mới đảm bảo cho nhà - sân đủ độ cao chịu đựng được mức nước trong mùa mưa lũ. Việc đào ao còn để tắm rửa, tưới nước cho cây trồng… và thoát nước thải sinh hoạt...

Đào ao là công việc gần như bắt buộc của các gia đình giàu hay nghèo ở làng đồng chiêm và việc cần làm của các gia đình có diện tích thổ cư rộng ở các làng đồng mùa. Bởi vậy, nhận định: “Đối với người nông dân, tiêu chuẩn của một sự khá giả là có một cái ao cạnh nhà” của P. Gourou trong cuốn "Người nông dân châu thổ Bắc Kỳ" là không thật chuẩn xác với người nông dân ở các làng vùng chiêm trũng.  

Ao làng là nơi chứng kiến những niềm vui thơ trẻ
Ao làng là nơi chứng kiến những niềm vui thơ trẻ
... và xua đi cái mệt mỏi của người già
... và xua đi cái mệt mỏi của người già

Một mảnh ao hẹp hay cả khoảnh ao rộng, dãy ao dài đảm đương rất nhiều chức năng. Trước hết, ao có ý nghĩa về mặt phong thủy, tạo sự mát mẻ, như một lá phổi điều hòa không khí. Mùa hè, nước mát rượi, người lớn, con trẻ thỏa thích lặn ngụp. Mùa thu, nước trong xanh, gợn sóng trước làn gió heo may, gợi nhớ câu thơ nổi tiếng của Nguyễn Khuyến: “Ao thu lạnh lẽo nước trong veo/ Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo”...

Ao là nơi tắm rửa, giặt giũ. Nhà có điều kiện thì kè gạch (hay đá) làm bậc lên xuống; nhà không có điều kiện thì bắc cầu ao (hai đoạn tre hay hai thanh gỗ, một đầu đặt ghếch vào bờ, đầu kia đặt lên hai cột tre đóng sâu xuống lòng ao). Nhiều gia đình gánh nước ao về đánh phèn để làm nước nấu ăn. Ở vùng đồng chiêm, nhiều gia đình quây một góc ao ở xa, bắc hai đoạn tre hay thanh gỗ thành nơi đại tiện, được gọi vui bằng hai chữ “cầu tõm”. Nhiều gia đình dành dụm tiền bạc trong nhiều năm mới mua được bè tre hay bè gỗ, đem ngâm xuống ao một thời gian, cho tre, gỗ khỏi bị mối, mọt để dựng nhà. 

Ngoài nhiệm vụ tiêu thoát nước, ao còn để nuôi cá và thả ngan vịt, mà hiệu quả của nó đã được dân gian đúc kết: “Thứ nhất canh trì, thứ nhì canh viên, thứ ba canh điền”... Dưới ao là bè rau muống, có thể hái quanh năm; bờ ao cạnh nhà là những vạt rau trồng cạn, mùa nào thức ấy. Khoảng đất bờ ao cùng với một phần khoảng không trên mặt ao tạo thành giàn mướp, giàn bầu. Nhiều bờ ao được trồng các cây ăn quả (chuối, ổi, bưởi, dừa), vừa tạo bóng mát, che chắn bão cho ngôi nhà, vừa cho các loại quả. Một góc ao để thả bèo làm thức ăn cho lợn, gà. Những giàn mướp trổ hoa vàng, hòa trong cái nắng lung linh rực rỡ của mùa hạ và mùa thu; chuồn chuồn, bướm, ong… dập dìu bay - đậu trên những cánh hoa đung đưa; dưới ao là những vạt hoa bèo tím biếc, tạo nên cảnh nên thơ; những trái ổi, buồng chuối căng tròn rủ bóng xuống mặt ao, cho cảm giác một cuộc sống trù phú mà giản dị. 

Cũng từ bờ ao, vào mùa hè, cánh phụ nữ thường rủ nhau đi đặt vó (nhiều nơi gọi là te) kéo tôm tép; hoặc có thể mò quanh so, hay dùng xúc, vợt kiếm thêm con ốc, con tôm, con cá nhỏ, có thêm bữa tươi trong ngày. Khi những trận mưa rào trút xuống, từng đàn cá rô theo làn nước lách vào các bờ ao, thậm chí bơi ngược lên vườn, sân nhà, được dịp cho lũ trẻ và cả những người lớn thi nhau trổ tài bắt cá.

