Dự cuộc tiếp xúc về phía Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang có: Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang Lê Thị Thanh Lam; Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Minh Nam; Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang Nguyễn Văn Quân.
Về phía tỉnh Hậu Giang có: Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Văn Thanh; Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Trần Văn Chính cùng đại diện Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực HĐND; lãnh đạo UBND tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành tỉnh và lãnh đạo các thành phố, huyện, thị xã...
Tại cuộc tiếp xúc, thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang, Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang Lê Thị Thanh Lam đã báo cáo với cử tri những kết quả nổi bật của Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XV.
Theo đó, sau 29,5 ngày làm việc, với tinh thần đổi mới, đoàn kết, dân chủ, trí tuệ, chủ động, khẩn trương và trách nhiệm cao, Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình Kỳ họp thứ Tám, xem xét 51 nội dung, nhóm nội dung, bao gồm: 33 nội dung thuộc công tác lập pháp, 18 nhóm nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác; đồng thời, có 12 nhóm nội dung được các cơ quan gửi báo cáo để đại biểu Quốc hội nghiên cứu.
Đặc biệt Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự phiên khai mạc và có bài phát biểu quan trọng tại Kỳ họp thứ Tám trên cương vị người đứng đầu của Đảng ta.
Sau khi xem xét kỹ lưỡng, Quốc hội đã thông qua 18 luật, 21 nghị quyết với tỷ lệ tán thành cao và cho ý kiến lần đầu đối với 10 dự án luật khác. Đặc biệt, Kỳ họp đánh dấu sự đổi mới sâu sắc về tư duy và phương thức tiến hành công tác lập pháp như: các luật ngắn gọn, rõ ràng, chỉ quy định vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội; tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách hành chính; chuyển mạnh từ luật thiên về quản lý sang kết hợp hài hòa giữa quản lý có hiệu quả với kiến tạo phát triển, khuyến khích đổi mới sáng tạo, kiên quyết từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”; không luật hóa các nội dung thông tư, nghị định; đối với những vấn đề cụ thể còn đang trong quá trình vận động, chưa ổn định thì luật chỉ quy định khung và giao cho Chính phủ quy định chi tiết, đảm bảo linh hoạt trong điều hành, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Cùng với đó, Quốc hội đã quyết định nhiều vấn đề quan trọng, tạo đột phá để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát huy tối đa nguồn lực, kiến tạo không gian phát triển mới. Trong đó, có nhiều quyết sách mang tính lịch sử như: chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; chủ trương khởi động lại việc đầu tư dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận; thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương. Đặc biệt, Chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam là minh chứng cho tư duy đổi mới trong phát triển hạ tầng quốc gia.
Nhiều cơ chế, chính sách để giải quyết kịp thời các vấn đề quốc kế dân sinh, hỗ trợ, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm Y tế quy định từng bước liên thông, thông tuyến trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035, Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030… Quốc hội đã cho phép sử dụng nguồn cắt giảm, tiết kiệm 5% chi thường xuyên năm 2024 của ngân sách trung ương, ngân sách địa phương để hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Quốc hội cũng đã xem xét, quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”; xem xét báo cáo về tổng hợp kiến nghị của cử tri và Nhân dân, báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, báo cáo kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, cùng một số nội dung quan trọng khác.
Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang Lê Thị Thanh Lam cũng cho biết, tại Kỳ họp thứ Tám, các đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang đã chấp hành tốt Nội quy Kỳ họp; tham gia đầy đủ các hoạt động tại Kỳ họp.
Từng đại biểu Quốc hội trong Đoàn đều tập trung nghiên cứu; tích cực tham gia ý kiến đóng góp, thể hiện chính kiến của mình với tinh thần trách nhiệm cao, góp phần hoàn chỉnh các dự án luật, nghị quyết và những chủ trương lớn, quan trọng về kinh tế - xã hội của đất nước được thông qua và cho ý kiến tại Kỳ họp.
Cụ thể, đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang đã tích cực tham gia 38 lượt ý kiến phát biểu đóng góp (trong đó có 5 lượt ý kiến thảo luận tại Đoàn; 26 lượt ý kiến thảo luận Tổ; 7 lượt ý kiến thảo luận tại hội trường) và gửi 2 ý kiến chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Y tế và Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam. Cùng với đó, các đại biểu Quốc hội tỉnh đã tham gia các phiên họp tại các Ủy ban mà đại biểu là thành viên.
"Nhìn chung, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang luôn thể hiện tinh thần dân chủ, khách quan trong việc thảo luận và quyết định vấn đề về công tác nhân sự theo thẩm quyền của Quốc hội", Phó trưởng Đoàn phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang Lê Thị Thanh Lam nhấn mạnh.
Đại diện Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang cũng đã thông tin cụ thể về kết quả trả lời, giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri trong tỉnh sau Kỳ họp thứ Bảy và trước Kỳ họp thứ Tám.
Cụ thể, sau Kỳ họp thứ Bảy và trước Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XV, Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang phối hợp Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri với tổng số 2.480 cử tri tham dự, có 79 lượt cử tri phát biểu và ghi nhận được 164 ý kiến, kiến nghị. Trong đó, có 12 nội dung liên quan đến Trung ương đã được Đoàn đại biểu Quốc hội tổng hợp gửi các Bộ, ngành Trung ương xem xét trả lời với cử tri; các ý kiến còn lại thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương đều được trả lời tại hội nghị tiếp xúc cử tri. Đến nay, Đoàn đại biểu Quốc hội đã nhận được 4 văn bản trả lời ý kiến cử tri của Bộ ngành Trung ương (trả lời 4/4 kiến nghị cử tri, đạt 100%).
Đại diện Đoàn ĐBQH tỉnh cũng đã thông tin cụ thể về kết quả trả lời, giải quyết ý kiến, kiến nghị cử tri của tỉnh, các cơ quan liên quan và chính quyền các cấp.
* Báo Đại biểu Nhân dân tiếp tục thông tin về cuộc tiếp xúc cử tri...