Tham dự có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; đại diện một số bộ, ngành có liên quan…
Trình bày Báo cáo hướng tiếp thu, giải trình ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Kinh tế đối với dự án Luật, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn cho biết, kế thừa phạm vi điều chỉnh của Luật Quy hoạch đô thị năm 2009, Luật Xây dựng năm 2014, trên cơ sở quy định liên quan tại Luật Quy hoạch năm 2017, phạm vi điều chỉnh của dự án Luật được đề xuất là “về hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn; lập, thẩm định, phê duyệt, rà soát, điều chỉnh, tổ chức quản lý quy hoạch đô thị và nông thôn và quản lý nhà nước về quy hoạch đô thị và nông thôn”.
Trên cơ sở nghiên cứu tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn được chỉnh lý thành 6 chương, 66 điều, tăng 1 chương và 5 điều so với dự thảo trước. Theo đó, dự thảo Luật sẽ thể chế hóa Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị; thống nhất hóa các quy định về quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn trong cùng một luật.
Đáng chú ý, dự thảo Luật lần này cũng tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho tổ chức, cá nhân, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh với những điểm mới, như: quy định rõ hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn về loại, cấp độ quy hoạch; làm rõ mối quan hệ với các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành.
Đồng thời, tăng cường phân cấp, phân quyền trong lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn; đơn giản hóa trình tự, thủ tục trong lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, đáp ứng yêu cầu cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; bổ sung quy định rõ về nội dung quy hoạch không gian ngầm đối với các quy hoạch đô thị trực thuộc và quy định không gian ngầm được lập riêng với thành phố trực thuộc Trung ương, cũng như đô thị mới dự kiến thành lập sẽ là thành phố trực thuộc Trung ương…
Dự thảo Luật cũng bổ sung một số quy định cụ thể để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện quy hoạch đô thị và nông thôn.
Trong Báo cáo, cơ quan chủ trì soạn thảo cũng nêu cụ thể 22/30 nội dung góp ý sẽ được tiếp thu, bổ sung vào dự thảo Luật; làm rõ 8 nội dung về tên gọi của dự thảo luật; khái niệm đô thị, nông thôn và nội hàm quy hoạch nông thôn; quy định về loại đô thị và cấp hành chính đô thị…
Các đại biểu nhất trí sự cần thiết xây dựng dự án Luật nhằm cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, khắc phục hạn chế, bất cập trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn; đánh giá cao tinh thần cầu thị của Bộ Xây dựng - cơ quan chủ trì soạn thảo, khi đã có một bộ hồ sơ dự án Luật đầy đủ, kịp thời soạn thảo báo cáo giải trình, tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật sau phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Để hoàn thiện dự thảo Luật, các đại biểu đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, bao gồm cả các luật mới ban hành và đang sửa đổi, tránh chồng chéo, trùng lặp trong quản lý, bảo đảm đơn giản hóa thủ tục hành chính; kết hợp hài hòa giữa quá trình đô thị hóa, phát triển đô thị, kinh tế đô thị với công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới và cơ cấu lại nền kinh tế, quản lý phát triển xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo đảm gắn kết giữa không gian đô thị và nông thôn; xử lý tốt mối quan hệ giữa quy hoạch đô thị, đô thị hóa và phát triển kinh tế khu vực đô thị…
Một số ý kiến lưu ý, cần làm rõ phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật để thấy rõ tính chất đặc biệt của quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn so với các quy hoạch khác, bảo đảm khi triển khai thực hiện Luật sẽ giúp nước ta có thêm nhiều đô thị xanh, sạch, đẹp.
Một số ý kiến tán thành không quy định "cứng" trong dự thảo Luật về các tiêu chuẩn, tiêu chí mật độ dân số, chiều cao công trình, mà nên để cho tư vấn quy hoạch đề xuất trên cơ sở quy hoạch tổng thể. Thực tế triển khai quy hoạch đô thị ở nhiều thành phố lớn trên thế giới cho thấy, sự chật chội, ô nhiễm không phụ thuộc vào số lượng nhà cao tầng nhiều hay ít, quan trọng là xử lý không gian xung quanh các tòa nhà này ở khu vực đô thị như thế nào.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, tại dự thảo Luật vẫn cần giữ quy định giới hạn chiều cao công trình ở một số khu vực đô thị đặc thù, đặc biệt là khu đô thị ven biển, để bảo đảm sự phát triển bền vững của những đô thị này.
Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã giải trình, làm rõ các vấn đề về phạm vi điều chỉnh; mối quan hệ giữa dự án Luật này với dự án Luật Quản lý phát triển đô thị; điều chỉnh cục bộ quy hoạch, nguyên tắc tuân thủ quy hoạch…
Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo bám sát, bổ sung đủ bản thuyết minh chi tiết, nội dung tổng kết thi hành quy định về phân cấp thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đang được thực hiện thí điểm tại một số tỉnh, thành phố; bổ sung đầy đủ nội dung đánh giá tác động cụ thể đối với các quy định mới và hoàn thiện dự thảo các văn bản quy định chi tiết tương ứng với dự thảo Luật.
Đối với một số vấn đề cụ thể, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế lưu ý, cần tiếp tục hoàn thiện các quy định về hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn; vị trí, vai trò, cấp độ quy hoạch, tiêu chí phân loại quy hoạch; mối quan hệ giữa các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn, giữa các quy hoạch này với các quy hoạch khác trong hệ thống quy hoạch quốc gia và các quy hoạch kỹ thuật, chuyên ngành để bảo đảm sự liên kết, khớp nối, tránh chồng chéo, trùng lặp.
Tiếp tục hoàn thiện quy định về xử lý khi có mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy hoạch, kế hoạch, bao gồm cả quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, tránh gây vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. Rà soát quy định tại dự thảo Luật và tại Luật Quy hoạch năm 2017 về “quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn” là quy hoạch ngành quốc gia thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia bảo đảm thống nhất…