Hiện nay tồn tại nhiều ý kiến, thậm chí trái ngược nhau về vai trò của văn chương. Có người cho rằng văn chương là vô ích, nếu cố gắng gán cho nó các ý nghĩa như: văn chương chuyển tải cái đẹp, giúp người ta hoàn thiện nhân cách... chỉ là ảo tưởng. Nhưng cũng có ý kiến khẳng định: văn chương có thể không có ích với một người, nhưng rất có ích với những người cần đến nó và làm công việc liên quan đến nó và nó có ý nghĩa một chút với người quan tâm đến nó. Tại tọa đàm Văn chương ngày nay còn ích gì? do Phái đoàn Wallonie - Bruxelles và Công ty Văn hóa và truyền thông Nhã Nam tổ chức trong khuôn khổ hội sách Hà Nội - Thành phố vì hòa bình, Tiến sỹ văn học Trần Ngọc Hiếu cho rằng, văn chương có ý nghĩa như thế nào, đến mức độ nào luôn là câu chuyện cá nhân. Có thể đối với số đông, văn chương không có mấy ý nghĩa, nhưng với nhà văn, văn chương cho họ tự do tuyệt đối, đôi khi vượt qua giới hạn của chính mình, để tưởng tượng, sáng tạo.
![]() |
Với người đọc, Nicolas Ancion cho rằng, văn học giúp khám phá thế giới xung quanh. Những gì đang xảy ra ở một vùng đất khác, từng xảy ra trong quá khứ, hoặc có thể xảy ra trong tương lai, văn chương với sự hư cấu, tưởng tượng của nhà văn sẽ giúp họ tiếp cận. Đặc biệt, khi đọc một câu chuyện, độc giả như đang hòa nhập vào bối cảnh mà nhà văn tạo ra; đôi khi quên mình để sống cuộc sống của một người khác. Điều đó giúp họ khám phá nhiều điều, cho họ biết về những thân phận con người, thế giới khác. Tuy nhiên, dù bị dẫn dắt theo câu chuyện, nhưng mỗi người lại hình dung khác nhau về thế giới và nhân vật trong tác phẩm. Đây là điểm độc đáo của văn chương.
Không đặt nhiều kỳ vọng vào tác động của văn chương đến người đọc, nhưng theo Ts Trần Ngọc Hiếu, văn chương giúp cho người ta thoát ra khỏi cảm giác đều đều, phẳng lặng của cuộc sống hàng ngày, không phải nhìn mãi về thực tại. Khi đọc sách, ta có thể bớt chút căng thẳng, hoặc có thể vui hơn chút khi thấy mình vẫn may mắn hơn những người khác... Văn chương giúp cho con người một chút, từng chút như vậy. Ts Trần Ngọc Hiếu bày tỏ: văn chương không bao giờ đem đến cho chúng ta những gì hời hợt, nhợt nhạt, nó luôn làm cho ta ngạc nhiên về con người và thế giới này, làm người đọc nhận thấy thế giới này hấp dẫn ở chỗ ta chẳng thể nào hiểu nổi. Hơn nữa, khác với truyền thông thường phân ra hai cực người tốt và kẻ ác, văn chương cho phép ta nhìn con người trên nhiều bình diện, đa cực, từ đó sẽ độ lượng hơn trong cuộc sống thực...
Tuy vậy, tác dụng, lợi ích ít nhiều của văn chương chỉ có thể đến khi người ta tìm đến nó, đọc nó. Đọc sách hay không giờ đây không liên quan vấn đề tiền bạc hay khó tiếp cận sách nữa, hoàn toàn do thói quen và cách giáo dục. Để có những thế hệ độc giả yêu văn chương sau này, các bậc cha mẹ nên cho con tiếp xúc với văn chương ngay từ nhỏ, càng sớm càng tốt. Khi đứa trẻ được nghe đọc truyện, thơ từ bé, lớn lên chúng sẽ yêu thích văn chương hơn những loại hình giải trí khác - nhà văn Ancion nói.