Cùng dự có: Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Tạ Văn Long; Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn…
Xem xét thông qua 27 nghị quyết
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Tạ Văn Long cho biết: Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh sẽ xem xét các báo cáo chuyên đề của UBND tỉnh về kết quả triển khai thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh về các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 – 2025, nhằm đánh giá kết quả đạt được; nắm bắt kịp thời những khó khăn vướng mắc và đề xuất các giải pháp thực hiện hiệu quả các nghị quyết của HĐND tỉnh đã ban hành.
Cùng đó, thảo luận các báo cáo của HĐND, Thường trực HĐND tỉnh về công tác 6 tháng đầu năm; báo cáo kết quả thực hiện chương trình giám sát năm 2022; báo cáo về giám sát việc giải quyết các kiến nghị cử tri gửi kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh; các báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh. Bên cạnh đó, kỳ họp cũng dành thời gian hợp lý tiến hành chất vấn, thảo luận, giải trình về các vấn đề đại biểu, cử tri và Nhân dân quan tâm; xem xét, thảo luận và thông qua 27 nghị quyết.
Chủ tịch HĐND tỉnh Tạ Văn Long nhấn mạnh: Với khối lượng công việc lớn, nhiều nội dung quan trọng, đề nghị các đại biểu nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy trí tuệ, tập trung nghiên cứu sâu, kỹ từng nội dung. Trong quá trình thảo luận, cần căn cứ những mục tiêu, nhiệm vụ đã được xác định trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2023 và giai đoạn 5 năm (2021-2025). Đồng thời, xuất phát từ bối cảnh thực tiễn hiện nay, dự báo tình hình trong thời gian tới để có những ý kiến đóng góp sâu sát, đề xuất giải pháp căn cơ để HĐND tỉnh có cơ sở quyết nghị các cơ chế, chính sách đảm bảo hiệu lực, hiệu quả… vì sự phát triển chung của tỉnh và niềm tin, sự mong đợi của cử tri và Nhân dân.
Đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt các đồ án quy hoạch xây dựng
Phát biểu chỉ đạo, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đỗ Đức Duy nhấn mạnh: Kỳ họp sẽ thảo luận và biểu quyết thông qua nhiều cơ chế, chính sách quan trọng, có tác động lớn và trực tiếp đến đời sống của Nhân dân trên địa bàn tỉnh. Do đó, các đại biểu cần tập trung thảo luận, phân tích, đánh giá thực chất, toàn diện về tình hình, những kết quả đạt được, thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, khó khăn trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2023.
Trên cơ sở kịch bản tăng trưởng năm 2023 đã được phê duyệt, nghiên cứu, điều chỉnh linh hoạt các giải pháp cho phù hợp để chỉ đạo và tổ chức thực hiện; thường xuyên rà soát, đánh giá kết quả thực hiện đối với từng chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, nhất là các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà kết quả thực hiện còn ở mức thấp. Đồng thời, điều chỉnh, bổ sung đối với các lĩnh vực, sản phẩm còn có dư địa tăng trưởng để khai thác, phát huy, bảo đảm hoàn thành và hoàn thành vượt mức kịch bản tăng trưởng quý III, quý IV và cả năm 2023. Bên cạnh đó, tập trung triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả kế hoạch đầu tư công năm 2023, nhất là các dự án, công trình trọng điểm; các Chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Bí thư Tỉnh uỷ cũng đề nghị UBND tỉnh, các cấp, các ngành cần tổ chức công bố và triển khai thực hiện hiệu quả Quy hoạch tỉnh Yên Bái giải đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt các đồ án quy hoạch xây dựng, chương trình phát triển đô thị, chương trình xây dựng NTM.
Ngoài ra, tập trung triển khai thực hiện toàn diện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp về cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế. Trọng tâm là, triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản; đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, chương trình mỗi xã một sản phẩm, cấp chứng chỉ rừng bền; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ; tiếp tục rà soát, kiên quyết xử lý, thu hồi quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án chậm tiến độ hoặc không triển khai thực hiện theo cam kết; thường xuyên rà soát kỹ các khoản thu, nuôi dưỡng, phát triển nguồn thu bền vững, bảo đảm thu ngân sách năm 2023 đạt trên 5.200 tỷ đồng; quan tâm chăm lo phát triển toàn diện lĩnh vực văn hóa - xã hội, hài hòa với phát triển kinh tế; bảo đảm an sinh xã hội gắn với quản lý xã hội an toàn, lành mạnh.
