Nhiều chuyến xe 0 đồng đưa người bệnh về quê ăn tết
Nhiều bệnh nhân ra viện ngày cận Tết gặp nhiều khó khăn trong vấn đề tìm phương tiện đi lại, do đó các bệnh viện đã chủ động tổ chức các chuyến xe miễn phí phục vụ người bệnh về quê ăn tết.
Tại Bệnh viện K, 360 người bệnh được sắp xếp 13 chuyến xe đưa về quê ăn Tết. Cùng với đó, 2.000 người đã tham dự bữa cơm tất niên sớm tại bệnh viện trước khi trở về nhà.
Bên cạnh đó, với các bệnh nhân không đủ sức khỏe để tham dự chương trình, đại diện bệnh viện đã tới từng giường bệnh thăm hỏi, động viên và trao những phần quà và 600 xuất cơm vừa đảm bảo dinh dưỡng lại đong đầy sẻ chia với người bệnh.

Tại Bệnh viện Trung ương Huế tổ chức 7 chuyến xe 0 đồng đưa 200 người bệnh về quê ăn Tết và được khởi hành từ bệnh viện đi Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi.
Đồng thời, đại diện bệnh viện cùng các nhà hảo tâm trao tặng quà tết cho các bệnh nhân gồm 3 phần quà kèm 1 triệu đồng/suất.
Tại Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa, theo kế hoạch, từ chiều ngày 6 - 8.2 (tức ngày 27 -29 Tết) sẽ huy động các xe 7 chỗ, 16 chỗ… đưa bệnh nhân về nhà sum họp, đón Tết bên gia đình.
Ngoài ra, Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa còn tổ chức "Phiên chợ Tết 0 đồng" ngay trong khuôn viên bệnh viện. Phiên chợ này sẽ có nhiều thực phẩm sử dụng trong dịp Tết như: Bánh chưng, bánh tét, dưa hành, mứt, giò chả, bánh kẹo… Bệnh nhân tham gia phiên chợ Tết được mua các món hàng với giá 0 đồng.
Bộ Y tế yêu cầu các tỉnh, thành tập trung truyền thông phòng, chống tác hại rượu, bia dịp Tết
Bộ Y tế đã ban hành văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quan tâm chỉ đạo, tổ chức triển khai một số nội dung, tiếp tục thực hiện nghiêm Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia và tăng cường các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia trong dịp Tết Nguyên đán và các dịp lễ hội năm 2024.

Trong văn bản do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương ký ban hành, Bộ Y tế đề nghị Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo đẩy mạnh hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông đồng thời tổ chức các chương trình, chiến dịch truyền thông hiệu quả, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và các ngày lễ, ngày hội trong năm 2024 nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cộng đồng để phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, đặc biệt vào các dịp cao điểm để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.
Cảnh báo ngộ độc khí CO do sử dụng than, củi để sưởi ấm
Những ngày qua thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sức khỏe của người dân. Để chống chọi với giá rét, nhiều người đã sử dụng các biện pháp sưởi ấm, trong đó việc đốt than, củi ở không gian kín tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy hiểm.
Trong đó, Bệnh viện Đa khoa Thanh Hóa tiếp nhận điều trị cho 2 ca bệnh ngộ độc khí CO do đốt than củi để sưởi ấm. Đó là trường hợp 2 nữ bệnh nhân N.T.M (63 tuổi) và L.T.N (90 tuổi) trong tình trạng hôn mê, mất nhận thức khi dùng củi đốt phòng kín sưởi ẩm và đóng kín cửa để ngủ.
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn, đơn vị cũng tiếp nhận 2 bệnh nhân ngộ độc khí CO (Cacbon Monoxide) do sử dụng than, củi để sưởi ấm.
Trường hợp thứ nhất, bệnh nhi 12 tuổi xuất hiện tình trạng lơ mơ, tím môi do mẹ bé đặt than củi trong buồng tắm kín cho trẻ đi tắm. Trường hợp thứ hai, nam bệnh nhân 61 tuổi nhập viện trong tình trạng gọi hỏi không biết, tím tái toàn thân do cùng vợ tự đốt than hoa sưởi ấm trong nhà.

