Vang danh nghề cổ
Là series tranh truyện độc đáo giới thiệu về các làng nghề thủ công - truyền thống của Việt Nam dành cho bạn đọc nhỏ tuổi.
Nghề truyền thống được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, biến đổi và phát triển nhằm phù hợp với mỗi giai đoạn lịch sử, không chỉ là kế sinh nhai mà còn lưu giữ mạch nguồn văn hóa truyền đời. Mỗi sản phẩm thủ công truyền thống chứa đựng bao tâm huyết, là minh chứng cho sự tài hoa, khéo léo và sức sáng tạo của người Việt. Ngày nay, những sản phẩm thủ công của nước ta đã được biết đến trên khắp thế giới, góp phần quảng bá văn hóa Việt đến bạn bè năm châu.
Bằng cách dẫn truyện nhẹ nhàng, từng tập sách “Vang danh nghề cổ” đưa độc giả ghé thăm các làng nghề truyền thống để khám phá không chỉ quy trình làm ra sản phẩm của làng nghề, mà còn biết được sự tài hoa của nghệ nhân nước mình, hiểu được văn hóa, tín ngưỡng và tập tục vùng đất đó.
8 cuốn trong bộ sách "Vang danh nghề cổ" đã ra mắt độc giả gồm: Chạm bạc Đồng Xâm - gìn giữ tinh hoa, Làng mộc Chàng Sơn - nét chạm của thời gian, Nước mắm Phú Quốc - vị ngon đảo ngọc, Làng rèn Vân Chàng - Lửa rèn còn mãi, Lãnh Mỹ A - Huyền thoại lụa, Làng gốm Bàu Trúc - Đất vàng trên cánh đồng thiêng, Thúng chai Phú Mĩ - Vươn khơi bám biển, Trống Đọi Tam - Rền vang tiếng sấm.
Chuyện hay sử Việt
Bộ sách gồm 10 cuốn của nhóm tác giả Nguyễn Như Mai, Nguyễn Huy Thắng, Nguyễn Quốc Tín.
Lịch sử đất nước đã trải qua hàng nghìn năm với biết bao thời khắc huy hoàng và bi tráng. Bộ sách Chuyện hay sử Việt (10 cuốn) dẫn dắt bạn đọc đi ngược dòng thời gian, thông qua những sự kiện hào hùng, câu chuyện về những nhân vật được ghi trong chính sử và cả các huyền tích, giai thoại lưu truyền trong dân gian.
Cùng với những minh họa sống động, gần gũi về đời sống của người xưa, bộ sách Chuyện hay sử Việt làm sống dậy những suy nghĩ và tình cảm, mưu cầu và khát khao của họ trên từng trang sách, giúp các bạn trẻ hiểu rõ hơn về chặng đường quá khứ mà ông cha ta đã đi qua và góp phần tăng thêm lòng tự hào dân tộc, thêm yêu lịch sử nước nhà và có ý thức hơn về trách nhiệm đối với đất nước.
Mũ nồi xanh Việt Nam - Người đi gieo hạt hòa bình
Cuốn sách kể về hành trình của chàng chiến sĩ trẻ Nguyễn Sỹ Công đến đất nước Nam Sudan, thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc mang đến một hình ảnh hiện đại vô cùng tươi mới của người lính Việt Nam.
Mở ra một hành trình giàu tính trải nghiệm, "Mũ nồi xanh Việt Nam - Người đi gieo hạt hòa bình" giúp ta khám phá vẻ đẹp bình dị và lắng đọng khi con người gắn bó với nhau bằng tình yêu thương, cũng như ý nghĩa sâu sắc của từ “hòa bình”.
Kí họa trong chiến hào
Tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ với vai trò phóng viên chiến trường kiêm họa sĩ, Phạm Thanh Tâm khi ấy mới ở độ tuổi đôi mươi. “... Những bức kí họa của Phạm Thanh Tâm là tư liệu hiếm hoi còn sót lại từ chiến trường. Những hình ảnh mong manh trên những trang sổ tay khiến ta cảm nhận được tài hoa phác họa cái đẹp của một họa sĩ trẻ trung trong một trận chiến mà nhà báo Bernard B. Fall gọi là ‘một góc địa ngục’” - NXB Asia Ink.
Cuốn sách "Kí họa trong chiến hào - Nhật kí chiến tranh của một người lính trẻ trong chiến dịch Điện Biên Phủ" ra mắt nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954 - 2024), thể hiện tình cảm và đánh giá của bạn bè quốc tế với những người lính Điện Biên Phủ nói riêng và chiến thắng Điện Biên Phủ của nhân dân ta nói chung. Một góc nhìn từ chiến hào qua những kí họa chân thực và nên thơ về một chiến thắng lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu.
Sống
Là cuốn tiểu thuyết bằng tranh do tác giả Hải Anh - một người trẻ Pháp gốc Việt và Pauline Guitton - một họa sĩ Pháp sáng tác.
Với lối kể chuyện độc đáo gồm hai tuyến thời gian độc lập và các nhân vật đan cài vào nhau một tinh tế. Tuyến thời gian thứ nhất là những câu chuyện người mẹ kể cho con gái về quãng thời gian bà sống, học tập và cống hiến trong chiến khu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Song song với đó là câu chuyện từ góc nhìn của người con gái, một thiếu nữ trẻ hiện đại đang cố gắng kết nối với mẹ và quá khứ, để hiểu thêm về mẹ mình và về cội nguồn.
Những câu chuyện giao cảm thế hệ của hai mẹ con đã một phần tái hiện lịch sử của dân tộc ta, ở một góc nhìn ít được nhắc đến, khắc họa chân dung mối quan hệ phức tạp giữa mẹ và con gái, cùng mong ước tìm hiểu nguồn cội của một người trẻ Việt sinh ra và lớn lên ở nước ngoài. Những trang truyện tranh đã phác ra một mảng kí ức lịch sử của dân tộc, phác ra hình ảnh về những người Việt thời kháng chiến và thời nay, cũng đồng thời phác ra những giao cảm tuổi trẻ của hai thế hệ mẹ - con; kháng chiến - hoà bình; dân tộc - hội nhập.