Tham dự phiên họp có: các thành viên Ủy ban Đối ngoại; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Nguyễn Thị Kim Oanh; Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Thanh Bình cùng đại diện một số bộ, ngành liên quan.
Trình bày Tờ trình về việc phê chuẩn văn kiện gia nhập CPTPP của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (Vương quốc Anh), Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Nguyễn Thị Kim Oanh cho biết, Vương quốc Anh là thành viên của các cơ chế chính trị - an ninh ở tầm khu vực và toàn cầu như: Ủy viên Thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, thành viên Nhóm G7, Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM), Đối tác Đối thoại của ASEAN... đóng vai trò quan trọng thúc đẩy an ninh khu vực và toàn cầu.
Ở góc độ song phương, quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Vương quốc Anh thời gian qua có những bước phát triển mạnh mẽ, ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả.
Trong bối cảnh đa số các nước ASEAN chưa có quan hệ FTA với Vương quốc Anh, Vương quốc Anh và Việt Nam đã và đang có quan hệ FTA song phương, việc Vương quốc Anh gia nhập CPTPP sẽ góp phần củng cố vai trò của Việt Nam đối với Vương quốc Anh tại khu vực này, đồng thời góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong hợp tác kinh tế quốc tế và quan hệ hợp tác song phương với Vương quốc Anh.
Ở góc độ đa phương, việc Vương quốc Anh gia nhập CPTPP sẽ góp phần kết nối khu vực châu Á - Thái Bình Dương, châu Mỹ với châu Âu, giúp nâng tầm CPTPP từ một hiệp định trong khuôn khổ khu vực thành một hiệp định mang tính toàn cầu, khẳng định sức hấp dẫn của Hiệp định cũng như vai trò của CPTPP trong việc thúc đẩy liên kết và tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Do vậy, việc thắt chặt quan hệ hợp tác với Vương quốc Anh sẽ góp phần tạo lập và duy trì cục diện đa dạng hóa, đa phương hóa ở khu vực, tiếp tục củng cố cam kết của Vương quốc Anh đối với sự phát triển hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, phù hợp với mong muốn của Việt Nam và các nước trong khu vực.
Các thành viên Ủy ban Đối ngoại cơ bản nhất trí với sự cần thiết sớm phê chuẩn văn kiện gia nhập CPTPP của Vương quốc Anh và nhấn mạnh, việc Quốc hội Việt Nam sớm phê chuẩn văn kiện này sẽ tạo thuận lợi cho quan hệ song phương Việt Nam - Vương quốc Anh, góp phần sớm đưa văn kiện có hiệu lực, mang lại lợi ích thiết thực cho các doanh nghiệp của hai nước. Có ý kiến đề nghị, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Đối ngoại về nội dung này cần nêu bật một số cam kết trong CPTPP tốt hơn so với một số nội dung trong hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam - Vương quốc Anh, nhằm thông tin thêm tới các đại biểu Quốc hội.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Mạnh Tiến đề nghị, Chính phủ hoàn thiện hồ sơ để trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn tại Kỳ họp thứ Bảy, trong đó có báo cáo bổ sung các nội dung được các thành viên Ủy ban nêu tại phiên họp, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội phê chuẩn văn kiện; kế hoạch thực thi văn kiện… bảo đảm cụ thể, chi tiết, khả thi.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại cũng đề nghị, Chính phủ nghiên cứu xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ về ban hành biểu thuế xuất khẩu ưu đãi và biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt trong hiệp định CPTPP nhằm áp dụng với Vương quốc Anh; rà soát các văn bản quy phạm pháp luật cần sửa đổi, bổ sung hoặc đề xuất ban hành mới nếu cần thiết, nhằm hướng dẫn thực thi các cam kết về mua sắm Chính phủ, dịch vụ, đầu tư trong văn kiện sau khi Vương quốc Anh chính thức trở thành thành viên của CPTPP.
Tiếp đó, các đại biểu đã nghe đại diện Bộ Ngoại giao báo cáo về tình hình thế giới, khu vực và công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước; dự thảo báo cáo công tác của Ủy ban Đối ngoại từ sau Kỳ họp thứ Sáu đến nay và phương hướng hoạt động 6 tháng cuối năm 2024 và thảo luận, cho ý kiến vào hai nội dung này.