
Hữu hoảng hốt nhận ra mình không có số điện thoại, hay một dòng địa chỉ nào của cô. Nhiều ngày sau, Hữu không thể nào cầm nổi cọ vẽ. Một dạo sau, Hữu gặp lại người đàn ông lịch sự trong khách sạn. Bên người đàn ông đó trước là cô, giờ là một người con gái trẻ trung khác. Anh xin lỗi và hỏi thăm ông ta về cô. Ông ta nhìn anh không mấy thiện cảm rồi lắc đầu.
- Tôi không biết ai tên như thế.
Triển lãm của anh đã không bao giờ xảy ra. Một cuộc hỏa hoạn không rõ nguyên nhân đã thiêu rụi tất cả. Mặc dù vậy chẳng hiểu sao Hữu không thấy tiếc bất cứ một thứ gì. Họa chăng mỗi khi nhìn những mảng tường xám đen Hữu lại hình dung đến dáng cô ngồi.
Đến phòng vẽ của Hữu lại có những người mẫu nude khác.
Hữu thường tụ tập bạn bè nhậu nhẹt. Tối đó, nhậu xong, trời mưa không dứt, cả lũ lại kéo nhau đi trà đạo. Trà đạo chỉ là cái vỏ bên ngoài. Ở đây có các em xinh tươi. Trong lúc chờ, Hữu cùng mấy người bạn lôi đủ chuyện tào lao trên trời dưới bể ra nói. Chợt có tiếng ồn ào trong một gian phòng khiến mọi người đổ dồn mắt nhìn. Có một cái gì đó chạy qua sống lưng Hữu lạnh buốt. Không thể nhầm được. Đúng là cô. Cô đang bị hai tên bảo kê tát dúi dấp vì làm đổ khay trà. Chúng kéo cô đến quỳ trước mấy người khách Tây. Cô cúi mặt nhẫn nhịn hãm trà. Một gã Tây thọc bàn tay lông lá vào ngực cô. Hữu định bật dậy thì có một bàn tay nắm chặt vai ấn xuống.
Ra về Hữu không sao xóa được hình ảnh nhìn thấy vừa rồi. Hình ảnh đó còn dằn vặt Hữu cả nhiều ngày về sau.
Phải một dạo Hữu mới trở lại quán trà đạo. Khi hỏi đến cô họ bảo cô đã đi cách đây mấy hôm. Đi đâu thì không ai rõ. Hữu ân hận vì đáng lẽ phải đến tìm cô sớm hơn. Giữa dòng đời chật chội này gương mặt nào là cô.
Lâu lâu Hữu lại về quê thăm bà. Hữu thích vẽ con sông quê. Lần nào từ phố về Hữu cũng mang theo giá vẽ và giấy. Chỉ vài nét đưa bút là dòng sông và chiếc thuyền chài hiện ra.
- Này cậu vẽ thuyền của tôi đấy à.
Hữu ngẩng lên nhìn. Đó là lão thuyền chài.
- Thuyền chài thì có đếch gì để vẽ - Vừa nói lão vừa đặt mông ngồi xuống bên cạnh.
Hữu cười nhìn lão thân thiện hỏi vài câu về tình hình đánh cá. Lão thuyền chài đã già, cặp mắt trũng sâu. Không biết lão có hiểu gì về nghệ thuật không nhưng lão nhìn Hữu vẽ một cách chăm chú. Ngày trước khoảng sông này có cả một làng chài. Nhưng giờ họ đã tứ tán đi kiếm ăn khắp nơi. Chỉ còn có chiếc thuyền của lão. Các bức vẽ của Hữu sắp xếp theo thời gian là một cuốn sử họa sự thăng trầm thịnh suy của làng chài. Ở dưới thuyền một bà lão tay thoăn thoắt đan lưới. Lúc sau một người con gái thò ra thả rá xuống sông vo gạo. Hữu đoán đó là con gái lão.
- Nhìn bức họa cứ như là thật. Tôi chẳng hiểu gì nhưng thấy thích.
Hữu đưa bức họa vừa vẽ xong cho lão:
- Tôi tặng bác đấy.
Lão thuyền chài sáng mắt, đón lấy bức tranh nâng niu, đôi mắt lộ vẻ hàm ơn:
- Thật à.
Rồi lão níu lấy tay Hữu:
- Khoan hẵng về. Hôm nay xuống thuyền uống rượu với tôi.
