Tham dự Phiên họp có đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; lãnh đạo các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Nhà nước; đại diện Ban Kinh tế Trung ương, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)...
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến Kế hoạch cho năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội trong những tháng vừa qua tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực. Trên cơ sở kết quả của 8 tháng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ước cả năm 2023 ít nhất có 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra; kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm.
Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế các quý chưa đạt mục tiêu đề ra, tính chung 6 tháng GDP chỉ tăng 3,72%. Hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn; nhu cầu thị trường trong nước bị thu hẹp, xuất khẩu sang các thị trường chủ lực đều giảm so với cùng kỳ. Tiếp cận tín dụng còn khó khăn, tăng trưởng tín dụng đạt thấp, nợ xấu có xu hướng tăng. Việc triển khai một số nội dung thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội còn chậm. Đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn; số lao động mất việc làm, giảm giờ làm, rút bảo hiểm xã hội một lần gia tăng; tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế chưa được khắc phục triệt để.
Do vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xác định, trong những tháng cuối năm, các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra từ đầu năm trên các lĩnh vực và phấn đấu thực hiện đạt mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2023.
Trên cơ sở phân tích bối cảnh thế giới và trong nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xác định, trong năm 2024, tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng gắn với củng cố, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; đẩy mạnh, tạo chuyển biến thực chất hơn trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trường, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và năng lực nội sinh của nền kinh tế.
Các đại biểu ghi nhận, Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thể hiện bức tranh kinh tế - xã hội tương đối toàn diện, đề cập đầy đủ các lĩnh vực kinh tế, xã hội, giáo dục, y tế, quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên, một số ý kiến lưu ý, Báo cáo của Bộ chưa đề cập đúng mức một số điểm sáng trong năm 2023, đặc biệt là hoạt động đối ngoại, nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ có ý nghĩa quan trọng, góp phần nâng cao vị thế của nước ta, tác động đến các hoạt động kinh tế, thu hút đầu tư…
Các đại biểu cũng cho ý kiến về dự kiến có 5/15 chỉ tiêu không đạt mục tiêu đề ra trong năm 2023; tình hình hoạt động của doanh nghiệp và các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp; nguyên nhân và giải pháp cho tình trạng khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn; hụt thu ngân sách; giải ngân vốn đầu tư công…
Trong đó, nhiều ý kiến đề nghị, cần đánh giá nguyên nhân đối với từng chỉ tiêu chưa đạt, trọng tâm là tốc độ tăng GDP cả năm ước thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra (mục tiêu được Quốc hội giao là khoảng 6,5%); chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội năm thứ 3 liên tiếp không đạt…
Phát biểu kết luận, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn, nhưng Việt Nam vẫn là điểm sáng trong bức tranh xám màu của kinh tế thế giới; ước đạt và vượt 10/15 chỉ tiêu trong năm 2023; kinh tế vĩ mô giữ ổn định, lạm phát kiềm chế, các cân đối lớn của nền kinh tế bảo đảm; tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước, mở ra triển vọng tăng trưởng khả quan trong những tháng cuối năm.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng lưu ý, các cơ quan cần quan tâm việc 5/15 chỉ tiêu ước không đạt và đều là những chỉ tiêu phản ánh chất lượng của tăng trưởng; một số động lực tăng trưởng của nền kinh tế nước ta từ cuối quý IV.2022 có tốc độ tăng chậm lại; sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn rất khó khăn; năm thứ 3 liên tiếp chỉ tiêu năng suất lao động không đạt…
Sáng cùng ngày, Ủy ban Kinh tế cũng thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Theo Báo cáo của Chính phủ, sau hơn 1 năm rưỡi triển khai, với sự giám sát và đồng hành, hỗ trợ của Quốc hội, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các bộ, cơ quan, địa phương đã nỗ lực, quyết tâm, triển khai các nhiệm vụ được giao, hoàn thành khối lượng lớn công việc trong Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội. Việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bước đầu đạt kết quả đáng ghi nhận, đến hết tháng 9.2023 đã giải ngân các chính sách hỗ trợ đạt khoảng 95,7 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, một số chính sách đã hết thời gian thực hiện hoặc sử dụng hết nguồn lực, một số chính sách có nguồn lực lớn nhưng kết quả thực hiện còn hạn chế, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển của Chương trình còn chậm, có khả năng không thực hiện được các mục tiêu đã đề ra của chính sách.
Các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá về phạm vi, tính đầy đủ nội dung báo cáo của Chính phủ; kết quả của từng chính sách cụ thể; làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong triển khai các chính sách trong Nghị quyết 43/2022/QH15; phân tích những nguyên nhân chủ quan, trách nhiệm cụ thể của các cơ quan, tổ chức, người đứng đầu...