21 văn bản có nội dung chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn
Báo cáo về kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh - Phó Trưởng Đoàn giám sát nêu rõ, việc thể chế hóa chủ trương của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông đã được Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành nghiêm túc thực hiện. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện đã được ban hành tương đối toàn diện, bao quát những vấn đề cốt lõi, cần thiết nhất theo yêu cầu đổi mới. Nhìn chung, các văn bản được ban hành kịp thời, đúng tiến độ, phù hợp thẩm quyền…
Tuy nhiên, Báo cáo kết quả giám sát cũng chỉ rõ, vẫn còn tình trạng ban hành văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện chưa bảo đảm yêu cầu về tiến độ và chất lượng, chưa phù hợp với quy định và yêu cầu của thực tiễn. Qua rà soát, còn 12 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện chưa bảo đảm tiến độ; 18 nội dung được giao hướng dẫn nhưng chưa ban hành văn bản; 21 văn bản có nội dung chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn; 2 văn bản chưa phù hợp với nội dung của văn bản cấp trên; 7 văn bản chưa phù hợp về thể thức.
Công tác tuyên truyền, quán triệt về việc đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông trong giai đoạn đầu chưa đồng bộ, kịp thời, hiệu quả; có nội dung chưa tạo được sự đồng thuận của một bộ phận chuyên gia, nhà giáo, phụ huynh học sinh và xã hội. Công tác thanh tra, kiểm tra chưa được tiến hành thường xuyên, phạm vi còn hạn chế, chưa bao quát, toàn diện, hiệu quả chưa cao, nhiều sai phạm chưa được phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh.
Nội dung kiến thức một số môn học, bài học chưa thực sự được tinh giản
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho biết thêm, Đoàn giám sát nhận thấy, Chương trình giáo dục phổ thông mới đã thay đổi từ truyền thụ kiến thức sang định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; xác định rõ 5 phẩm chất và 10 năng lực chủ yếu, cốt lõi cần phát triển đối với học sinh phổ thông; đổi mới đồng bộ về nội dung, phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được xây dựng thành hai giai đoạn: Giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12). Hệ thống môn học được thiết kế theo hướng bảo đảm cân đối các nội dung giáo dục, phù hợp với từng cấp học, lớp học; tổ chức, sắp xếp lại một số môn học theo hướng tích hợp ở các lớp học dưới, phân hóa dần ở các lớp học trên; khắc phục sự chồng lấn giữa các môn; bảo đảm kết nối giữa các lớp học, cấp học, giữa các chương trình môn học. Nội dung các môn học được xây dựng theo hướng giảm tải, tăng cường thực hành, gắn với thực tiễn đời sống.
Chương trình giáo dục phổ thông mới đã được triển khai trên phạm vi cả nước từ năm học 2020-2021 theo đúng lộ trình quy định tại Nghị quyết số 51/2017/QH14.
Tuy nhiên, Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và các chương trình môn học ban hành chậm so với yêu cầu (30 tháng) và chưa đầy đủ chương trình các môn học. Bộ máy chỉ đạo, tổ chức triển khai xây dựng, thẩm định chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới chưa hợp lý về cơ cấu, thành phần, số lượng, phải thay đổi nhiều lần. Việc thực nghiệm, đánh giá tác động đối với những nội dung mới của Chương trình được thực hiện trong thời gian ngắn, phạm vi hẹp.
Quy định về môn học lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông mới gây bức xúc trong Nhân dân và các chuyên gia, nhà khoa học; Quốc hội Khóa XIII và khóa XV đã phải thảo luận, hai lần ra nghị quyết, yêu cầu “tiếp tục giữ môn học Lịch sử trong chương trình, sách giáo khoa mới” (năm 2015) và “nghiên cứu ý kiến cử tri, Nhân dân và đại biểu Quốc hội, thiết kế môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục cấp trung học phổ thông, bao gồm cả phần bắt buộc và phần lựa chọn một cách hợp lý, khoa học, đảm bảo hiệu quả cao nhất trong việc giáo dục truyền thống và phát triển nhân cách cho học sinh” (năm 2022). Nội dung kiến thức của một số môn học, bài học chưa thực sự được tinh giản, vẫn gây áp lực đối với học sinh. Việc thiết kế nội dung tích hợp ở các môn học cấp trung học cơ sở chưa hợp lý, vẫn chủ yếu là tập hợp kiến thức của các môn học, bộc lộ một số bất cập trong bố trí giáo viên giảng dạy, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập; ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục và mục tiêu phân luồng sau trung học cơ sở.
Chủ trương triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đồng thời ở ba cấp học dẫn tới thời gian chuẩn bị ngắn, công tác bảo đảm các điều kiện về giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị gặp nhiều khó khăn, lúng túng. Việc tổ chức các môn học mới (Mỹ thuật, Âm nhạc,…), hoạt động giáo dục chưa đáp ứng đầy đủ mục tiêu, yêu cầu đặt ra. Việc xây dựng các tổ hợp môn học tại cấp trung học phổ thông còn bất cập, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu định hướng nghề nghiệp và nhu cầu của học sinh.