Hữu định từ chối. Nhưng dáng con gái lão chài ẩn hiện khiến Hữu tò mò. Gia đình lão chài có hai vợ chồng và cô con gái. Cơ ngơi chỉ là khoảng rộng của chiếc thuyền. Cô gái khá ưa nhìn. Nhưng khuôn mặt băng giá. Thi thoảng Hữu bắt gắp ánh mắt cô ta kín đáo nhìn mình. Có những tia sáng trong khóe mắt sâu và tối. Đó là linh cảm của người làm nghệ thuật. Hữu không thể tưởng tượng được mình sẽ sống ra sao trong một không gian chật hẹp, không phương tiện thông tin nghe nhìn, không sự tiếp xúc với thế giới bên ngoài thế này. Lúc sau có tiếng trẻ con léo nhéo trên bờ. Rồi một thằng nhóc khoảng bảy tuổi nhảy xuống chiếc thuyền con chèo ra. Hóa ra còn thành viên thứ tư nữa mà Hữu không biết. Nếu thế cô gái đã có chồng và có con. Đoán vậy nhưng Hữu không hỏi. Thấy Hữu, nó không chào. Người lớn cũng chẳng ai nhắc. Nó vừa nhai cơm vừa nhìn Hữu như thể người ngoài hành tinh.
- Khi nào ra sông mời cậu cứ xuống thuyền chơi - Đưa Hữu vào bờ, lão thuyền chài nói.
Hữu không đáp chỉ gật gật đầu ra ý bảo: biết rồi.
Trong đời Hữu còn nhớ nhiều đến một cô gái khác. Cô trở lại nhà anh trong một đêm mưa gió.
- Tôi vào nhà được chứ? - Cô hỏi.
Hữu mở rộng cánh cửa. Cô vào nhà ướt lướt thướt. Anh lấy quần áo của mình chỉ cho cô nhà tắm bảo đi thay. Cô tụt quần áo thay ngay trước mặt anh. Đêm đó cô vùi đầu vào bộ ngực trần của Hữu khóc.
Cô ở lại nhà Hữu một dạo. Hữu không biết nhiều về cô. Nhưng những ngày bên cô khiến Hữu cảm thấy cuộc sống trôi qua nhẹ nhõm.
- Anh có mong một đứa con không? - Cô hỏi Hữu.
- Cô nói sao?
Cô gái lúng túng:
- Không!
Cô không nói thật, nhưng đã từng có vợ và hai lần chứng kiến cảnh vợ mang thai Hữu đủ kinh nghiệm để kết luận. Tối đó Hữu đã uống rượu nhiều. Trong lúc uống rượu Hữu đã rủa cô là đồ gái hư đốn. Hình như Hữu bảo cô ta hãy đi giải quyết đi và ném ra một tập tiền. Tỉnh rượu Hữu không thể nhớ lại được gì. Những ngày sau Hữu đến chỗ thằng bạn và ở lại đó không về nhà. Đôi lúc Hữu cũng vẩn vơ nghĩ đến cái thai. Hữu về nhà thấy cô chuẩn bị một bữa ăn thịnh soạn. Lại có cả một chai brandy ướp lạnh. Thường ngày cô không mấy khi vào bếp. Hai người thường đưa nhau đi ăn quán.
- Có sự kiện gì đây? - Hữu hỏi.
Cô cười không nói. Hôm đó hai người bình thản ăn và uống rượu.
- Em làm bữa ăn hôm nay để chia tay.
Hữu ngạc nhiên:
- Có gì sao?
- Em phải đi. Lần này chắc sẽ khó có cơ hội gặp anh.
- Em có thể ở lại.
Cô lắc đầu :
- Anh có cuộc sống của riêng mình. Em cũng vậy.
Hữu ngồi đần mặt. Hồi sau cất giọng yếu ớt:
- Thế còn cái thai?
Cô gái cười lớn:
- Cái thai nào. Em chỉ đùa anh thôi.
Giờ mẹ cũng đã có người đàn ông khác. Ngoài cô em gái là con của bố với người vợ Khơ Me, Hữu còn hai đứa em trai cùng mẹ. Nhiều lần mẹ và cha dượng nhắn về Hữu mới thu xếp được một chuyến ngược ngàn. Nhưng chỉ ở được vài ngày, Hữu không thể chịu đựng được cuộc sống còn nguyên sơ của một bản làng heo hút, lại bỏ về thị trấn. Mẹ lóc cóc dắt ngựa theo khóc sụt sùi tới mãi tận chân dốc.
Hữu lại về quê, lại vác giá vẽ ra sông. Hữu xuống thăm lão chài và biếu lão chai rượu Tây, những thứ đầy ních trong tủ rượu, mà những thằng bạn đi đâu đó về nhét vào. Cô gái con lão chài đã quen với sự có mặt của Hữu, cúi đầu chào. Hai người rất hiếm khi nói chuyện với nhau. Hữu có bắt chuyện thì cô gái cũng chỉ trả lời nhát gừng. Nhưng Hữu biết cô vui mỗi lần anh xuất hiện. Trong những bức vẽ của Hữu luôn thấp thoáng hình ảnh của cô. Có một cái gì đó khó hiểu ám ảnh Hữu đến kỳ lạ. Nó khiến Hữu nhớ những người đàn bà dạo trước.
