Theo đó, lượng cổ phiếu này sẽ được chào bán riêng lẻ cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp trong nước, không thuộc trường hợp không được mua cổ phần công ty và không phải là công ty con của VNG, không thuộc cùng công ty mẹ với VNG.
Bên cạnh đó, trong tờ trình gửi cổ đông, VNG đã công bố danh sách duy nhất 1 nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp dự kiến nhận chuyển nhượng cổ phần của VNG là CTCP Công nghệ BigV.

Đơn vị này hiện đang sở hữu 1,6 triệu cổ phiếu VNG, tương đương tỷ lệ sở hữu 5,7%. Nếu thương vụ mua bán thành công, BigV sẽ nâng số cổ phiếu VNG mà mình nắm giữ lên 8,75 triệu cổ phiếu, tương đương với tỷ lệ sở hữu 30,5% vốn điều lệ.
Sau chuyển nhượng, VNG dự kiến thu về hơn 1.200 tỷ đồng. Theo phía công ty cho biết, số tiền này sẽ được dùng để cơ cấu lại nguồn vốn, bổ sung vốn lưu động cho công ty nhằm mở rộng hoạt động kinh doanh, phát triển thị trường trong và ngoài nước, đầu tư mua cổ phần của các doanh nghiệp khác trong cùng lĩnh vực ngành nghề với công ty nhằm phát triển sản phẩm, củng cố thị phần và vị trí công ty trong ngành Internet.
Về tình hình kinh doanh, trong quý 3.2022, VNG báo lỗ lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ 138 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước báo lãi 150 tỷ. Kết thúc 9 tháng, doanh thu của VNG đạt hơn 5.760 tỷ đồng, giá trị này đi ngang so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lợi nhuận 9 tháng đầu năm ghi nhận lỗ tới 419 tỷ đồng, giảm sâu so với số lãi 529 tỷ đồng cùng kỳ năm 2021.
Về cơ cấu tài sản, tính đến hết quý 3, tổng tài sản của VNG đạt 9.189 tỷ đồng, giảm nhẹ so với thời điểm đầu năm. Tài sản ngắn hạn giảm hơn 2.000 tỷ đồng, chỉ còn hơn 5.100 tỷ đồng với các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn chiếm phần lớn.
Trong cơ cấu nguồn vốn của VNG, nợ ngắn hạn tăng lên mức 2.671 tỷ đồng, tương ứng mức tăng khoảng 12%. Nợ dài hạn tăng lên mức 939 tỷ đồng, tương ứng mức tăng khoảng 74%.
Khoản nợ đáng chú ý nhất trong đó là khoản nợ 433 tỷ đồng với MSB. Hình thức đảm bảo cho khoản vay này là tiền thuê, chi phí xây dựng, chi phí máy móc thiết bị cho dự án Trung tâm dữ liệu và sản xuất phần mềm của VNG.