Năm học 2021-2022, cả nước có 16.265 giáo viên nghỉ việc, chuyển việc
Về bảo đảm đội ngũ giáo viên, Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ và các địa phương đã chủ động chuẩn bị đội ngũ nhà giáo; đề xuất nhiều giải pháp để bổ sung biên chế giáo viên; sửa đổi, hoàn thiện cơ chế tuyển dụng lao động để giải quyết khó khăn về thiếu giáo viên; chủ động, tích cực đào tạo, bồi dưỡng tập huấn đội ngũ giáo viên, nâng chuẩn trình độ đào tạo của nhà giáo theo lộ trình . Đến cuối năm học 2021 - 2022, tổng số giáo viên phổ thông trong cả nước là 857.993 người (tăng 6.199 người so với đầu năm học 2018-2019). Trong giai đoạn 2022 - 2026, Bộ Chính trị đã đồng ý bổ sung 65.980 biên chế giáo viên; trong đó, bổ sung ngay 14.835 giáo viên phổ thông trong năm học 2022-2023. Đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đã được bồi dưỡng, tập huấn theo đúng kế hoạch. Trong giai đoạn 2016-2022 đã có 30.127 giáo viên cốt cán (1 giáo viên cốt cán/trường; đạt 105.3% so với mục tiêu đề ra) và 3.815 cán bộ quản lý cơ sở giáo dục cốt cán (đạt 106% so với mục tiêu đề ra) hoàn thành chương trình bồi dưỡng thường xuyên; 319.158 giáo viên và 22.869 cán bộ quản lý cơ sở giáo dục hoàn thành chương trình bồi dưỡng đại trà.
Tuy nhiên, tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ và thiếu giáo viên dạy các môn học mới diễn ra phổ biến. Cả nước còn thiếu 62.877 giáo viên phổ thông; thừa cục bộ 5.091 giáo viên. Từ nay đến năm học 2024 - 2025, cấp tiểu học thiếu 6.621 giáo viên tin học và 5.780 giáo viên ngoại ngữ; cấp trung học cơ sở thiếu 6.631 giáo viên môn Lịch sử và Địa lý, thừa cục bộ 375 giáo viên; thiếu 2.366 giáo viên môn Khoa học tự nhiên, thừa cục bộ 4.627 giáo viên; thiếu 4.321 giáo viên môn Nghệ thuật, thừa cục bộ 885 giáo viên.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục thẳng thắn, cơ cấu đội ngũ giáo viên chưa cân đối giữa các môn học trong cùng một cấp học, giữa các vùng miền; chưa đồng bộ giữa cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông, nhất là đối với một số môn học mới. Chất lượng giáo viên không đồng đều. Công tác tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên cốt cán, giáo viên đại trà để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có biểu hiện hình thức, thời gian tổ chức ngắn, hiệu quả chưa cao; chất lượng tập huấn trực tuyến không cao. Việc tuyển dụng giáo viên phổ thông gặp khó khăn, vướng mắc, nhất là giáo viên âm nhạc, nghệ thuật đạt chuẩn. Năm học 2021-2022, cả nước có 16.265 giáo viên nghỉ việc, chuyển việc ra khỏi ngành giáo dục…
Xử lý dứt điểm tình trạng chậm ban hành, chưa ban hành văn bản
Từ kết quả giám sát, Đoàn giám sát đã đề xuất 3 nhóm giải pháp: Nhóm giải pháp về hoàn thiện thể chế, chính sách; Nhóm giải pháp về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông; Nhóm giải pháp về tăng cường các điều kiện bảo đảm triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Đoàn giám sát cũng kiến nghị Quốc hội nghiên cứu bổ sung, sửa đổi Luật Giáo dục; xây dựng Luật điều chỉnh về Nhà giáo; bổ sung, sửa đổi pháp luật liên quan (như Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, các luật về thuế…).
Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố tiếp tục tăng cường giám sát việc triển khai thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông; giám sát việc triển khai thực hiện nhiệm vụ về giáo dục trong các chương trình mục tiêu quốc gia; giám sát việc bảo đảm cơ sở vật chất trường, lớp được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn của các địa phương; giám sát văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực giáo dục và việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, trong đó giám sát các văn bản cụ thể đã được phản ánh về việc có nội dung không phù hợp với thực tiễn. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn giám sát việc thực hiện các nội dung này…
Đoàn giám sát đề nghị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan, tổ chức có liên quan, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh triển khai thực hiện các giải pháp, kiến nghị nêu trong Báo cáo số 584/BC-ĐGS ngày 11.8.2023 của Đoàn giám sát, đồng thời: Ban hành Chỉ thị về việc tiếp tục đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông; Khẩn trương ban hành các chiến lược, quy hoạch thời kỳ 2021-2030 về phát triển giáo dục, đào tạo và các quy hoạch khác có liên quan. Xem xét trách nhiệm, xử lý dứt điểm tình trạng chậm ban hành, chưa ban hành văn bản, tham mưu ban hành văn bản có nội dung chưa phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn, vướng mắc cho cơ sở trong triển khai thực hiện. Chỉ đạo thanh tra công tác in, phát hành sách giáo khoa của các nhà xuất bản, nhất là việc xác định, sử dụng chi phí phát hành (chiết khấu) sách giáo khoa.