- Thằng bé là con em à? - Hữu hỏi.
Cô gái gật đầu bối rối. Mỗi khi để ý đến cô gái, Hữu luôn bắt gặp cái nhìn hằn học của lão chài. Nó khiến Hữu có cảm giác lão sẽ giết người bất cứ lúc nào. Hữu về, bà hỏi:
- Mày lại ra sông à?
Hữu đáp vâng. Bà bảo:
- Chẳng thấy thằng nào như mày. Sống ở thị xã lại thích đặc mấy thứ nhà quê.
Hữu hỏi bà có ra thị xã sống với anh không? Bà bảo bà thèm vào. Hữu hỏi bà về gia đình lão chài. Bà bảo:
- Cái lão thuyền chài ở khuỷnh sông vỡ chứ gì?
Hữu hỏi:
- Bà cũng biết ông ấy à?
- Biết chứ - bà nói - Nhưng chẳng đẹp đẽ gì đâu.
- Sao thế ạ? - Hữu hỏi.
- Người ta đồn lão ngủ với con gái.
Tối đó Hữu đem tất cả những bức họa vẽ sông và chiếc thuyền chài từ mấy hôm ra sân đốt sạch. Bà vừa ăn trầu vừa lầm rầm chửi Hữu là thằng dở người.
Hữu ra sông tìm xuống thuyền lão chài vớ bức tranh tặng cho lão hôm nào xé tan tành rồi ném tất cả xuống sông. Thấy thái độ giận dữ của Hữu, cô gái tái mặt run sợ. Lão chài chẳng hiểu chuyện gì, đứng ở mũi thuyền chửi đổng một hồi cho đến khi Hữu khuất vào làng mới thôi.
Mấy hôm nay Hữu thấy có một người đàn ông lạ ăn mặc theo lối người thượng cứ lảng vảng trước nhà. Bắt gặp sự chú ý của Hữu, người đàn ông vội vã bỏ đi. Lâu lắm Hữu không có tin tức gì của cha. Đêm đó Hữu mơ thấy cha về. Người cha lạnh toát sương đêm. Cha bảo viên đá là ngẫu vật thờ của một tộc người thiểu số. Sẽ có người tìm đến lấy lại.
Một đêm Hữu thấy viên đá để trong tủ tự dưng phát sáng. Hữu không tin lắm vào chuyện tâm linh nhưng tận mắt chứng kiến sự việc cũng hoang mang. Hữu lên giường, đầu óc mệt mỏi cực độ. Nửa đêm có tiếng gõ cửa. Mở cửa Hữu thấy người đàn ông vẫn lảng vảng trước nhà mấy bữa trước. Anh ta nói anh ta đến lấy viên đá. Hữu như trong cơn mê. Người đàn ông vào nhà rồi bỏ đi lúc nào chẳng rõ. Buổi sáng thức dậy Hữu không còn thấy viên đá ở chỗ cũ. Vài hôm sau Hữu nhận được tin báo cha vừa mất vì một căn bệnh lạ. Xác ông đã được hỏa táng.
Cha mất, bà ốm nằm liệt. Bà gọi Hữu về quê. Bà nằng nặc đòi Hữu sang đó để lấy tro than của ông về. Hữu nhớ lại chuyện cha đi tìm ông nội. Chắc sẽ chẳng có chuyến đi. Buổi chiều bà nhúc nhắc dậy được. Hữu ôm ngang lưng bà. Anh nói:
- Bà không được chết đâu đấy.
Bà chửi anh là thằng nhăn nhở. Bà hỏi Hữu về cô gái về cùng hôm trước. Hữu bảo đó là bạn học cũ của anh ở trường đại học. Đã lấy chồng. Đã ly hôn.
Hữu ra lại khúc sông quê. Dòng nước vẫn miệt mài chảy. Chiếc thuyền lão chài vẫn neo ở đó. Có tiếng trẻ con líu ríu từ dưới sông vọng lại. Lát sau cô con gái lão chài và thằng bé xuất hiện. Qua chỗ Hữu, cô gái quay mặt đi. Rồi cô kéo tay đứa bé đi thật nhanh. Một cảm giác khó chịu dâng đầy trong Hữu. Nhưng hồi lâu anh thấy lòng bình thản trở lại. Hữu cầm một viên đất ném mạnh xuống mặt sông rồi uể oải ra về.