Cụ thể là: dự thảo Luật Phòng thủ dân sự; dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an Nhân dân; dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”. Đây là 3 dự thảo Luật và dự thảo Nghị quyết sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua vào đợt 2 của Kỳ họp thứ Năm.
Tại Phiên họp, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới trình bày dự thảo Báo cáo về một số vấn đề giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của 3 dự thảo Luật sau khi đã được các đại biểu Quốc hội cho ý kiến tại đợt 1 vừa qua của Kỳ họp thứ Năm.
Đối với dự thảo Luật Phòng thủ dân sự, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc rà soát để các quy định trong dự thảo Luật không bị chồng chéo và bổ khuyết cho các luật khác có liên quan, bảo đảm hiệu lực thi hành khi được Quốc hội thông qua, nâng cao hiệu quả công tác phòng thủ dân sự.
Về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, cần tiếp thu, giải trình thấu đáo các ý kiến của đại biểu Quốc hội, tạo sự đồng thuận cao khi Quốc hội xem xét, thông qua.
Về dự án thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 2 luật về xuất, nhập cảnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với một số nội dung Ủy ban Quốc phòng và An ninh dự kiến tiếp thu, chỉnh lý để hoàn thiện dự thảo Luật, góp phần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam và người nước ngoài khi xuất, nhập cảnh vào Việt Nam.
Tại Phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nghe Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh báo cáo tóm tắt nội dung tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, cần liệt kê rõ những dự án luật trình Quốc hội ban hành để bổ sung hoàn thiện pháp luật đối với lĩnh vực y tế cơ sở, y tế dự phòng; tiếp tục rà soát về mặt từ ngữ, bảo đảm tính chính xác của các nội dung.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng yêu cầu tiếp tục rà soát, hoàn thiện và bảo đảm tính khả thi các quy định về mô hình, hoạt động của trung tâm y tế huyện, lộ trình tăng mức đóng bảo hiểm y tế cùng trách nhiệm của các cơ quan; thời hạn định kỳ Chính phủ báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện các nội dung quy định tại Nghị quyết…