Vào những cữ cấy lúa vụ chiêm ở các làng đồng mùa và các chân ruộng cao ở các làng đồng chiêm, ao (ở ven làng hoặc nằm xen trong đồng) có một vai trò đặc biệt quan trọng. Ao là nơi duy nhất có thể chứa đủ lượng nước để cày bừa, làm mạ, cấy và chăm sóc lúa suốt từ khi cây mạ được cắm xuống ruộng đến khi được gặt. Những gia đình có ao là một lợi thế lớn trong việc cấy lúa chiêm tại những thửa ruộng gần nhà. Không có ao, khó mà làm được vụ lúa chiêm suôn sẻ, như người nông dân đã đúc kết: “Cấy lúa phải có ao” hay "Ao dưới, ruộng trên”.

Ao vì thế được xem là một tài sản của gia đình nông dân, dùng để truyền lại cho con cháu, đặt hậu.

Ao là “trường” dạy trẻ học bơi. Vào trưa hè, những người lớn tuổi thường ra bờ ao hóng mát, dốc bầu tâm sự với bao chuyện “trên trời dưới biển”, góp phần làm cho cuộc sống thêm vui vẻ, đỡ căng thẳng hơn; củng cố tình làng nghĩa xóm. Khoảng đất trống, rộng hay hẹp bên bờ ao đều có thể là nơi học của trẻ vào mùa thi hoặc là sân chơi của trẻ với các trò chơi ô ăn quan, nhảy dây, chồng nụ chồng hoa, nu na nu nống, đánh chắt, đá cầu, đố lá…, rèn luyện ý thức tập thể, tính trung thực, dũng cảm cho trẻ. Ao làng đã tắm mát, nuôi dưỡng tâm hồn thơ trẻ cho người dân quê từ bao đời.

Ao làng, ao đình, ao chùa là nơi tổ chức thi bắt vịt tại vào dịp hội làng. Có làng, ao rộng hàng vài mẫu còn tổ chức đua thuyền, thi bơi. Vui không kém là những dịp tát ao đình, ao làng, ao giáp, ao xóm và cả ao tư vào cuối tháng Chạp để ăn Tết. Ao được rút nước tự nhiên theo các cống, các lối thoát, tát bằng gàu, guồng (từ năm 1960 trở đi mới xuất hiện những chiếc máy bơm cỡ lớn). Khi thấy mùi bùn ao ngai ngái sộc vào mũi là lúc nước ao sắp cạn. Hàng trăm người, lớn bé, già trẻ, nam nữ đứng trên bờ xem bắt cá, một số lăm lăm cái giỏ bên hông, nơm, vợt trong tay, sẵn sàng nhảy xuống hôi cá. Khi lệnh cho "hôi” được phát ra, cả đám đông từ các bờ ao tràn xuống, tay bắt, tay nơm, tay vợt…; mặt mũi, chân tay, đầu tóc lấm đầy bùn đất, nhưng đôi mắt luôn mở to để tìm các con cá lẩn khuất trong đám bùn; rồi nở nụ cười sảng khoái khi bắt được “chiến quả”.

Từ đầu thập niên 1980 đến nay, trước sức ép của gia tăng dân số, nhiều ao làng bị lấp dần. Các ao còn lại không được thoát nước như trước, trở thành ao tù. Không khí làng quê ở nhiều nơi nóng bức đến ngột ngạt một phần cũng bởi ao bị lấp và ô nhiễm. Hình ảnh những mảnh ao, dải ao quê trong lành, thanh bình chỉ còn trong ký ức những người từng gắn bó với chúng. Từ “ao làng" giờ đây được dùng với nghĩa không mấy tốt đẹp: chỉ một thứ tư duy chật hẹp, thiển cận (“tư duy ao làng”), hay các giải thể thao ở phạm vi hẹp, có tính cay cú, ăn thua, thiếu công bằng cũng thường bị giễu là “giải ao làng”)...

Tuy nhiên, cũng có nhiều nơi vẫn giữ được các ao công và đã cải tạo thành bể bơi cho trẻ, hoặc được trồng sen để vừa tạo cảnh quan cho làng, vừa thêm nguồn thu từ lá, hoa, hạt sen...

