“Âm mưu giày gót nhọn” ở đây không phải là bộ phim của đạo diễn Việt kiều Hàm Trần với cô diễn viên xinh đẹp Kathy Uyên, mà là chuyện của nữ doanh nhân cầm lái chiếc BMW gây tai nạn liên hoàn ở Hàng Xanh hồi tháng 10 năm ngoái (khiến 1 người chết, 5 người bị thương). Ngoài việc lái xe không bằng, lại có tí ma men, thì nguyên nhân trực tiếp dẫn tới tai nạn, như thú nhận của nữ tài xế, là tại chiếc giày gót nhọn, nó khiến chị đạp nhầm chân phanh thành chân ga.
Trên thế giới, giày cao gót được liệt vào một trong những nguyên nhân đáng kể gây ra tai nạn xe hơi. Nhưng thưa các anh, nhất là các anh đang chuẩn bị cười khẩy rằng, cái lỗi này chỉ có ở các chị phụ nữ, rằng không bán xăng cho bọn đi giày gót nhọn - không chỉ giày gót nhọn, mà dép xỏ ngón của các anh (một phần các chị) còn nguy hiểm hơn khi lái xe. Theo một trung tâm nghiên cứu ở Michigan, Mỹ, ước tính những người mang dép xỏ ngón có liên quan đến 1,4 triệu vụ tai nạn xe hơi mỗi năm. Nghiên cứu này khẳng định lái xe với dép xỏ ngón có thể nguy hiểm hơn là đi giày cao gót.
Tất nhiên, đi giày gót nhọn khi lái xe rất nguy hiểm. Gót giày có thể gây kẹt ở thảm lót sàn cũng như gây khó khăn khi bạn đạp phanh. Năm 2014, một tai nạn thảm khốc xảy ra ở Pháp khiến người phụ nữ cầm lái cùng ba đứa trẻ trong xe tử vong, chỉ vì gót giày của người phụ nữ bị kẹt giữa bàn đạp ga và phanh. Ở Nhật, chỉ cần bạn đi xăng đan có gót tới thi lấy bằng lái, thì cầm chắc về ngay sau một nốt nhạc, trượt rồi!
Còn gì nữa? Một số người tiện chân còn đi dép lê nhảy lên xe. Dép sẽ rất dễ bị rơi ra trong quá trình di chuyển chân để đạp ga và phanh. Và khi đó, tai nạn có thể xảy ra tức khắc.
Lại có người toàn lái xe... chân trần. Luật không cấm lái xe không giày, nhưng đi chân trần khiến bạn khó khăn hơn khi nhấn bàn đạp đúng cách. Ngoài ra, bàn chân của bạn có thể bị trượt khi bạn cần đạp phanh gấp và hết phanh. Đừng bao giờ làm vậy. Trông cũng mất phong cách nữa!
Tai nạn xe hơi xảy ra thường xuyên hơn bạn nghĩ. Hãy đóng góp vào sự an toàn của các con đường bằng chính hành động của bạn sau tay lái. Lựa chọn mang giày dép thoải mái, loại bám vào chân và giúp bạn kiểm soát bàn đạp nhiều hơn là một bước giúp bạn giảm nguy cơ gây tai nạn.