Tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng nay, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến của các cơ quan của Quốc hội, Ban Dân nguyện về việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết năm 2023.
Theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, các báo cáo của Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đã cơ bản bám sát các nội dung trong nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đã khái quát được những kết quả, thành tựu, chỉ ra một số hạn chế, bất cập và nguyên nhân; đồng thời, xác định rõ các giải pháp tiếp tục thực hiện trong thời gian tới.
"Tuy nhiên, báo cáo của một số cơ quan gửi còn chậm so với yêu cầu; ở một số lĩnh vực, nội dung trong báo cáo chủ yếu liệt kê các công việc đã triển khai, chưa có đánh giá, phân tích, so sánh về hiệu quả, cũng như chưa thực sự chuyển biến rõ nét trong triển khai các yêu cầu, giải pháp đã được nêu trong nghị quyết; chưa nêu rõ được những nhiệm vụ đã hoàn thành, những nhiệm vụ chưa hoàn thành, những nhiệm vụ đang trong quá trình triển khai thực hiện. Ngoài ra, một số tồn tại, hạn chế, nhiệm vụ, giải pháp nêu trong báo cáo còn chung chung, thiếu cụ thể", Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nêu rõ.
Nguồn cung xăng, dầu được bảo đảm
Nêu các kết quả cụ thể đạt được trong thực hiện 6 nghị quyết về giám sát chuyên đề và chất vất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, trong lĩnh vực công thương: nhiều đề án về bảo đảm an toàn, an ninh năng lượng được phê duyệt. Giá xăng dầu trong nước đã cơ bản bám sát giá thế giới; nguồn cung xăng, dầu cơ bản được bảo đảm. Đã tăng cường việc kiểm tra, kiểm soát đối với hàng hóa nhập khẩu; chống nhập lậu, hàng giả, gian lận thương mại, hàng kém chất lượng.
Hệ thống cơ sở dữ liệu trên Cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử được xây dựng. Thực hiện hiệu quả việc cung cấp thông tin về thị trường, ngành hàng, đặc biệt là các thị trường xuất khẩu quan trọng và một số thị trường mới. Các hoạt động xúc tiến thương mại hỗ trợ doanh nghiệp được triển khai; thực hiện hiệu quả các Hiệp định Thương mại tự do, đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu.
Trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn: hiện đã phê duyệt Chương trình quốc gia bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản đến năm 2030 và Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thuỷ sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Các rào cản kỹ thuật về an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm được tập trung giải quyết để mở rộng thị trường tiêu thụ nông, lâm, thủy sản trong và ngoài nước. Hoạt động tái tạo nguồn lợi thủy sản tiếp tục được các địa phương quan tâm triển khai.
Việc tổng rà soát tàu cá và cập nhật cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia được thực hiện. Kế hoạch sản xuất lúa được điều chỉnh hợp lý, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và đáp ứng nhu cầu xuất khẩu tăng cao. Việc chuyển đổi đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp được kiểm soát chặt chẽ.
Trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch: việc thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị, Luật Du lịch, các chiến lược, chương trình, đề án của Chính phủ về phát triển du lịch được tích cực triển khai; đã ban hành Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Giai đoạn 2022 - 2024, ngành du lịch tăng trưởng liên tục; cơ bản phục hồi so với trước khi xảy ra dịch Covid - 19.
Việc thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển văn hóa tiếp tục được quan tâm. Các chương trình, đề án lớn về văn hóa được xây dựng và tổ chức, thực hiện, bước đầu tạo sự chuyển biến tích cực trong đời sống văn hóa của người dân.
Tổ chức bộ máy và công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực văn hóa từng bước được kiện toàn và nâng cao. Công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa đạt kết quả tích cực.
Cơ bản hoàn thành sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2019 - 2021
Trong lĩnh vực nội vụ: việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021 đã cơ bản hoàn thành. Đến hết năm 2021, 45 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã hoàn thành việc kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan đảng cấp huyện, cấp xã cho nhiệm kỳ 2020 - 2025 và kiện toàn tổ chức HĐND và UBND cấp huyện, cấp xã nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư sau sắp xếp đơn vị hành chính đã được giải quyết. Các đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp đã thực hiện việc rà soát, công nhận áp dụng các chính sách đặc thù theo quy định.
