Tập trung nguồn lực để hỗ trợ hộ nghèo
Xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, An Giang đã triển khai hàng loạt mô hình, cách làm hiệu quả...tạo điều kiện cho hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn vươn lên ổn định cuộc sống.
Thời gian qua, huyện Phú Tân đã lựa chọn các mô hình triển vọng, tập trung các nguồn lực để hỗ trợ cho hộ nghèo, cận nghèo được tham gia nhân rộng mô hình giảm nghèo.
Chị Trần Thị Hạnh, ấp Phú Đông, xã Phú Xuân, huyện Phú Tân chia sẻ: “Năm 2019, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, sống chủ yếu bằng nghề làm thuê mướn, lại nuôi mẹ già nên được Hội phụ nữ xã giới thiệu học nghề may công nghiệp, cấp chứng chỉ, hỗ trợ 5 triệu đồng vốn không hoàn lại để tôi mua máy may nhận gia công tại nhà. Mỗi ngày tôi nhận may gia công khoảng 30 – 40 bộ đồ, bình quân thu nhập khoảng 120 – 130 ngàn đồng một ngày. Ngoài ra, ở xóm có đem đồ lại may tôi vẫn nhận thêm, xen kẽ với may đồ gia công để may cho khách. Nhờ tham gia mô hình giảm nghèo may gia công này cũng giúp tôi có thêm thu nhập, trang trải sinh hoạt và có thời gian chăm sóc mẹ”.
Bên cạnh chương trình hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo từ nguồn ngân sách nhà nước; các mô hình của hội, đoàn thể triển khai cũng đã góp phần tích cực giảm nghèo trong đồng bào DTTS. Điển hình như gia đình anh Chau Men Ly (dân tộc Khmer) ở ấp An Thạnh, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên là một trong những hộ gia đình được Hội Nông dân xã tín chấp vay vốn ưu đãi của NHCSXH để phát triển chăn nuôi bò sinh sản. Năm 2017, anh vay 20 triệu đồng từ NHCSXH huyện Tịnh Biên để mua 2 con bò về nuôi. Nhờ chịu khó chăm sóc, đàn bò của anh phát triển tốt, đến nay, trong chuồng bò của gia đình anh lúc nào cũng có 4 con bò sinh sản; mỗi năm gia đình xuất chuồng 2 con bò con, lãi hơn 60 triệu đồng. Cùng với việc đầu tư chăn nuôi anh Men Ly còn làm thêm nghề thu hoạch thốt nốt thuê, vợ anh làm thêm nghề bán trái thốt nốt. Nhờ chăn nuôi có hiệu quả, gia đình anh đã cất được nhà mới khang trang, mua được cả xe máy và nhiều vật dụng khác trong gia đình.
Anh Chau Men Ly chia sẻ: “Nguồn vốn ưu đãi đã “tiếp sức” cho gia đình tôi vượt qua khó khăn, nhờ nuôi bò mà con cái được học hành đàng hoàng; từ chỗ là hộ nghèo đến nay có vốn đầu tư vào chăn nuôi, từ nay tôi chỉ tập trung phát triển chăm sóc đàn gia súc để sớm thu hồi vốn và có tiền trả nợ ngân hàng”.
Theo Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội An Giang, ông Châu Văn Ly: “Năm 2022, An Giang tuyển sinh đào tạo nghề nghiệp cho 30.900 người (đạt 152,3%) nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 68%. Bên cạnh đó, tư vấn giới thiệu việc làm hơn 30.000 trường hợp (giới thiệu việc làm thành công hơn 4.500 trường hợp) và tổ chức 31 điểm, cụm tư vấn kết nối việc làm cho người lao động tại 7 huyện, thị xã và 1 phiên giao dịch việc làm tại huyện Phú Tân. Ngoài ra, tỉnh đã đưa 343 lao động đi làm việc theo hợp đồng có thời hạn ở nước ngoài (đạt 176%). Qua kết quả rà soát cuối năm 2022 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 – 2025, An Giang hộ nghèo còn trên 14.500 hộ (chiếm 2,75%, giảm 1,07% so năm 2021); hộ cận nghèo còn trên 24.500 hộ (chiếm 4,64%, giảm 1,29% so năm 2021)”.
Hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm từ 3 – 4%/năm
Nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, giai đoạn 2021 – 2025, UBND tỉnh An Giang đã ban hành chương trình giảm nghèo bền vững trọng tâm là các huyện nghèo. Chương trình triển khai với 7 dự án và 11 tiểu dự án cụ thể trong giai đoạn 5 năm.
Mục tiêu cụ thể là hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế – xã hội huyện nghèo; đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo ở các huyện nghèo; truyền thông và giảm nghèo về thông tin; nâng cao năng lực giám sát, đánh giá chương trình. Tổng nguồn vốn thực hiện chương trình giai đoạn 2021 – 2025 là 827 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương trên 733 tỷ đồng, ngân sách địa phương hơn 73 tỷ đồng (gồm vốn đầu tư phát triển và vốn sự nghiệp), còn lại huy động các nguồn hợp pháp khác.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước cho biết: An Giang phấn đấu hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm bình quân 1 – 1,2%/năm; hộ nghèo DTTS giảm từ 3 – 4%/năm. Đến cuối năm 2025 huyện nghèo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn; hộ nghèo ở huyện nghèo giảm bình quân 2%/năm. Cùng với đó, huyện nghèo được hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội liên kết vùng, phục vụ dân sinh, sản xuất, thương mại, lưu thông hàng hóa và cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản. Cơ sở hạ tầng thiết yếu được ưu tiên đầu tư sẽ là đường giao thông, trường học, cơ sở y tế, cầu, hạ tầng điện, công trình thủy lợi.
“Bên cạnh đó, tỉnh sẽ hỗ trợ xây dựng, nhân rộng mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất – kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người dân sinh sống trên địa bàn huyện nghèo. Phấn đấu 80% người có khả năng lao động, có nhu cầu thuộc hộ nghèo, hộ dân huyện nghèo được hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất nông, lâm, ngư, nghiệp nhằm đổi mới phương thức, kỹ thuật sản xuất, bảo đảm an ninh lương thực, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, tăng thu nhập...” – ông Phước nói.