 Ao làng qua bao đời thật gần gũi, thân quen, gắn bó mật thiết với hàng triệu triệu người nông dân, đã đi vào thơ ca nhạc hoạ với nhiều sắc thái khác nhau. Ao làng là một phần hồn của làng quê Việt. Trải qua bao biến cố thăng trầm trong lịch sử, ao luôn tồn tại trong tâm thức người Việt, như là một trong những biểu tượng cho hồn quê. 

Văn hóa

Khi sắc màu và cảm xúc thăng hoa
Văn hóa - Thể thao

Khi sắc màu và cảm xúc thăng hoa

Triển lãm "Colors in Bloom - Sắc màu bừng nở" quy tụ các nghệ sĩ: Nguyễn Phương, Minh Đàm, Thanh Hà, Đình Đức, Phương Thảo và Đức Tiến. Đây là không gian để công chúng chiêm ngưỡng vẻ đẹp tinh tế và độc đáo của nghệ thuật màu nước.

Xây dựng nền “văn hóa Hòa Bình” mãi trường tồn, lan tỏa
Địa phương

Xây dựng nền “văn hóa Hòa Bình” mãi trường tồn, lan tỏa

Nhằm phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống, nhất là các di tích thuộc nền “Văn hóa Hòa Bình”, tỉnh Hòa Bình xác định, phát triển văn hóa sẽ là một trong 5 đột phá chiến lược và sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch, giúp di sản mãi trường tồn và lan tỏa. Từ đó, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Chuyện làng, chuyện phố
Văn hóa

Chuyện làng, chuyện phố

Ngày hội Di sản văn hóa năm 2024 với chủ đề Chuyện làng, chuyện phố sẽ được Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức vào ngày 22 - 23.11.

Kết nối và mở rộng mạng lưới mỹ thuật
Văn hóa - Thể thao

Kết nối và mở rộng mạng lưới mỹ thuật

Hoạt động sáng tạo của nghệ sĩ thiên về tính cá nhân nhưng cũng rất cần môi trường để cập nhật thông tin, giao lưu sáng tác... Các sự kiện kết nối quốc tế không chỉ tạo cơ hội cho nghệ sĩ trong và ngoài nước được gặp gỡ, học hỏi mà còn góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển mỹ thuật Việt Nam.

Tôn vinh truyền thống hiếu học, nuôi dưỡng khát vọng lớn lao
Văn hóa

Tôn vinh truyền thống hiếu học, nuôi dưỡng khát vọng lớn lao

Mỗi dịp 20.11, ngày Nhà giáo Việt Nam, ký ức tuổi thơ của tôi lại tràn về với hình ảnh của bố tôi - một người thầy được học trò yêu quý và kính trọng. Những bó hoa tươi thắm, những món quà nhỏ tuy giản dị nhưng đong đầy tình cảm học trò dành tặng thầy, cùng không khí rộn rã của lớp học với lũ học trò "nhất quỷ nhì ma" in sâu trong tâm trí của tôi. Bố tôi vẫn thường nói, nghề giáo không chỉ là dạy chữ, mà là vun đắp tâm hồn, truyền đạt những giá trị làm người, và kết nối với học trò ở những cảm xúc sâu sắc nhất; tôi rất xúc động khi thấy, sau 30 - 40 năm, vẫn có những học trò vượt hàng trăm cây số, quay lại thăm thầy cũ để hàn huyên đủ chuyện - từ gia đình, công việc cho đến những hoài niệm về thời đi học. Những cuộc trò chuyện như thế vượt lên trên mối quan hệ thầy trò thông thường, gắn bó như cha với con, tạo nên một tình nghĩa khó phai mờ.

Vượt qua rào cản khi sáng tạo với di sản
Văn hóa - Thể thao

Vượt qua rào cản khi sáng tạo với di sản

Di sản văn hóa phi vật thể đang góp phần quan trọng làm nên những sản phẩm độc đáo của công nghiệp văn hóa. Nhiều ý kiến cho rằng, không chỉ cần sự sáng tạo mà còn phải hiểu biết thấu đáo về truyền thống để giữ bản sắc nhưng vẫn mang lại nguồn lợi kinh tế.