Đối với việc tổ chức thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 đang triển khai, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, “bước đầu đã đạt những kết quả tích cực; các khó khăn, vướng mắc của địa phương trong thực hiện công tác này đã được kịp thời giải quyết hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết”.
Đối với lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Bộ Tư pháp: hiện đã hoàn thành việc rà soát đối với 109/125 nhiệm vụ lập pháp theo Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 bảo đảm tiến độ, chất lượng; trình Quốc hội thông qua 41/43 luật và nhiều nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật.
Kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật đã được chú trọng và siết chặt; quy trình soạn thảo, cho ý kiến được hoàn thiện và tổ chức thực hiện ngày càng nề nếp, bảo đảm chất lượng, tiến độ. Việc ban hành văn bản quy định chi tiết được quan tâm, đạt kết quả tích cực…
Việc thi hành án hành chính tăng; tỷ lệ thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng tăng cao.
Cơ bản đạt và vượt chỉ tiêu Quốc hội giao
Trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội: chính sách, pháp luật về bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội được hoàn thiện. Bộ máy, cán bộ làm công tác pháp chế được rà soát, củng cố, kiện toàn theo hướng tinh, gọn, mạnh.
Hầu hết các chỉ tiêu được Quốc hội giao trong Nghị quyết số 96/2019/QH14 của Quốc hội về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác của Viện Kiểm sát Nhân dân, của Tòa án Nhân dân và công tác thi hành án đều đạt ở mức hoàn thành trở lên.
Công tác phòng, chống tội phạm về trật tự xã hội được tăng cường. Công tác phòng, chống tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu, ma túy, môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, sử dụng mạng viễn thông, công nghệ cao tiếp tục được chú trọng và đạt nhiều kết quả.
Việc tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo tội phạm, kiến nghị khởi tố được quan tâm. Công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đạt một số kết quả quan trọng. Công tác phòng cháy, chữa cháy tiếp tục được chú trọng; một số khó khăn, vướng mắc trong phòng cháy, chữa cháy và xuất cảnh, nhập cảnh được rà soát, tháo gỡ.
"Đã hoàn thành việc cập nhật Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu với các cơ sở dữ liệu khác, góp phần cải cách thủ tục hành chính và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước ở một số lĩnh vực”, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nêu rõ.
Trong lĩnh vực thanh tra: công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đã được các cấp, các ngành quan tâm hơn và có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là việc tiếp công dân của Thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước.
Hoạt động thanh tra công vụ về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo có nhiều chuyển biến tích cực. Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo đã được xây dựng, cơ bản đáp ứng yêu cầu kết nối dữ liệu về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo…
Trong lĩnh vực tòa án: chất lượng xét xử các vụ án tiếp tục được nâng cao. Việc xét xử các vụ án, ra các quyết định thi hành án hình sự, hoãn, tạm đình chỉ, giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật.
Các vụ án tham nhũng, kinh tế, vụ án được dư luận xã hội quan tâm đều được đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh. Tòa án đã triển khai nhiều biện pháp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất việc để quá thời hạn giải quyết các vụ việc dân sự, vụ án hành chính.
Việc tổ chức phiên tòa trực tuyến được triển khai hiệu quả. Tiến độ giải quyết việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan và xử lý người thi hành công vụ làm oan người vô tội được đẩy nhanh.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ, công chức Tòa án được quan tâm; nhiều biện pháp thu hút chuyên gia, nhân tài về làm việc tại các đơn vị của Tòa án được thực hiện. Công tác đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thực thi công vụ, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của Tòa án được đẩy mạnh.
Đối với lĩnh vực kiểm sát, việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn, nhất là biện pháp tạm giữ, tạm giam cơ bản chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật. Tỷ lệ vụ án Viện Kiểm sát truy tố đúng thời hạn, tỷ lệ bị can bị truy tố đúng tội danh, tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm các vụ án dân sự, tỷ lệ kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm các vụ án hành chính được Tòa án chấp nhận đều vượt chỉ tiêu của Nghị quyết số 96/2019/QH14 của Quốc hội.
Báo cáo cũng nêu rõ những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn theo từng lĩnh vực.