Tuy nhiên, như lưu ý của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, trong bối cảnh hiện nay ngành nông nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mới. Bên cạnh đó, ngành cũng cần tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả, đồng bộ Nghị quyết số 19-NQ/TW của Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng như Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.
Vì vậy, “việc tiếp tục chất vấn đối với lĩnh vực này là hết sức cần thiết với kỳ vọng sẽ có nhiều giải pháp hữu hiệu để giải quyết những khó khăn và tạo sự phát triển bứt phá cho ngành nông nghiệp thời gian tới”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
“Chúng ta có thể làm khác đi và thật sự đã khác”
Thực tế, ba nội dung trong nhóm vấn đề đưa ra chất vấn Bộ trưởng Bộ NN và PTNT tại phiên họp chiều nay của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là những vấn đề thực tiễn đang bức xúc, cuộc sống đang đòi hỏi phải có giải pháp khắc phục cho trước mắt cũng như lâu dài, trong đó có không ít vấn đề thuộc diện “biết rồi, khổ lắm...”.
Chất lượng, ngắn gọn, đi thẳng vào thực tế đời sống và nguyện vọng của cử tri, tất cả câu hỏi mà 26 đại biểu chất vấn, 3 đại biểu tranh luận với “tư lệnh ngành” nông nghiệp cùng một số câu hỏi có liên quan đến một số bộ, ngành khác chiều nay đều tập trung xoáy sâu vào 3 nội dung được lựa chọn đưa ra chất vấn lần này: Giải pháp nào tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu nông sản trong bối cảnh thị trường đầu ra bị thu hẹp, nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng, một số mặt hàng nông sản chủ lực bị rớt giá, thu nhập, đời sống của người nông dân bị ảnh hưởng...? Hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; giải pháp tháo gỡ “Thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) đối với thủy sản? Việc chuyển đổi mục đích sử dụng, thu hồi diện tích đất trồng lúa, bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu gạo?
Trong những vấn đề đó, thì một tồn tại từ lâu của ngành nông nghiệp được ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) một lần nữa nêu ra tại phiên chất vấn, đó là: Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu trên thế giới, nhưng người nông dân sản xuất ra lúa gạo vẫn có cuộc sống nghèo, thậm chí rất nghèo, nghĩa là cây lúa không mang lại lợi nhuận đáng kể cho người sản xuất. Đâu là nguyên nhân của nghịch lý này? Những giải pháp trước mắt và lâu dài của Bộ NN và PTNT để cải thiện tình trạng này như thế nào? Câu hỏi này đồng thời cũng gửi đến Bộ trưởng Bộ Công thương - đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nói.
Nhắc lại nội dung đã từng phát biểu trước Quốc hội, Bộ trưởng Lê Minh Hoan một lần nữa xác quyết: Theo niên giám thống kê và khảo sát, thì nông nghiệp là ngành thu nhập thấp nhất trong các ngành kinh tế; và trong nông nghiệp, thì người trồng lúa là thu nhập thấp nhất - “đó là điều chúng ta không nói khác đi được”.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, “chúng ta có thể làm khác đi và thật sự đã khác”. Bằng chứng là trong bối cảnh hiện nay, giá gạo tăng hàng ngày và hàng ngày Bộ trưởng đều nhận tin từ những người nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long rằng, đây là “thời cơ cải thiện thu nhập rất lớn”.
Khẳng định “làm sao để cải thiện được thu nhập của nông dân trồng lúa” đã “ám ảnh” Bộ trưởng từ khi nhận được tin nhắn của một nông dân gửi từ đầu nhiệm kỳ, đó là “nếu giá lúa cao và thu nhập chúng tôi ổn định thì người nông dân miền Tây chúng tôi sẵn sàng đem mùng ra ngoài đồng để giữ lúa cho Nhà nước để bảo đảm an ninh lương thực; và nếu giá lúa thấp thì chúng tôi sẽ bỏ ruộng - lúc đó mới chính là vấn đề mất an ninh lương thực”, song Bộ trưởng cũng thẳng thắn: Cải thiện thu nhập không phải chỉ “đo bằng giá”; vì, nếu chỉ đo bằng giá thì “chưa tính hết bài toán kinh tế”. Khảo sát của Bộ thời gian vừa qua cho thấy, “hiện đã giảm được khoảng 20 - 25% chi phí đầu vào do ứng dụng quy trình canh tác “3 tăng, 3 giảm” - tiết kiệm nước, tiết kiệm giống, tiết kiệm phân, tổng hợp lại giảm được bao nhiêu nghĩa là tăng thu nhập lên bấy nhiêu - đây là bài toán trừ”. Bài toán kinh tế là cả hai đầu: đầu giảm và đầu tăng. Về đầu tăng, trong thời điểm này có lẽ chúng ta đang lo ngại giá sẽ tăng hơn nữa và sẽ làm rối ngành hàng, dẫn tới thiếu bền vững, Bộ trưởng nói.