Bác sĩ khuyến cáo người dân cần chú ý, khi thời tiết chuyển lạnh, thay vì sử dụng than, củi để sưởi ấm trong phòng, người dân có thể sử dụng nhiều biện pháp giữ ấm khác như: che chắn kỹ các phòng; mặc trang phục phù hợp để giữ ấm cơ thể; dùng đèn sưởi, quạt sưởi, điều hoà.
Bên cạnh đó, người dân nên uống đủ nước (uống nước ấm), tăng cường dinh dưỡng để đảm bảo sức khoẻ. Khi phát hiện có người bị ngạt khí, cần nhanh chóng đưa nạn nhân rời khỏi phòng, ra ngoài không gian thoáng khí để kịp thời bổ sung oxy, đồng thời gọi cấp cứu hoặc đưa đến cơ sở y tế gần nhất.
Các bệnh viện liên tiếp ghi nhận nhiều ca ngộ độc thực phẩm
Trong tuần vừa qua nhiều bệnh viện liên tiếp ghi nhận các ca ngộ độc thực phẩm.
Tại Bệnh viện đa khoa Trung ương Quảng Nam tiếp nhận trường hợp ngộ độc do ăn cá nóc. Theo đó, đơn vị tiếp nhận trường hợp 4 bệnh nhân là ngư dân đánh cá tại vùng ven biển xã Tam Hải (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) ăn 3 con cá nóc đánh bắt được. Hậu quả, 3 trường hợp nhập viện trong tình trạng nguy kịch, 1 ổn định.
Bác sĩ Chuyên khoa 2 Trịnh Thị Mai Linh – Phó trưởng khoa Nội tiêu hóa khuyến cáo, cá nóc là loại cá nguy hiểm, người dân không nên sử dụng cá nóc làm thực phẩm để chế biến món ăn.
Bởi trong cá này có độc tố tetrodotoxin, khi ăn cá nóc người bệnh sẽ có biểu hiện tê cứng đầu lưỡi, mệt mỏi, hốt hoảng, yếu tứ chi, tụt huyết áp, mất ý thức, yếu liệt tay chân và có khả năng suy hô hấp dẫn đến tử vong.
Tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên tiếp nhận trường hợp ngộ độc do nuốt mật cá trắm. Theo thông tin, người phụ nữ 39 tuổi ở TP Buôn Ma Thuột để trị bệnh đại tràng và dạ dày, đã nuốt mật cá trắm dẫn đến bị ngộ độc phải nhập viện cấp cứu.
Bác sĩ Chuyên khoa 2 Trịnh Hồng Nhựt, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên khuyến cáo, nhiều người nghĩ mật cá trắm to rất tốt cho sức khỏe, thậm chí có tác dụng chữa bệnh nên ăn mật cá.
Tuy nhiên, thực tế trong mật cá trắm có độc tố gây hại cho cơ thể con người. Khi nuốt mật cá, độc tố trong mật sẽ gây tổn thương chủ yếu gan, thận. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong.
Hiện tượng sương mù dày đặc bao trùm Hà Nội, cảnh báo nguy cơ sức khỏe
Sáng 2.2, đường phố tại Hà Nội chìm trong sương mù và mưa phùn. Mưa giảm nhưng đường phố vẫn bị sương mù bao phủ khiến tầm nhìn giảm, một số người dân phải bật đèn pha phương tiện của mình để di chuyển an toàn.

Ông Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, hiện tượng sương mù thường xảy ra vào mùa đông, nhất là ở các tỉnh vùng cao, miền núi phía Bắc… Tại Hà Nội, hiện tượng này khá hiếm trong nhiều năm trở lại đây khiến người dân bất ngờ. Đây là vấn đề của thời tiết và khí hậu.
Trong thời tiết như hiện nay, người dân rất dễ mắc các bệnh đường hô hấp. Vì thế, trong mùa đông khi ra đường, người già, người có bệnh mạn tính, trẻ em cần giữ ấm, đeo khẩu trang để phòng bệnh
Bên cạnh đó, do sương mù dày, sân bay Nội Bài không thể tiếp nhận máy bay khiến ít nhất 37 chuyến bay bị ảnh hưởng, phải chuyển hướng hạ cánh.