Sự kiện nhận được sự hưởng ứng tham gia của gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, với hơn 14.000 người trên khắp thế giới tham gia theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Đây là dịp để các chuyên gia gây mê trên toàn cầu cùng hội tụ, chia sẻ kiến thức và thảo luận về những tiến bộ quan trọng trong lĩnh vực gây tê vùng và giảm đau.
PGS.TS Công Quyết Thắng - Chủ tịch Hội Gây mê hồi sức Việt Nam cho biết, dấu ấn từ Ngày Thế giới về Gây tê vùng và Giảm đau lần thứ nhất năm 2024 đã khơi dậy sự quan tâm mạnh mẽ từ các bệnh viện, cơ sở y tế và chuyên gia hàng đầu đến từ hơn 100 quốc gia. Đồng thời, mang lại những chuyển biến tích cực rõ nét, tạo tiền đề cho sự phát triển vượt bậc trong lĩnh vực này như: xây dựng cộng đồng chuyên môn vững mạnh; cải thiện chất lượng điều trị và chăm sóc bệnh nhân; tăng cường thực hành kỹ thuật chuyên sâu như gây tê thần kinh mặt, đám rối thắt lưng, đám rối cánh tay, cột sống ngực, bụng và chi dưới...
Theo PGS.TS Công Quyết Thắng, những thành tựu từ Ngày Thế giới về Gây tê vùng và Giảm đau lần thứ nhất chính là nền tảng vững chắc để hướng đến Ngày Thế giới về Gây tê vùng và Giảm đau lần thứ 2, với kỳ vọng mang lại thêm nhiều giải pháp đột phá, tiếp tục khẳng định sứ mệnh “Chung tay vì một tương lai không đau trên toàn thế giới".
Để hiện thực hóa mục tiêu nâng cao chất lượng điều trị đau trên cả nước, Ngành Y tế Việt Nam, đặc biệt là Hội Gây mê Hồi sức Việt Nam, đã và đang triển khai nhiều chiến lược trọng điểm nhằm nâng cao chất lượng điều trị đau, bao gồm cả đau cấp tính và mãn tính trên phạm vi toàn quốc.
Theo đó, Hội Gây mê Hồi sức Việt Nam tập trung xây dựng mô hình quản lý đau kết hợp nhiều chuyên ngành trong điều trị đau cấp và mãn tính. Cập nhật các phương pháp điều trị tiên tiến, dựa trên cơ sở khoa học, được phát triển nhằm mang đến cho người bệnh những giải pháp tối ưu và hiệu quả nhất.
Đẩy mạnh các chương trình đào tạo và hội thảo khoa học chuyên đề nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về vai trò của các kỹ thuật gây tê vùng và giảm đau. Qua đó, kiến thức về các công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực này sẽ được phổ biến rộng rãi, góp phần nâng cao chất lượng điều trị tại các cơ sở y tế.
Hội Gây mê Hồi sức Việt Nam phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế trong việc xây dựng và triển khai các chiến lược phát triển lĩnh vực điều trị đau. Hướng tới mục tiêu chăm sóc toàn diện, các quy trình tiêu chuẩn được thiết lập để bảo đảm bệnh nhân không đau, an toàn, giảm thiểu chi phí điều trị và rút ngắn thời gian nằm viện.
Ngoài ra, Hội Gây mê Hồi sức Việt Nam còn đề xuất Bộ Y tế ban hành các chủ trương và chiến lược xây dựng hệ thống chăm sóc toàn diện cho người bệnh từ trước, trong và sau phẫu thuật. Quy trình này nhằm đảm bảo bệnh nhân không đau, tăng cường hồi phục chức năng, đồng thời giảm thiểu chi phí và thời gian điều trị tại bệnh viện. Đồng thời, đưa vào sử dụng tại Việt Nam các loại thuốc giảm đau tiên tiến, hiệu quả cao và ít tác dụng phụ đang được áp dụng trên thế giới.
Theo Hội Gây mê Hồi sức Việt Nam, những chiến lược trên không chỉ thể hiện cam kết mạnh mẽ của Ngành Y tế Việt Nam trong việc giảm thiểu nỗi đau cho người bệnh, mà còn góp phần xây dựng một tương lai y học hiện đại, tiên tiến và nhân văn.