
12 tỉnh này bao gồm: Thái Bình, Lai Châu, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum, Bình Dương, Kiên Giang, Hưng Yên, Đồng Tháp và Cần Thơ.
Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã (gọi tắt là Ban Chỉ đạo) được thành lập 2017 nhằm giúp Thủ tướng nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết những công việc liên quan tới đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.
Năm 2022, Ban Chỉ đạo đã tích cực chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã. Trọng tâm là xây dựng, triển khai Nghị quyết số 20-NQ/TW của Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới và sửa đổi Luật Hợp tác xã - dự kiến trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp tháng 5 tới.
Mặc dù vậy, theo đánh giá của Ban Chỉ đạo, hoạt động của Ban vẫn còn những hạn chế nhất định.
Cụ thể, ở cấp Trung ương, thành viên Ban Chỉ đạo là lãnh đạo các bộ, ngành đều làm việc theo chế độ kiêm nhiệm. Văn phòng Đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã (Văn phòng Đổi mới) giúp việc cho Ban Chỉ đạo hiện chỉ có 2 cán bộ chuyên trách, còn lại 57 cán bộ thuộc các bộ, ngành, cơ quan Trung ương đều làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, trong khi khối lượng công việc của Văn phòng Đổi mới ngày càng nặng nề.
Ở địa phương, hầu hết các tỉnh, thành phố chưa có bộ phận giúp việc cho Ban Chỉ đạo. Chỉ có một vài địa phương đã thành lập Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, gồm TP. Hồ Chí Minh, Ninh Bình, Quảng Nam, Vĩnh Phúc và Sóc Trăng.
Cũng theo Ban Chỉ đạo, hiện chưa có sự thống nhất Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo ở địa phương để đồng bộ, xuyên suốt trong công tác chỉ đạo, phối hợp và điều hành của Ban Chỉ đạo các cấp. Theo báo cáo, còn 12/63 tỉnh, thành chưa kiện toàn Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo cấp tỉnh là Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong đó có 9 tỉnh giao Liên minh Hợp tác xã tỉnh (Thái Bình, Lai Châu, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum, Bình Dương, Kiên Giang); 3 tỉnh giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng cơ quan khác (gồm Hưng Yên, Đồng Tháp và Cần Thơ).
Bên cạnh đó, cả nước mới có 45/63 địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo cấp huyện, 15 tỉnh bố trí cán bộ cấp xã làm đầu mối theo dõi về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.
Dự kiến, năm 2023 sẽ kiện toàn và nâng cao vai trò của Ban Chỉ đạo Quốc gia về kinh tế tập thể; kiện toàn nhân sự, bộ máy giúp việc cho Ban Chỉ đạo các cấp để tạo sự thống nhất, đồng bộ, xuyên suốt, toàn diện trong lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp, điều hành, tổ chức thực hiện.
Cụ thể, bổ sung 2 Phó Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia là Lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương và Lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; bổ sung thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia gồm đại diện lãnh đạo một số bộ ngành có nhiệm vụ trực tiếp trong triển khai Nghị quyết số 20-NQ/TW và Trưởng ban Chỉ đạo cấp tỉnh là thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia để thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp từ Trung ương đến địa phương.