Cũng theo Bộ trưởng, nếu nghĩ rằng “người nông dân trồng cái gì thì chỉ hưởng thu nhập của sản phẩm đó là chưa đúng tinh thần của Nghị quyết 19-NQ/TW, mà vấn đề là phải chuyển từ “tăng trưởng đơn giá trị” sang “tăng trưởng tích hợp đa giá trị”, tức là phải tạo ra nhiều ngành nghề khác, ví dụ không gian lúa có thể tạo ra những không gian cho những ngành nghề khác.
Đề cập đến việc “phải có tư duy hạt lúa trong nền kinh tế tuần hoàn và tăng trưởng xanh”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, Bộ NN và PTNT đang làm Đề án 1 triệu hecta lúa đồng bằng sông Cửu Long chất lượng cao, phát thải thấp. Đây là lần đầu tiên chúng ta đưa lúa gạo vào diện ngành hàng thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí metan. Theo đó, người trồng lúa có thể lấy rơm, rạ làm nấm, hoặc làm rất nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ, và “thật sự bà con đã làm được rồi nhưng tất nhiên còn nhỏ, lẻ”. Vấn đề bây giờ là “phải trở thành một nền kinh tế nông thôn, khi đó người trồng lúa sẽ còn nhiều hoạt động trên mảnh đất của mình thì việc cải thiện thu nhập sẽ dễ hơn”.
Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, nhưng người làm ra hạt gạo thu nhập chưa tương xứng, còn nghèo, thậm chí “rất nghèo” chỉ là một trong những ví dụ được đại biểu tiếp tục nêu ra tại phiên chất vấn để chuyển tải những yêu cầu, đòi hỏi mà cử tri và Nhân dân đã “gói ghém” từ lâu về sự phát triển, thậm chí là kỳ vọng “cất cánh” của một ngành được xác định là “trụ đỡ” của nền kinh tế.
Mục tiêu cuối cùng là giữ gìn trữ lượng, tính đa dạng sinh học...
Nóng bỏng và thời sự hơn, trong phiên chất vấn chiều nay, một vấn đề được nhiều đại biểu tập trung chất vấn liên quan đến giải pháp cấp bách và căn cơ nào để tháo gỡ “thẻ vàng” của EC với thủy sản Việt Nam khi mà thời điểm đợt thanh tra thứ 4 của EC đang tới rất gần (dự kiến là tháng 10.2023)?
Qua 3 lần kiểm tra, đánh giá, mặc dù EC đã ghi nhận, đánh giá cao Việt Nam trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ, quyết liệt chống khai thác IUU và đã có những chuyển biến tích cực trên thực tế. Nhưng đến nay, đã gần 6 năm kể từ khi EC áp “thẻ vàng” đến nay chúng ta vẫn chưa gỡ được, trong khi Philippines chỉ mất 9 tháng và Thái Lan mất 3 năm... Trong báo cáo của Bộ NN và PTNT cũng xác định 5 giải pháp để tháo gỡ “thẻ vàng”. “Những giải pháp đó đã đầy đủ, đồng bộ, triệt để chưa và Việt Nam có thể đạt được mục tiêu gỡ “thẻ vàng” trong lần đánh giá thứ 4 của EC sắp tới hay không - ĐBQH Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình) chất vấn.