Tốc độ tăng trưởng đạt 6,59%
Báo cáo kết quả phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thế Phước cho biết: Kinh tế tiếp tục duy trì đà tăng trưởng khá; có nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ đạt kết quả tích cực và tăng khá so với cùng kỳ, như: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm ước đạt 6,59% (đứng thứ 5/14 tỉnh trong khu vực; 23/63 tỉnh, thành phố). Số khách du lịch ước đạt 1 triệu lượt khách, tăng 28,3% cùng kỳ, đạt 129,5% kịch bản tăng trưởng, đạt 69,1% kế hoạch; doanh thu ước đạt 831 tỷ đồng, tăng 58,5% so với cùng kỳ năm 2022. Bên cạnh đó, tổ chức thành công nhiều sự kiện quan trọng có ý nghĩa thiết thực về văn hoá, xã hội của tỉnh, nổi bật là Lễ đón nhận Lễ hội đền Đông Cuông là di sản văn hóa, phi vật thể cấp Quốc gia; đền Thác Bà xếp hạng di tích quốc gia; Lễ hội ẩm thực huyện Văn Yên để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng Nhân dân và du khách trong và ngoài nước; đồng thời tiếp tục tôn vinh, quảng bá về văn hoá, con người Yên Bái và du lịch Yên Bái.
Đối với việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia, ngay từ những ngày đầu năm, UBND tỉnh đã huy động, lồng ghép và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư để xây dựng hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn; huy động cả hệ thống chính trị và Nhân dân chung tay xây dựng NTM. Đến nay, có 99 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 66% tổng số xã của tỉnh, 27 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 6 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 3/9 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Phấn đấu năm 2023 có thêm 6 xã đạt chuẩn NTM và 9 xã đạt chuẩn NTM nâng cao.
Ngoài ra, các cấp, các ngành triển khai tích cực, hiệu quả các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, giữ vững thành quả phổ cập giáo dục các bậc học. Phòng, chống hiệu quả dịch bệnh, nhất là dịch Covid-19, bảo vệ an toàn sức khỏe Nhân dân. Tích cực triển khai thực hiện công tác an sinh, xã hội, chăm lo gia đình chính sách, người có công được quan tâm, đã hỗ trợ 183 căn nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo khó khăn về nhà ở; công tác giảm nghèo. Công tác an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; công tác cải cách tư pháp, nội chính, phòng chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được quan tâm thực hiện tốt; công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị tiếp tục được tăng cường và đạt nhiều kết quả quan trọng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong 6 tháng đầu năm vẫn còn những khó khăn, hạn chế cần khắc phục như: Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh còn ở mức thấp; môi trường đầu tư chưa thực sự thông thoáng, thuận lợi; chất lượng thu hút đầu tư chưa cao; tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn ngân sách nhà nước còn thấp chưa đạt kịch bản đề ra; cơ sở hạ tầng, giao thông còn nhiều khó khăn; một bộ phận cán bộ thực thi công vụ còn có tâm lý tránh né, sợ trách nhiệm.
Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, linh hoạt trong điều hành
Để hoàn thành các mục tiêu đề ra, UBND tỉnh sẽ tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, linh hoạt trong điều hành; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, thực hiện quyết liệt các giải pháp cải cách hành chính, rút ngắn tối đa thời gian thực hiện, nhất là đối với các thủ tục liên quan đến đất đai, đầu tư, xây dựng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân. Tăng cường quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nhất là lĩnh vực về đất đai, khoáng sản, bảo vệ môi trường. Tăng cường sâu sát cơ sở, kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn cho cơ sở trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ theo chỉ đạo của Tỉnh ủy. Nâng cao tính năng động, linh hoạt, chủ động trong thực hiện nhiệm vụ. Hoàn thành và công bố, tổ chức thực hiện Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trên cơ sở rà soát kịch bản tăng trưởng kinh tế đã được phê duyệt, xem xét điều chỉnh cho phù hợp để chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện; thường xuyên rà soát, đánh giá kết quả thực hiện đối với các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, nhất là các chỉ tiêu, nhiệm vụ 6 tháng đầu năm đạt thấp, có giải pháp linh hoạt, kịp thời điều chỉnh, bổ sung đối với các lĩnh vực, sản phẩm còn có dư địa phát triển để khai thác, bảo đảm hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch quý III, quý IV và cả năm 2023 đề ra; tránh tình trạng dồn sức ép tăng trưởng vào những tháng cuối năm. Đồng thời, tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết, đề án, chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025; tiến độ giải ngân các nguồn vốn đầu tư; hoàn thiện các thủ tục pháp lý sớm khởi công mới các dự án theo kế hoạch năm 2023.