Nhìn từ Việt Thành
Thời gian tới, Trấn Yên sẽ tạo điều kiện về thủ tục hành chính, đất đai, nhân công để thu hút các doanh nghiệp chế biến tơ, dệt lụa… Từ đó, nâng cao giá trị các sản phẩm dâu tằm của địa phương. Đồng thời, tiếp tục phấn đấu mở rộng sản xuất trồng dâu, nuôi tằm đến năm 2025 lên 1.200ha; duy trì việc liên kết các tổ sản xuất, nhóm hộ và thực hiện các biện pháp kỹ thuật theo đúng quy trình để bảo đảm sản xuất hiệu quả.
Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên TRẦN ĐÔNG
Đến xã Việt Thành, Trấn Yên những ngày này, chúng tôi cảm nhận rõ đổi thay từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tận dụng những lợi thế sẵn có. Nếu như trước kia, dọc tuyến đường nội đồng bên bờ sông Hồng là những ruộng lúa, nương ngô thì giờ đây là màu xanh bạt ngàn của cánh đồng dâu, với diện tích gần 200ha. Người dân nơi đây đã coi việc trồng dâu, nuôi tằm là nghề truyền thống, giúp xóa đói giảm nghèo, hàng trăm hộ đã vươn lên làm giàu.
Đang tất bật chăm sóc vườn dâu, ông Lưu Văn Tiến vui mừng cho biết: Gắn bó với nghề trồng dâu, nuôi tằm hơn chục năm, hiện gia đình ông có gần 2 mẫu trồng dâu nguyên liệu, 2 nhà nuôi tằm, hàng năm cho thu nhập trên 100 triệu đồng. Việc nuôi tằm lấy kén đầu tư không nhiều nhưng thu nhập lại cao gấp 5 lần trồng lúa, ngô nên hầu hết các hộ trong thôn đều phấn khởi, đời sống bà con từ đó cũng khấm khá lên”.
Cũng giống như ông Tiến, thấy được hiệu quả kinh tế cao từ việc trồng dâu, nuôi tằm, bà Nguyễn Thị Hoàn (thôn Trúc Đình, xã Việt Thành) đã tham gia vào chuỗi liên kết của Hợp tác xã (HTX) dâu tằm tơ Việt Thành. Bà Hoàn đã mạnh dạn chuyển đổi thêm 6 sào lúa sang trồng dâu, nâng diện tích trồng dâu của gia đình lên 1 mẫu. Đồng thời, góp vốn chung với một số hộ dân thuê thêm 5 sào mở rộng sản xuất. “Các thành viên HTX được tập huấn kỹ thuật chăm bón, phòng trừ sâu bệnh cho cây dâu, kỹ thuật nuôi tằm, sát khuẩn, khử trùng để tằm sinh trưởng và cho sản lượng kén tốt. Bên cạnh đó, được đầu tư cho né gỗ ô vuông, giúp con tằm làm kén không bị kết đôi, kết ba, chất lượng kén đẹp và được giá hơn. Trừ hết chi phí, mỗi 1ha trồng dâu thu về gần 150 triệu đồng/năm - bà Hoàn chia sẻ.
Ngoài khuyến khích, hỗ trợ người dân áp dụng những kỹ thuật, huyện còn đẩy mạnh trồng dâu, nuôi tằm thông qua dồn điền đổi thửa để hình thành vùng sản xuất hàng hóa lớn, tăng giá trị sản xuất nông nghiệp cho người dân. Đến nay, toàn huyện đã hình thành được vùng trồng dâu rộng lớn với quy mô trên 700ha ở các xã Việt Thành, Báo Đáp, Tân Đồng, Đào Thịnh, Y Can, Quy Mông, Hòa Cuông, Hồng Ca và gần 2.000 hộ, 10 HTX và 97 tổ hợp tác sản xuất trồng dâu, nuôi tằm. Giá trị sản phẩm bình quân đạt khoảng 250 triệu đồng/ha/năm, cao hơn so với trồng lúa hoặc các cây rau màu khác từ 3 - 5 lần.
Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên Trần Đông thăm mô hình trồng dâu nuôi tằm của bà con xã Việt Thành |
Tháo gỡ từ cơ chế, chính sách
Không thể phủ nhận hiệu quả từ việc trồng dâu, nuôi tằm đã đem lại. Song thẳng thắn nhìn nhận, đầu ra cho sản phẩm của bà con hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái. Nhiều hộ dân nuôi tằm ở Trấn Yên cho biết: Hàng chục năm nay, sản phẩm từ trồng dâu, nuôi tằm đều được bán cho thương lái ở các tỉnh dưới xuôi. Thời điểm thuận lợi thì được giá cao nhưng khi gặp biến cố nào đó coi như làm không công, thậm chí thua lỗ. Bên cạnh đó, việc nhập trứng giống tằm cũng do các thương lái cung cấp khiến người dân không thể chủ động sản xuất, canh tác. Ngoài ra, đại dịch Covid-19 vừa qua đã khiến hàng hóa đóng băng, các sản phẩm từ tằm cũng không phải ngoại lệ, giá bán tằm một lần nữa chạm đáy.
Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên Trần Đông trăn trở: Vấn đề đặt ra không chỉ với riêng Trấn Yên mà cả các địa phương khác trên cả nước là phải giải quyết được mắt xích liên kết giữa người dân, HTX, Nhà nước và doanh nghiệp trong sản xuất sản phẩm từ dâu tằm. Mới đây, một vài doanh nghiệp đã đến địa phương để khảo sát, tìm hiểu và cam kết tham gia vào chuỗi sản xuất, xây dựng nhà máy cung cấp giống tằm, thu mua toàn bộ sản phẩm của bà con. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều vướng mắc trong cơ chế, chính sách về nguồn nguyên liệu đầu vào. Thực tế, việc nhập giống tằm đều từ Trung Quốc và đi qua đường tiểu ngạch nên chất lượng giống nhập về không bảo đảm. Để tháo gỡ khó khăn, cần có chính sách phát triển hệ thống giống để các doanh nghiệp có thể nhập khẩu giống tằm bằng đường chính ngạch, bảo đảm kiểm soát được nguồn giống - ông Đông bày tỏ mong muốn.
Theo một số chuyên gia về nông nghiệp, hiện Việt Nam mới chỉ đáp ứng được giống đa hệ kén vàng. Còn giống tắm lưỡng hệ kén trắng mới chỉ đáp ứng được dưới 10% nhu cầu sản xuất. Đây là tồn tại đã lâu. Vì vậy, tới đây Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần có chính sách hỗ trợ nhập khẩu trứng tằm chính ngạch; nhập giống tằm để nhân giống trong nước; hỗ trợ các cơ quan nghiên cứu nhân giống tằm trong nước, đầu tư trang thiết bị, nguồn kinh phí nghiên cứu nhân giống tằm. Đồng thời, ban hành Quy định về quản lý giống tằm, thúc đẩy liên kết các hộ để thành lập các HTX trồng dâu, nuôi tằm trong vùng miền núi phía Bắc và Tây Nguyên…