Nhấn mạnh chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đó là việc gỡ “thẻ vàng” IUU của EC không phải là mục tiêu duy nhất mà mục tiêu cuối cùng là giữ gìn trữ lượng và tính đa dạng sinh học trên đại dương và vùng biển của chúng ta... Và nếu so sánh với Philippines và Thái Lan, Bộ trưởng cũng phân tích rõ, cấu trúc ngành hàng của họ bền chặt hơn chúng ta - từ ngư dân tới doanh nghiệp đều đã xây dựng hệ sinh thái ngành hàng, và biện pháp xử lý cũng rất mạnh, họ “đánh đắm luôn những tàu vi phạm giữa biển khơi chứ không phải phạt như chúng ta”. Như khẳng định của Liên minh châu Âu là họ ghi nhận và hoàn toàn tin tưởng quyết tâm chính trị, thể chế, pháp luật của Việt Nam, nhưng “họ không tin tưởng vào công tác thực thi ở địa phương”. Đây là một khó khăn. Cho nên, “chúng ta phải phối hợp hành động của cả hệ thống, bởi cấu trúc ngành hàng chúng ta như thế...”, Bộ trưởng chia sẻ.
Cầu thị và trách nhiệm, ngay trong phát biểu mở đầu, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã khẳng định: Phiên chất vấn hôm nay không chỉ dừng lại ở câu hỏi và trả lời chất vấn, giải trình mà là trách nhiệm, là động lực để Bộ NN và PTNT lắng nghe, ghi nhận, phát hiện thêm những vấn đề đã tồn tại từ lâu và cả những vấn đề mới phát sinh từ thực tiễn.
Tinh thần này được Bộ trưởng duy trì xuyên suốt trong gần 3 giờ đồng hồ trả lời các chất vấn của đại biểu. Bộ trưởng thẳng thắn “nhận khuyết điểm hơi chậm” trước vấn đề ĐBQH Nguyễn Văn Huy (Thái Bình) nêu liên quan đến việc Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 208-QĐ/TTg phê duyệt Đề án chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái từ ngày 10.3.2023; Bộ NN và PTNT cũng đã có kế hoạch triển khai thực hiện Đề án này; nhưng đến nay “những chính sách vẫn chưa rõ ràng”, “chưa trở thành một cú huých” để hướng tới mục tiêu giảm khai thác, tăng nuôi trồng. Và giải pháp thúc đẩy, theo Bộ trưởng là, “sẽ xem xét, cùng đối thoại với các địa phương, với các ngư dân trong diện tự nguyện chuyển đổi hoặc trong diện không cho khai thác do cường lực cao, xâm phạm tới tài nguyên biển”.
Tương tự, trước thực tế liên quan đến thủ tục hành chính để được giao, cho thuê mặt nước phát triển nuôi trồng biển - một trong những giải pháp tích cực, đồng bộ để tháo gỡ “thẻ vàng” của EC - còn nhiêu khê, kéo dài (mất khoảng 2 tháng để lấy ý kiến đủ 4 bộ, ngành trong khi quy định chỉ là 15 ngày), đang làm nản lòng các nhà đầu tư mà ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hà (Quảng Ninh) nêu ra, Bộ trưởng “cam kết” và “xin hứa”: Sẽ xem lại toàn bộ vấn đề này để cải cách thủ tục hành chính như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để đơn giản hóa thủ tục theo hướng bảo đảm “linh hoạt cho các địa phương và giúp các địa phương đáp ứng được những điều kiện”.
Hoàn toàn có thể thấu cảm với những khó khăn, thách thức không dễ giải quyết trong ngày một, ngày hai của ngành nông nghiệp. Dẫu vậy, như chia sẻ của Bộ trưởng về vấn đề gỡ “thẻ vàng” của EC, đó là EC “cần chúng ta hành động để chứng minh được chúng ta có mức độ kiên quyết hơn” (với việc xử lý những vi phạm), thì để khắc phục được những tồn tại cũ hay vướng mắc mới phát sinh của ngành, cử tri và Nhân dân cũng như các đại biểu Quốc hội đang chờ đợi những hành động mạnh mẽ cùng các giải pháp căn cơ, đồng bộ hơn nữa của Bộ và Bộ trưởng.
Như mong mỏi và kỳ vọng của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong phát biểu kết luận phiên chất vấn, đó là: Ngành nông nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục là bệ đỡ vững chắc của nền kinh tế, tạo cơ sở, tiền đề quan trọng để hướng tới nền nông nghiệp hiện đại, hội nhập quốc tế và thích ứng với biến đổi khí hậu.