Ưu tiên nguồn lực đầu tư và phát triển giáo dục dân tộc

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết sẽ chú trọng quản lý và điều hành, tiếp tục rà soát những khó khăn, vướng mắc để chỉ đạo tháo gỡ kịp thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nắm bắt tình hình dạy và học vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại các địa phương.

Văn bản ban hành, tiến độ giải ngân vốn còn chậm

Theo Báo cáo của Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Sơn La, thực hiện Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14.10.2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, tỉnh Sơn La triển khai phân bổ nguồn vốn của Chương trình kịp thời cho các dự án, tiểu dự án thành phần; Ban hành hệ thống các văn bản: Nghị quyết HĐND tỉnh, quyết định của UBND, Chủ tịch UBND tỉnh, các kế hoạch, hướng dẫn của các sở ban ngành liên quan.

Sở GD-ĐT Sơn La cũng triển khai một số nhiệm vụ được UBND tỉnh giao, trong đó có nhiệm vụ chủ trì thực hiện Tiểu dự án 1 - Dự án 5: Đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh bán trú và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tại tỉnh Đắk Lắk, các cấp chính quyền cũng đã xây dựng, ban hành và triển khai các cơ chế, chính sách, kế hoạch năm, giai đoạn, hướng dẫn thực hiện Chương trình với 3 Nghị quyết của Hội đồng nhân dân và 5 Quyết định của Uỷ ban nhân dân tỉnh. Sở GD-ĐT Đắk Lắk đảm nhiệm vai trò chủ trì Tiểu dự án 1 - Dự án 5: “Đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh ở bán trú và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số”

Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Lắk đã thành lập tổ giúp việc, có văn bản hướng dẫn và rà soát hiện trạng, xác định nhu cầu đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông dân tộc có học sinh bán trú thuộc đối tượng hưởng thụ. Đồng thời, thống kê số lượng người mù chữ phục vụ công tác phân bổ vốn thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025 và năm 2022. 

Bên cạnh những kết quả ban đầu, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục dân tộc Lê Như Xuyên cho biết, quá trình triển khai Chương trình năm 2022 tại một số địa phương còn có những hạn chế cần sớm khắc phục. Cụ thể, một số văn bản như hướng dẫn, kế hoạch triển khai, các văn bản và kế hoạch kiểm tra giám sát theo thẩm quyền, trách nhiệm của Sở GD-ĐT tham mưu ban hành hoặc ban hành còn chậm hoặc chưa triển khai. Tiến độ giải ngân năm 2022 còn chậm.

Ưu tiên nguồn lực để đầu tư và phát triển giáo dục dân tộc -0
Thầy giáo Tưih (người Ba-na) tâm huyết truyền thụ kiến thức cho học sinh dân tộc thiểu số ở huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai_Ảnh: TTXVN

Nỗ lực đổi mới giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiếu số và miền núi

Mục tiêu chung của 10 nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022-2023 đối với khối giáo dục dân tộc được ngành Giáo dục xác định là thực hiện có hiệu quả các Chỉ thị, Nghị quyết, chủ trương của Đảng và Nhà nước về đổi mới và phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiếu số và miền núi. Ưu tiên nguồn lực để đầu tư và phát triển giáo dục dân tộc.

Theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg, Bộ GD-ĐT được giao chủ trì, phối hợp với các bên liên quan chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện Tiểu dự án 1 - Dự án 5 và Tiểu dự án 2 - Dự án 4. Tháng 8, Bộ GD-ĐT đã ban hành Quyết định số 2182/QĐ-BGDĐT kèm theo Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 và Quyết định số 2183/QĐ-BGDĐT kèm theo Kế hoạch Triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2022.

Trong năm 2022, cùng với các cuộc kiểm tra, giám sát, chỉ đạo hướng dẫn các địa phương, Bộ GD-ĐT đã tổ chức chuỗi hội thảo tại ba miền nhằm đánh giá những kết quả đã đạt được, kịp thời rà soát vướng mắc đ tháo gỡ.

Chia sẻ về những việc cần phải làm thời gian tới, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục dân tộc Lê Như Xuyên cho biết sẽ tiếp tục củng cố và phát triển hợp lý hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông dân tộc có học sinh bán trú.

Đồng thời, đầu tư bổ sung, nâng cấp cơ sở vật chất cho các trường chưa đạt chuẩn quốc gia để đảm bảo tốt việc tổ chức dạy - học, nuôi dưỡng và chăm sóc học sinh bán trú, nội trú.

Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông dân tộc có học sinh bán trú. Tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm về công tác xoá mù chữ, duy trì và nâng cao hiệu quả công tác xoá mù chữ.

Về giải pháp, Bộ GD-ĐT đề xuất Uỷ ban Dân tộc - Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương hoàn thành việc xây dựng, ban hành hoặc trình ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành và hướng dẫn thực hiện Chương trình. Tập trung thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ phân bổ, giao kế hoạch vốn ngân sách nhà nước hằng năm theo kế hoạch của giai đoạn 2021-2025.

Đặc biệt lưu ý, Bộ GD-ĐT đề xuất để các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông dân tộc có học sinh bán trú không trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vẫn thuộc đối tượng được đầu tư theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg. 

Bộ GD-ĐT sẽ vừa chú trọng quản lý và điều hành, tiếp tục rà soát những khó khăn, vướng mắc để chỉ đạo tháo gỡ kịp thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nắm bắt tình hình tổ chức dạy và học thực hiện Chương trình tại các địa phương; vừa đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền.

Bộ GD-ĐT cũng đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh cần khẩn trương hoàn thiện ban hành các quy định về quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện Chương trình tại địa phương; chú trọng công tác quản lý, chỉ đạo, xây dựng kế hoạch, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền và thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo theo quy định.